Tăng giá than để lấy vốn đầu tư

Tăng giá than để lấy vốn đầu tư
TPO - Tổng GĐ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa cho rằng, đề xuất tăng giá bán than của TKV là theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc tăng giá giúp TKV có lãi và có vốn đầu tư. 

>> Giá điện sẽ tăng theo giá than?

Tăng giá than để lấy vốn đầu tư ảnh 1
Tổng GĐ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) Trần Xuân Hòa

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hòa cho biết, nguyên nhân khiến TKV phải tăng giá giá bán than do tỉ lệ than hầm lò đang ngày càng cao, trong khi than lộ thiên khai thác giảm.

Than hầm lò hiện cung cấp cho sản xuất điện 11 triệu tấn/năm, riêng than cung cấp cho các nhà máy của EVN tới tám triệu tấn/năm.

Ngoài ra, do khai thác ngày càng xuống sâu và xa hơn nên giá thành sản xuất than tăng, trong khi giá cả đầu vào từ cuối năm 2009 cũng tăng, làm đội chi phí lên cao. Dự kiến, năm 2010, giá thành sản xuất một tấn than lên tới 803.000 đồng/tấn. 

“Nếu không điều chỉnh tăng giá bán thì càng về sau, tỉ lệ cần bù lỗ càng lớn, do trong thời gian quá dài ngành than không được điều chỉnh giá bán. Việt Nam cần nhanh chóng thị trường hóa giá than để người tiêu dùng tiết kiệm hơn” - Ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, năm 2010, tập đoàn cần tới 31.000 tỉ đồng để đầu tư. Vì vậy, việc tăng giá bán than cho sản xuất điện là không tránh khỏi, giúp tập đoàn thu lợi nhuận, có vốn đối ứng để vay tiền đầu tư.

Hơn nữa, từ trước đến nay, TKV không có các khoản vốn ODA hay vốn ưu đãi để đầu tư. Toàn bộ vốn đầu tư của tập đoàn phải lấy từ lợi nhuận của than xuất khẩu.

Trong văn bản gửi các Bộ Công Thương, Tài chính mới đây, Phó Tổng Giám đốc TKV Nguyễn Văn Hải cũng cho biết, chi phí khai thác của tập đoàn thời gian qua liên tục tăng cao. Điển hình, giá thép chống lò theo giá thị trường tăng từ 10.000 đồng/kg lên 11.500 đồng/kg, tăng 1.731 đồng/tấn.

Giá săm lốp ô tô cũng tăng kéo theo giá thành sản xuất than tăng thêm 8.200 đồng/tấn. Giá nhiên liệu kế hoạch 11.300 đồng/lít cũng tăng lên 12.600 đồng/lít, làm tăng chi phí sản xuất thêm 10.666 đồng/tấn.

Ngoài ra, để đảm bảo tiền lương cho thợ lò, tập đoàn cũng phải điều chỉnh tiền lương tăng 10% so với kế hoạch làm tăng chi phí thêm 16.297 đồng/tấn. Thực tế, giá thành sản xuất một tấn than năm 2009 lên tới 722.456 đồng/tấn, tăng 103,7% so với mức 696.213 đồng/tấn (đã được kiểm toán).

Cũng theo đại diện TKV, thời gian tới, ngành điện và than sẽ ngồi lại, bàn về mức tăng giá nhưng tinh thần sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm sao giá than bán cho điện bằng giá thành cộng lợi nhuận hợp lý, từ 3% đến 5% như của điện.

“Không thể kéo dài mãi việc hỗ trợ giá bán cho điện để mua than dưới giá thành mãi được. Than hay điện đều là vấn đề an ninh năng lượng và đều cần phải có tiền để đầu tư sản xuất, phát triển. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về việc tăng giá bán than cho sản xuất điện như thế nào là do Thủ tướng Chính phủ quyết định” - Đại diện TKV cho biết.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, đã đến lúc phải điều chỉnh tăng giá bán than. Vài chục năm nay, ngành than bán cho điện thấp hơn giá thành rất nhiều, do vậy, lợi nhuận của ngành rất thấp. Trong khi đó, chi phí đầu vào của ngành than ngày càng tăng cao, thậm chí lên gấp đôi, gấp ba so với các năm trước đây.

Nếu không tăng giá bán than thì TKV sẽ không có vốn để đầu tư cho các hầm lò mới. Với mỗi lò mới được đưa vào khai thác, cần tới 300 triệu USD và phải có vốn đối ứng tối thiểu 20%, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của ngành than năm 2009 là hơn 3.000 tỷ.

“Với điều kiện hiện tại, ngành than không đủ vốn để đầu tư tái sản xuất, củng cố lò than, phát triển, khai thác lò than. Phương án tăng giá than, hiệp hội thấy hợp lý. Phải điều chỉnh bằng hoặc cao hơn giá thành mới có lãi” - Ông Ngãi cho biết

Cũng theo đại diện Hiệp hội Năng lượng, khi giá than tăng, giá điện phải tăng tương ứng. Tỷ lệ tăng giá của ngành điện như thế nào thì còn phải nghiên cứu và phải hợp lý.

Theo TKV, so với giá thành năm 2008, giá bán than cho ngành điện hiện nay mới bằng 58% chi phí sản xuất một tấn cám 4b và bằng 61% chi phí sản xuất của than cám 5.

Nếu so với giá thành của năm 2009, mức giá bán này mới bằng 56% của than cám 4b và 59% của than cám 5. Nếu so với giá thành năm 2010 thì mức giá bán hiện tại còn thấp hơn nữa.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.