Da giày vượt khó

Da giày vượt khó
TP - Cùng với việc đấu tranh với Ủy ban châu Âu (EC) để dỡ bỏ quyết định kéo dài việc áp thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp (DN) sản xuất da giày Việt Nam đang nỗ lực tìm cách vượt khó do việc áp thuế này gây ra.

“Nếu cứ bám vào thị trường EU (Liên minh châu Âu), DN Việt Nam sẽ đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng nhanh chóng mặt” - bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty TNHH giày Liên Phát (Bình Dương) - DN chuyên làm hàng xuất đi EU - cảnh báo, đồng thời cho biết trong nửa năm đầu 2009, Liên Phát gần như không có đơn hàng.

Từ tháng 6 trở đi mới có một số đối tác đặt hàng, song Cty cũng không dám ký nhiều hợp đồng vì thiếu lao động. Vì vậy, theo bà Liên, chuyển hướng thị trường là cách tốt nhất để DN sản xuất xuất khẩu giày da Việt Nam tiếp tục phát triển.

Thay vì tập trung xuất khẩu sang EU, Liên Phát cũng như nhiều DN trong ngành da giày đang dần chuyển hướng xuất sang thị trường khác, đặc biệt là Hoa Kỳ; tiếp theo là Nhật Bản, Nga và khai phá một số thị trường mới.

“Trong khó khăn nhưng vẫn có nhiều cơ hội”- Ông Diệp Thành Kiệt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso) nói.

Ông phân tích: Thị trường Hoa Kỳ có ít rủi ro hơn EU vì nước này hầu như không sản xuất da giày nên nguy cơ áp thuế chống bán phá giá để bảo hộ sản xuất trong nước như EU đã và đang làm là rất thấp. Thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng da giày xuất khẩu của Việt Nam và cơ hội mở rộng thị phần còn rất lớn.

Theo ghi nhận của các nhà nhập khẩu, ngành da giày Việt Nam có hai ưu thế lớn; một là lao động có tay nghề khéo léo; hai là việc thực thi các trách nhiệm xã hội rất tốt, hơn hẳn các nước khác cùng sản xuất, xuất khẩu giày trong khu vực, kể cả châu lục. Trong khi đó Hoa Kỳ đặc biệt chú trọng đến yếu tố này nên thường tìm đến Việt Nam để đặt hàng.

Theo ông Kiệt, đơn hàng của Hoa Kỳ thường là của các nhãn hàng lớn và  quy mô đơn hàng cũng lớn. “Những thương hiệu lớn khi đã định vị việc đặt hàng vào nơi nào thì thường rất ít thay đổi trong ngắn hạn. Vì vậy tính ổn định trong sản xuất rất cao”- Ông Kiệt nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Kiệt, chỉ những DN lớn của Việt Nam mới đáp ứng được những đơn hàng này của Hoa Kỳ.

Da giày vượt khó ảnh 1
DN sản xuất da giày VN. Ảnh: Đại Dương

Liên kết giữ giá

Ông Khương Mạnh Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tân Thành-DN của ông chuyên sản xuất giày mũ da dành cho nữ để xuất khẩu sang EU - cho biết, suốt ba năm qua, Tân Thành đã liên tục đàm phán với đối tác để cùng chia sẻ thiệt hại do thuế chống bán phá giá (10%) gây ra. Đây cũng là biện pháp mà các DN sản xuất giày xuất khẩu Việt Nam thường phải áp dụng thời gian qua, kể cả cho thời gian tới.

Các nhà sản xuất cũng cho biết, đơn hàng sản xuất trong quý 1 năm 2010 đến nay đã được chốt từ cuối năm 2009. Riêng đơn hàng cho các tháng 4 đến 10-2010 phải đợi qua tháng 2, khi các nhà nhập khẩu kết sổ của năm trước thì mới xác định được. Tuy nhiên, ông Kiệt cho biết, hiện một số nhãn hàng lớn của Hoa Kỳ đã tiếp tục tăng cường đặt hàng tại Việt Nam.

Mặc dù rất khó khăn và có được đơn hàng trong lúc này là rất quý, song Lefaso yêu cầu các DN liên kết giữ giá, tức không giảm giá gia công. “Việc liên kết này nhằm để các DN không bị tiếp tục rơi vào thảm họa”- Ông Kiệt nói.

Theo ông, nếu để có đơn hàng mà đua nhau hạ đơn giá gia công, các DN càng dễ sa vào bẫy thuế chống bán phá giá. Tình trạng đó kéo dài, việc tiếp tục gia hạn áp thuế chống bán phá giá của EU như vừa làm là khó tránh khỏi.

Mặt khác, việc hạ giá sẽ khiến các DN ngày càng khốn khó vì chi phí sản xuất ngày càng tăng. Đời sống người lao động cũng khốn khó theo vì thu nhập không tăng trong khi giá cả thị trường liên tục tăng. 

Ngày 22-12, EU chính thức thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) kéo dài thêm 15 tháng thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc, có hiệu lực từ đầu năm 2010. Theo đó, thuế suất đối với giày mũ da của Việt Nam là 10% và của Trung Quốc là 16,5%.

Liên minh Giày dép châu Âu, trong đó có các hãng lớn như Adidas và Clarks, đã lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định nói trên của EU, đồng thời cảnh báo quyết định này sẽ dẫn đến thiệt thòi cho người tiêu dùng châu Âu, vì họ sẽ phải mua các mặt hàng nói trên với giá cao hơn.

MỚI - NÓNG