Đừng đốt bằng tranh - Kỳ 4:

Gặp lại mình trong tranh

Gặp lại mình trong tranh
TP - Sáng qua, 29-1, hơn chục đồng đội, những người lính Hà Nội đánh trận Chư Tan Kra, đến nhà họa sĩ Lê Đức Tuấn nhìn lại mình trong tranh. Một người lính mù, sờ sờ bức ký họa chân dung mình hơn 40 năm trước, lặng người...

>> Kỳ 3: Chuyện kể từ những bức tranh
>> Video clip : Gặp tác giả 'Đừng đốt' bằng tranh

Gặp lại mình trong tranh ảnh 1
Đào Duy Thành (bìa trái) và Nguyễn Đình Khanh, họa sĩ Lê Đức Tuấn xem lại bức ký hoạ mình - Ảnh: Bá Kiên

Khanh rau muống đọc báo Tiền Phong

Phải nhờ một đồng đội đưa đến, dắt lên tận tầng 5. Vừa bước vào, tất cả đồng loạt hô “Chào Khanh rau muống”. Ông Khanh tự giới thiệu với tôi là Nguyễn Đình Khanh, hiện ở tập thể C14, phường Thanh Xuân Bắc (Hà Nội), ông là thương binh loại 1, đặc biệt. Sau ngày bị thương, hai mắt bị mù. Nên đi xa phải có người dắt đường.

“Giặc Mỹ lấy đi của ông ấy đôi mắt, bù lại, ông trời cho Khanh cái tai thính. Hồi đồng đội ở chiến trường ra, đến thăm, mới cất tiếng là ông ấy đã gọi trúng tên”, ông Lê Đình Thanh, một đồng đội của ông Khanh lên tiếng.

Họa sĩ Lê Đức Tuấn giải thích, sở dĩ anh em gọi Khanh rau muống, vì hồi đó cậu ấy to cao đẹp trai như Tây, và rất thích ăn rau muống.

Cầm cuốn ký họa từ tay đồng đội, Khanh rau muống sờ sờ, ấp bức tranh vào ngực, nói: “Các anh xem, nếu bức họa người lính đội mũ sắt đọc báo Tiền Phong, bên cạnh có khẩu trung liên (ông Khanh là xạ thủ trung liên) và khẩu CKC của anh Dụ thì chắc chắn là anh Tuấn ký họa tôi rồi”.

Ông Tuấn xem lại bức tranh, đúng là có khẩu trung liên và CKC. “Nét mặt này chẳng phải Khanh thì là ai”, ông Tuấn nói.

Gặp lại mình trong tranh ảnh 2
Ký họa Nguyễn Đình Khanh đọc báo Tiền Phong, ngày 20-10-1967

Ông Khanh nhớ như in, kể: “Tôi có chất giọng trầm ấm nên thường ngày, sau những giờ sinh hoạt chính trị, anh em lại giao cho nhiệm vụ đọc báo.

Mọi ngày tôi đọc báo Quân đội Nhân dân, còn hôm đó là ngày 20/10/1967, đơn vị đóng quân tại làng Bìa (Thái Nguyên), Chi Đoàn kết nạp đoàn viên mới, kết nạp xong, mọi người bảo tôi đọc báo Tiền Phong.

Đúng lúc ấy, tôi thấy anh Tuấn ngồi bên cứ hí hoáy vẽ. Chỉ tiếc giờ mắt tôi thế này, không thể xem lại bức tranh”.

Trong trận đánh Chư Tan Kra (huyện Sa Thầy, Kon Tum bây giờ), theo yêu cầu của đơn vị, ông Tuấn ở lại, còn ông Khanh di chuyển vào Đông Nam Bộ, rồi bị thương, mù hai mắt trong một trận đánh xe tăng địch, bị pháo tăng của địch bắn.

Thành méo và chuyện sinh tử

Khác với Khanh rau muống, ông Đào Duy Thành (sinh năm 1947, ở khu tập thể Hồ Việt Xô, Bạch Đằng - Hà Nội) bị đạn địch bắn xuyên hàm trong một lần đi trinh sát chạm trán biệt kích Mỹ. Từ đó, khuôn mặt chữ điền của ông méo hẳn, nên đồng đội gọi ông là Thành méo.

Giở bức tranh Lê Đức Tuấn ký họa mình, khi vừa bước chân vào quân ngũ, trú chân ở Đổng Viên (Gia Lâm-Hà Nội), ông Thành khoe: “Khi đó chưa bị thương, nhìn tôi cũng đẹp trai nhỉ”, cả nhóm bạn cười rổn rảng. “Nếu tao không mất hai mắt còn đẹp trai hơn mày”, ông Khanh lên tiếng.

