Về quy hoạch Hà Nội đến 2030, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng (*):

Lo cho tương lai thế này a?

Lo cho tương lai thế này a?
TP - GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, một trong những chuyên gia môi trường đô thị hàng đầu Việt Nam, bày tỏ băn khoăn khi thấy bản dự thảo quy hoạch Hà Nội mới nhất thể hiện sự mờ nhạt đáng ngạc nhiên đối với môi trường tương lai cũng như sự phát triển bền vững của Hà Nội.
Lo cho tương lai thế này a? ảnh 1
Rác đưa về khu xử lý rác Nam Sơn, Hà Nội, chất thành núi (ảnh chụp ngày 5-1) và khu này phải đóng cửa sớm hơn so với kế hoạch ban đầu.


- Thưa, ông đã đọc phiên bản thứ ba (version 3) dự thảo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 vừa gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chưa ạ? Chúng tôi thấy phần liên quan trực tiếp đến vấn đề môi trường có vẻ ít quá. Phải chăng cứ mở rộng Hà Nội là tự khắc không khí sẽ đỡ ngột ngạt hơn, bớt ô nhiễm hơn nên không cần nói nhiều đến môi trường, đến phát triển bền vững?

Lo cho tương lai thế này a? ảnh 2
GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng.

GS.TSKH Phạm  Ngọc  Đăng: Tôi đã đọc văn bản chính thức và có được mời đến dự cuộc họp thảo luận phiên bản mới nhất do Bộ Xây dựng chủ trì. Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 Tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch) có rất nhiều vấn đề môi trường lớn và phức tạp.

Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là công cụ quan trọng nhất để phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các dự án đầu tư các công trình công nghiệp, giao thông, xây dựng cụ thể. Tương tự như vậy, đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là công cụ phòng ngừa ô nhiễm và BVMT đối với các dự án quy hoạch.

Vậy mà trong Quy hoạch chỉ có một chương đánh giá ĐMC cho Hà Nội hay, nói cách khác, đề cập đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phiên bản mới nhất đã gửi Thủ tướng, Mục 3.2.8 - Đánh giá Môi trường Chiến lược - dài chưa đến 1,5 trang trong tổng số 196 trang diễn giải quy hoạch. Còn vì sao lại ít và ngắn thế, tất cả chúng ta phải đi tìm câu trả lời.

Phải hỏi cơ quan quản lý

- Nhưng theo quy định của Luật Quy hoạch Đô thị, không cần lập báo cáo ĐMC riêng đối với quy hoạch đô thị, mà chỉ là viết một chương về ĐMC trong báo cáo thuyết minh đồ án. Tương tự, Luật Đất đai quy định không phải làm quy hoạch sử dụng đất đối với đô thị? 

Đúng vậy. Nhưng Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 Tầm nhìn đến năm 2050, với đặc điểm và tính chất của nó, quan trọng hơn rất nhiều. Không những phải trình Thủ tướng, Quy hoạch còn phải đưa ra Quốc hội thông qua.

Theo Luật BVMT năm 2005, các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của các tỉnh thành đều phải lập báo cáo ĐMC riêng và báo cáo này phải được Hội đồng Quốc gia thẩm duyệt trước khi trình quy hoạch lên Thủ tướng.

BVMT và phát triển bền vững (PTBV) là vấn đề của thời đại. BVMT & PTBV Thủ đô Hà Nội không chỉ là vấn đề của Hà Nội mà liên quan đến BVMT & PTBV toàn quốc gia. ĐMC là một công cụ pháp lý then chốt để BVMT&PTBV đối với quy hoạch phát triển và đã được quy định trong Luật BVMT.

Thủ đô Hà Nội không phải là một đô thị thông thường, độc lập như các đô thị khác. Quan hệ tác động môi trường qua lại giữa con người – các hệ sinh thái – xây dựng đô thị - sản xuất công nghiệp - thủ công nghiệp, làng nghề - nông nghiệp - ngư nghiệp, lâm nghiệp - du lịch, v.v, trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội có tính tổng hợp, tương hỗ, tích lũy rất phức tạp.

Nếu không áp dụng phương pháp luận ĐMC một cách khoa học và đúng đắn, sẽ không thể đánh giá đúng các tác động môi trường đó và không thể đề xuất được các giải pháp quy hoạch và kỹ thuật phù hợp để BVMT và PTBV Thủ đô Hà Nội.

Thế mà Bộ Xây dựng chỉ tiến hành làm ĐMC trong một chương và đặt nó nằm trong Báo cáo Quy hoạch và trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung luôn. Việc không trình Hội đồng Quốc gia thẩm định Báo cáo ĐMC đối với Quy hoạch Hà Nội mới mở rộng thì có đúng luật không, thưa ông? Có hay không chỉ đạo của cấp trên chỉ làm như vậy và phải chăng kinh phí dành cho ĐMC cho Quy hoạch rất ít?

Chuyện đó anh phải hỏi các cơ quan quản lý.

Sai lầm lớn

Quy trình như thế, ông có nhận định sẽ dẫn đến các hậu quả môi trường nghiêm trọng như thế nào không? Theo ông, Quy hoạch Hà Nội tương lai có đảm bảo giải quyết được các vấn đề môi trường bức bách hiện nay không, và có đạt được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành “Thủ đô xanh, văn hiến-văn minh và hiện đại” không?

Hà Nội mới là một Hà  Nội bao gồm một đô thị trung tâm (Hà Nội cũ) và rất nhiều đô thị vệ tinh, các làng mạc rộng lớn, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống, Vườn Quốc gia Ba Vì và đất rừng, rất nhiều danh lam thắng cảnh thiên nhiên, công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo, du lịch, thể dục thể thao, sân golf.

