Đồng loạt trả giấy phép xuất khẩu lao động

Đồng loạt trả giấy phép xuất khẩu lao động
TP - Năm 2009, cả nước đưa được gần 75.000 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), đạt 83% kế hoạch. Xin được một giấy phép XKLĐ không hề dễ, vậy mà nhiều doanh nghiệp đang xin... trả.
Đồng loạt trả giấy phép xuất khẩu lao động ảnh 1


Ông lớn
 cũng… nhả

Bên cạnh những doanh nghiệp do vi phạm bị thu hồi giấy phép XKLĐ, những tháng cuối năm 2009, một loạt doanh nghiệp đã đến Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) nộp đơn xin trả lại giấy phép XKLĐ. Đến thời điểm này, danh sách những doanh nghiệp xin trả lại giấy phép XKLĐ chưa dừng lại, mặc dù đã ở con số hàng chục.

Điều khiến nhiều người sửng sốt là, trong số những doanh nghiệp vi phạm bị thu hồi hoặc nộp đơn xin trả giấy phép XKLĐ, có nhiều ông lớn. Có thể: Tổng Cty Sông Đà (Songda Corp), Cty cổ phần vận tải biển Sài Gòn (SSC), Tổng Cty Vật tư nông nghiệp (Vigecam), Cty cổ phần Vinaconex 6 (Vinaconex 6 JSC)...

Ngoài ra, một loạt Cty khác cũng xin trả lại giấy phép XKLĐ và đã được Bộ LĐ -TB&XH ra quyết định thu hồi như: Tổng Cty Cơ điện - Xây dựng nông nghiệp thủy lợi (Agimeco), Cty cổ phần lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (Forexco), Cty TNHH Đỉnh Vàng (Golden Top), Cty TM&ĐTPT Hà Nội (Hapexco), Cty sản xuất kinh doanh dịch vụ du lịch và cung ứng XNK Hoàng Việt, Cty XNK Bình Định (Imex Binhdinh);

Cty XNK và lương thực Trà Vinh (Imex Travinh), Cty đầu tư XNK Đăk Lăk (Inexim Daklak), Cty XNK thiết bị toàn bộ và kỹ thuật (Technoimport), Cty Thiết bị vật tư du lịch II (Tomateco), Tổng đội thanh niên xung phong Trường Sơn (TSG), Cty cung ứng xuất khẩu lao động Nghệ An (Napeco), Cty cổ phần thương mại đầu tư Cửu Long (Cuulong Intraco)...

Một lãnh đạo Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, với lý do không tiếp tục hoạt động, nhiều doanh nghiệp xin trả giấy phép XKLĐ.

Trong khi đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH lại cho rằng, các doanh nghiệp xin trả giấy phép XKLĐ là do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nước tiếp nhận lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng nên nhu cầu giảm. Thậm chí, nhiều nước áp dụng chính sách bảo hộ lao động trong nước, hạn chế nhận lao động nước ngoài; một số nước tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam trong một số lĩnh vực.

Nhiều lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài không có giờ làm thêm, một bộ phận thiếu việc làm, thu nhập giảm nhiều so với thời kỳ trước. Đã có khoảng 9.000 lao động Việt Nam phải về nước trước thời hạn, vì bị mất việc làm trong năm 2009.

Đồng loạt trả giấy phép xuất khẩu lao động ảnh 2

Lao động Việt Nam làm việc tại một nhà máy ở Kagawa - Hokto - Nhật Bản. Ảnh: Phạm Dũng

Người lao động mất niềm tin

Ông H - nguyên giám đốc một Cty XKLĐ lớn (đã trả giấy phép) cho rằng, giải thích của vị lãnh đạo Bộ LĐ - TB&XH chỉ là phần nổi, phần chìm còn  nhiều chuyện để bàn.

Ông H cho rằng, 5 năm làm XKLĐ là quãng thời gian lên voi xuống chó. Những năm 2002 - 2003, có ngày, Cty ông đưa hàng trăm lao động ra sân bay để sang Malaysia, Đài Loan… làm việc, thu về hàng chục tỷ đồng. Thời gian đó, CBCNV trong Cty ai cũng phấn khởi. Thu nhập của một cán bộ tuyển sinh (người chuyên đi tạo nguồn lao động - PV) hàng chục triệu đồng/tháng.

Khó khăn bắt đầu từ năm 2008, nhưng cú nhấn khiến Cty ông H suy sụp là vào những tháng cuối năm 2009. “Đơn hàng không có. Nguồn lao động trong nước khan hiếm. Một thời gian dài, nhân viên Cty đi khắp nơi tuyển lao động nhưng đến đâu cũng bị làm khó, nói sùi bọt mép nhưng lãnh đạo địa phương và người lao động vẫn sợ bị lừa. Trình các đơn hàng có đóng dấu đỏ của Cty, người ta cũng không tin” - ông H chua chát.

Ông H cho biết thêm, những tháng cuối năm 2009, số lao động đăng ký đi XKLĐ sụt giảm. Có tháng chỉ hơn chục người. Sau khi tổ chức học nghề, ngoại ngữ, học giáo dục định hướng xong, chờ mỏi mắt không thấy đối tác sang tuyển lao động. Người lao động lục tục ra về. Nhân viên Cty ăn rồi… ngồi chơi xơi nước. Chính vì thế, lãnh đạo Cty đã quyết định trả lại giấy phép XKLĐ để tìm hướng làm ăn mới.

“Ngày xưa xin giấy phép XKLĐ rất khó, vì đó là miếng mồi béo bở. Cty nào cũng muốn nhảy vào lĩnh vực này. Thậm chí, nhiều Cty phải nhờ vả nơi này, nơi kia mới được cấp giấy phép XKLĐ. Giờ trả giấy phép XKLĐ tưởng dễ, hóa ra lại khó. Phải mất tới 6 tháng mới hoàn thành các thủ tục liên quan. Rắc rối nhất là phương án xử lý tới từng lao động đang làm việc ở nước ngoài” - Ông H nói.

Mang câu hỏi “Vì sao trả giấy phép XKLĐ?” đến các doanh nghiệp, PV chỉ nhận được cái lắc đầu và câu trả lời “chán rồi thì trả”. Ông L - Giám đốc Công ty từng hoạt động về lĩnh vực XKLĐ cho biết: Cty chúng tôi không hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ nữa thì trả để tập trung cho các lĩnh vực kinh doanh khác.

Ông cũng cho biết, Cty ông giờ chỉ tập trung kinh doanh bất động sản và khai thác khoáng sản. Những cán bộ XKLĐ giờ chuyển sang làm các bộ phận khác. Nếu trước đây họ làm ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ lao động thì nay chuyển sang làm tiếp thị, bán hàng; bộ phận chuyên khai thác thị trường lao động nay chuyển sang làm xuất khẩu...

Ông L cho biết, hiện Cty ông chỉ còn vài trăm lao động đang làm việc ở nước ngoài nên phương án xử lý không phức tạp như những Cty khác. Tuy nhiên, cũng phải mất gần một tháng các thủ tục trả giấy phép mới hoàn thành và mới nhận được quyết định của Bộ.

* Bài 2: Dân cần, nhưng quan chưa vội…

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.