Ông Thành cho biết, lần đó, không chỉ có anh Tuấn ký họa tôi, mà cả ông Lương Ngọc Duệ cũng ký họa, anh Tuấn vẽ thẳng, còn Duệ vẽ nghiêng.

Chuyển qua kể về lần bị biệt kích Mỹ bắn trọng thương, ông Thành kể, ngày 25-5-1968, ông bị thương hai đồng đội của ông là Vị và Thanh đặt ông trên võng vừa khiêng vừa chạy, vì sợ tôi chết.

Đến nửa đường, gặp Nguyễn Trung Hiệp (con Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trung Mai lúc bấy giờ). Hiệp ghé sát vào tôi, thấy tôi bất động, anh ta lẩm bẩm “anh đi cho em xin nốt chiếc quần đùi”, thế là hắn lột.

“Bây giờ muốn gặp nó đánh một trận trả thù nhưng không được, vì Hiệp sống ở trong Nam”, ông Thành bảo đó cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất đời lính của ông. Rồi cả nhóm bạn phá lên cười.

Linh hồn phiêu dạt

Từ chuyện xem những bức ký họa chiến trường của Lê Đức Tuấn, những người lính Đại đội 1, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, hồi ức về gần hai trăm đồng đội đã hi sinh hơn 40 năm qua, trong trận đánh Chư Tan Kra nhưng nay chưa tìm được hài cốt.

Nhìn bức ký họa 6 người như thể đang vẽ dở, ông Lê Đức Tuấn chỉ vào khuôn mặt một lính trẻ, nói: “Đây là Ngô Lê Phong, cậu ấy nhà ở phố Mã Mây, khi hi sinh chưa một lần cầm tay con gái”, không khí cuộc gặp chùng xuống.

Rồi ông Tuấn kể, nhiều năm qua, mỗi lần chúng tôi họp mặt, cụ Ngô Lê Hiếu (nay đã 86 tuổi), cha của Phong đều góp mặt, như một thành viên của nhóm, để tưởng nhớ về con mình.

Cụ Hiếu chuyên nghề bốc thuốc từ nhiều năm nay. Ông Tuấn cho tôi địa chỉ, buổi chiều, tôi lang thang qua cuối đường Thuỵ Khuê, tìm đến cửa hiệu chuyên Chẩn trị Đông y của cụ Hiếu ở gần chợ Bưởi, nhưng tiếc cụ đi vắng.

Chị Thúy Anh, một học trò của cụ trông nom cửa hiệu cho biết, cụ Hiếu có bốn người con, anh Phong là trai cả, hai em trai của Phong định cư bên Mỹ, chỉ còn cô con gái sống ở Hà Nội. “Đã lâu lắm, gia đình mong tìm được phần mộ anh Phong, nhưng biết ở đâu mà tìm”.

Chứng kiến cuộc gặp của những đồng đội từng vào sinh, ra tử. Khi đi, họ còn là những chàng trai chưa vợ, nay đã về già, nhưng trong cái khoảnh khắc hiếm hoi này, họ như sống trọn vẹn với những kỷ niệm của một thời binh lửa, thời thanh niên sôi nổi.

Ông Lê Đình Thanh, một đồng đội của liệt sĩ Phong cho biết, mới đây những người còn sống như ông đã có tia hi vọng. Có một số cựu binh Mỹ từng tham chiến trong trận Chư Tan Kra, đã gửi hồ sơ, tài liệu cho phía Việt Nam.

Theo những tài liệu đó, trận Chư Tan Kra, mạng đổi mạng, phía Mỹ chết khoảng 204 người, phía ta hi sinh khoảng 200 người. Sau trận đánh, phía ta không thể quay lại gom xác những người đã hi sinh, và phía Mỹ đã gom anh em lại, chôn thành hai hố chôn tập thể.

 “Vừa rồi, chúng tôi cùng cán bộ thành phố đã trở lại khu vực này khảo sát. Sắp tới, ta sẽ khai quật để quy tập các anh về”, ông Thanh nói.

Dựng tượng đài tưởng niệm lính Hà Nội ở Chư Tan Kra

Ngày 17/12/2009, UBND TP Hà Nội có quyết định khảo sát toàn diện khu vực núi Chư Tan Kra - huyện Sa Thầy, Kon Tum, nơi diễn ra trận đánh Mỹ năm 1968 và khoảng 200 liệt sĩ Hà Nội đã nằm lại tại nơi này.

Mục đích việc khảo sát là quy tập hài cốt, xây dựng tượng đài tưởng niệm người lính Thủ đô. Việc xây dựng tượng đài sẽ hoàn thành trước ngày kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Còn nữa

Bá Kiên

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.