Về sản xuất, không chỉ có kinh doanh dịch vụ, thương mại, mà còn có rất nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, vật liệu xây dựng.v.v.

Vì vậy, nếu chỉ viết một chương về ĐMC mà không lập Báo cáo ĐMC riêng để thẩm duyệt là sai với quy định của pháp luật, là một sai lầm lớn, có thể đưa đến các hậu quả môi trường không lường trước được và không thể dễ dàng khắc phục.

Nói như vậy có nghĩa là dường như Bộ  Xây dựng chưa đưa ra được bộ tiêu chí hay chỉ tiêu BVMT đối với quy hoạch chung cho một Hà  Nội mới. Theo ông, bộ tiêu chí ấy, nếu có, cần phải đảm bảo các nội dung chính gì?

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội không những phải đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, các mục tiêu phát triển xã hội mà đồng thời phải đáp ứng các tiêu chí BVMT dưới đây để Hà Nội trở thành “Thủ đô Xanh, Văn hiến - Văn minh và Hiện đại”:

Phải có Hà Nội sinh thái

Một là, quy hoạch không gian Thủ đô Hà Nội và sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hợp lý, đặc biệt là tài nguyên đất, năng lượng, tài nguyên nước và tài nguyên sinh vật, tạo được sự cân bằng các hệ sinh thái đô thị và nông thôn, khai thác và sử dụng tài nguyên không vượt quá khả năng đáp ứng (sức chịu tải) của tài nguyên và môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và tôn tạo các cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát triển diện tích rừng và mặt nước;

Hai là, quy hoạch cải tạo, nâng cấp và phát triển xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của Thủ đô Hà Nội phải hoàn thiện và hiện đại, đặc biệt là hệ thống cấp nước sạch, bảo đảm thỏa mãn nhu cầu cấp nước sạch đúng quy chuẩn về số lượng và chất lượng cho nhân dân cả ở đô thị và nông thôn, vào năm 2050;

Hệ thống thoát nước mưa bảo đảm chấm dứt tình trạng Thủ đô Hà Nội bị úng ngập trong mùa mưa chậm nhất là đến năm 2030; hệ thống xử lý nước thải đạt tất cả các điều kiện trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận;

Hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh môi trường phải được thực hiện đối với tất cả chất thải rắn sinh hoạt, y tế và công nghiệp phát sinh, chậm nhất là đến năm 2030 đối với khu vực đô thị và đến năm 2050 đối với khu vực nông thôn.

Ba là, quy hoạch cải tạo và phát triển xây dựng mới hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm tiện nghi, thuận lợi đi lại cho mọi tầng lớp nhân dân, giao thông đối nội và đối ngoại, không gây ô nhiễm; phát triển giao thông công cộng, an toàn giao thông cao, chấm dứt tình trạng tắc nghẽn giao thông, sử dụng các phương tiện giao thông sạch, nhiên liệu sạch, không gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn trong các đô thị của Thủ đô Hà Nội;

Bốn là, quy hoạch phải đảm bảo các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của thủ đô Hà Nội tiêu thụ tài nguyên và năng lượng tiết kiệm, hợp lý, thải  chất thải ít nhất, các chất thải được tái chế, tái sử dụng tối đa, không gây ra áp lực ô nhiễm môi trường.

Phải tính đến biến đổi khí hậu

Năm là, quy hoạch phải đảm bảo phát triển các không gian xanh, hành lang xanh của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là không gian xanh trong nội thị của đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, bảo đảm diện tích đất cây xanh nội thị đô thị trên đầu người dân (tối thiểu 10m2) phải hấp thụ toàn bộ lượng khí CO2 do hoạt động của đô thị thải ra.

Trong các đô thị của thủ đô Hà Nội phải có nhiều không gian xanh để thỏa mãn nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, du lịch, vui chơi và dạo cảnh của các tầng lớp nhân dân Thủ đô và các khách quốc tế;

Sáu là, quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải ứng phó có hiệu quả đối với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Do nằm xa biển nên ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch Thủ đô Hà Nội có lẽ chủ yếu là ứng phó với nhiệt độ biến đổi và tăng lên (ảnh hưởng đến sức khỏe con người, dịch bệnh mới lạ, sản xuất nông - lâm nghiệp,v.v) và ứng phó với thiên tai, thời tiết khí hậu cực đoan, dị thường (lũ lụt, bão tố, nắng nóng, hạn hán, giá rét) xảy ra bất thường với tần suất lớn và cường độ mạnh hơn.

Hai vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm là ứng phó với lũ lụt, úng ngập và sự biến đổi chế độ thủy văn, thay đổi các đường bờ và dòng chảy của các sông (sông Hồng, sông Đuống, v.v), trượt lở và xói mòn đất. Vấn đề này liên quan trực tiếp đến chủ trương phát triển đô thị mới dọc theo hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống.  

Về kinh phí chi cho ĐMC, chưa có quy định cụ thể nào của Nhà nước. Thay vào đó, tùy vào chủ dự án quyết định. Văn bản pháp luật chỉ quy định phải ĐMC chi tiết và lập thành một báo cáo riêng và phải thông qua Hội đồng Thẩm định Quốc gia trước khi Thủ tướng phê duyệt dự án.

Kinh phí cho Dự án Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô đến năm 2030 Tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ  Xây dựng quyết định. Bộ Xây dựng chỉ tiến hành viết một chương nhỏ trong báo cáo dự án và không thông qua Hội đồng Thẩm định ĐMC Quốc gia. 

(Còn nữa)

Quốc Dũng (thực hiện)

(*) GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng hiện là Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam (VACNE).

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.