Đồng chi trả viện phí BHYT:

Bệnh nhân nghèo chới với

Bệnh nhân nghèo chới với
TP - Nửa tháng sau quy định mới từ 1-1-2010, bệnh nhân BHYT phải đồng chi trả từ 5 - 20% viện phí đã khiến không ít người nghèo mắc bệnh nan y tại Bệnh viện Đà Nẵng phải bỏ điều trị, cắt giảm các đợt điều trị theo chu kỳ... do mức đóng góp vượt quá khả năng của mình.

Hơn 5 năm nay, khoa Thận nhân tạo - Bệnh viện Đà Nẵng đã trở thành ngôi nhà thứ hai với ông Ngô Phú Thắng (44 tuổi, trú phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu). Căn nhà nhỏ càng thêm cơ cực khi gánh nặng kinh tế chỉ biết cậy dựa vào đồng lương ít ỏi của người vợ, trong khi nhà có đến 4  miệng ăn, hai đứa con đều đang tuổi đến trường.

Cuối năm 2009, ông điếng người khi nghe thông báo sẽ phải đồng chi trả 20% BHYT theo quy định mới. “Vợ tôi làm nuôi các con ăn học chưa đủ thì lấy gì mà đóng viện phí” - Ông Thắng bộc bạch trong bế tắc.

Mỗi tuần ông Thắng phải chạy thận ít nhất 3 lần, mỗi tháng 12 lần với chi phí ước tính hơn 6 triệu đồng/tháng. Với quy định mới này, mỗi tháng ông phải lo đủ hơn 1,5 triệu đồng để có thể được chạy thận tiếp.

“Tuần rồi tôi bỏ trị 1 lần để giảm số tiền viện phí và mức đồng chi trả lại. Biết là liều mình với tử thần vì với căn bệnh của tôi chỉ cần bỏ trị một, hai lần là sẽ chuyển sang các đợt suy thận cấp, dễ chết  lắm. Nhưng biết làm sao chừ...”.

Dọc các buồng nhỏ tại khoa Thận nhân tạo, có đến hàng chục bệnh nhân đang nằm chen nhau chạy thận. Chị Trương Thị Bông (38 tuổi, Điện Bàn, Quảng Nam) hơn 3 năm nay phải coi bệnh viện là nhà. Hết điều trị, chị lại nằm vật vờ ở ngoài hành lang chờ những bữa cơm từ thiện. Chưa một lần các bác sĩ thấy người thân của chị. Chồng ruồng bỏ, ba mẹ già ở quê cũng leo lắt bữa ăn qua ngày.

Chị Bông nói như khóc “Bữa trước tôi bỏ trị một đợt theo chu kỳ nhưng rồi đau quá không chịu được nữa đành phải đến đây để tiếp tục chạy thận. Đào đâu ra tiền bây giờ”.

Bệnh nhân nghèo chới với ảnh 1
Chị Trương Thị Bông (38 tuổi, Điện Bàn, Quảng Nam) không ngớt lo lắng sẽ lấy tiền đâu để cùng chi trả trong những lần chạy thận tiếp. Ảnh: Nguyễn Huy

Sẽ thêm nhiều bệnh nhân bỏ trị

Bác sĩ Trần Ngọc Thạnh – Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, cho biết: Khoa Thận nhân tạo có đến 157 bệnh nhân suy thận mãn, khoa Ung bướu có đến hơn 60 bệnh nhân thường xuyên điều trị.

Trong số 108 bệnh nhân suy thận mới có thẻ BHYT có đến 26 bệnh nhân chi trả 20% viện phí, 74 bệnh nhân chi trả mức 5% viện phí. Nhưng hầu hết các bệnh nhân đều khó có khả năng đồng chi trả viện phí. Không ít bệnh nhân đã phải bỏ trị hoặc cắt giảm số đợt điều trị theo chu kỳ vì không có tiền tạm ứng chi trả viện phí.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đa - Trưởng khoa Thận nhân tạo cũng bộc bạch: Thực tế số bệnh nhân đang điều trị ở đây chiếm đến 70 - 80% là các hộ nghèo, cận nghèo nên việc chi trả rất khó khăn. Cứ đà này chắc chắn số bệnh nhân bỏ trị sẽ gia tăng trong thời gian tới khi họ không kham nổi mức đồng chi trả này. Điều này sẽ nguy hiểm cho bệnh nhân, bởi nếu bỏ trị 2 -3 lần có khả năng dẫn đến các đợt cấp của suy thận mãn, bệnh nhân bị phù phổi cấp, suy tim dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh viện cũng ... khó

Bác sĩ Sử Thị Ngân - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết: Tính trung bình mỗi ngày có 60 bệnh nhân chạy thận, một ca 500.000 đồng với mức đồng chi trả 5 - 20% của bệnh nhân chưa được đóng góp, hiện mỗi ngày, bệnh viện đang phải bù khoảng gần 2 triệu đồng.

Bệnh nhân nghèo chới với ảnh 2Việc đồng chi trả viện phí BHYT là một chủ trương đúng, làm tăng tính trách nhiệm của người bệnh; nhưng cái khó là đối với bệnh nhân mãn tính do thời gian điều trị lâu dài, chi phí điều trị lớn. Do đó, theo tôi nên có giải pháp riêng cho các bệnh nhân mãn tính, tiếp tục miễn phí cho các bệnh nhân này sẽ phù hợp hơn.Bệnh nhân nghèo chới với ảnh 3 - BS. Nguyễn Hữu Đa – Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng.

Chưa kể tại khoa Ung bướu với 60 bệnh nhân, một chu kỳ điều trị từ 4 - 6 đợt/1 bệnh nhân, thấp nhất 3 triệu đồng, cao nhất lên đến 17 triệu đồng/đợt, việc cùng chi trả 5 - 20% viện phí sẽ là một gánh nặng lớn.

Đặc biệt, các loại thuốc ngoài danh mục điều trị ung bướu, bệnh nhân phải chi trả đến 50%. Khi bệnh nhân không lo đủ số tiền này, gánh nặng lại thuộc về bệnh viện khiến chúng tôi chưa biết lấy nguồn nào để bù vào.

Theo bác sĩ Thạnh, để triển khai việc cùng chi trả viện phí BHYT cho bệnh nhân, đơn vị đã lập thêm 3 điểm thu BHYT mới. Tuy nhiên vướng mắc là ở chỗ thẻ BHYT nhiều loại giấy tờ, khó quản lý. Bên cạnh đó thủ tục chuyển viện chỉ có giá trị một lần làm tăng thủ tục hành chính trong khâu tiếp nhận, giải quyết cho bệnh nhân.

Trực tiếp trong hoàn cảnh này ông Đỗ Kích (57 tuổi, Điện Bàn, Quảng Nam) bức xúc: Tôi phải chờ đến 2 tuần mới nhận được thuốc do thiếu giấy chuyển viện. Trước đây quy định giấy chuyển viện có thời hiệu một năm nhưng bây giờ mỗi lần chuyển là một lần xin giấy khiến chúng tôi càng thêm khó khăn hơn.

Làm việc với Bệnh viện Đà Nẵng, BHYT TP sáng 12–1, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nông Thị Ngọc Minh chỉ đạo: Ngành y tế cần tiếp tục theo dõi và có đánh giá toàn diện về việc khám chữa bệnh theo quy định BHYT mới để có kiến nghị, giải pháp cụ thể.

Trước mắt, để hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, Sở Y tế cần phải khởi động lại quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo để hoạt động có hiệu quả, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn.

MỚI - NÓNG