Ngư dân miền Trung đón Tết ngoài khơi:

Góp sức canh giữ biển

Góp sức canh giữ biển
TP - Tết cận kề, hàng trăm ngư dân miền Trung lại chuẩn bị chài lưới, tu sửa lại thuyền để chuẩn bị giong buồm ra khơi. Không thể có những ngày Tết sum vầy với gia đình, họ sẵn sàng đón năm mới giữa mênh mông biển cả, góp phần canh giữ chủ quyền biển của đất nước.
Góp sức canh giữ biển ảnh 1
Chuyển hàng tết lên tàu chuẩn bị ra khơi - Ảnh: Nguyễn Thành

Âu thuyền Thọ Quang và âu thuyền Thuận Phước (TP Đà Nẵng) những ngày cuối năm tấp nập thuyền cá vào ra. Hàng trăm thuyền đánh cá của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên …đang neo đậu tại đây.

Cảnh buôn bán trên cạn càng về cuối năm càng nhộn nhịp. Từ sáng sớm hàng chục chiếc thuyền cập bến mang theo hàng trăm tấn hải sản tươi sống là nguồn thực phẩm để phục vụ người dân trong dịp Tết.

Người bán kẻ mua ai cũng mong sao có cái tết sum vầy, no đủ.  Duy chỉ có những ngư dân không dám nghĩ đến việc mua sắm, chuẩn bị đón Tết cùng gia đình. Nhiều ghe thuyền đang chuẩn bị ra khơi và chuyện quay về bờ sum vầy đầu năm là không thể.

Tại âu thuyền Thọ Quang, ông Nguyễn Đình Bê (56 tuổi, Đức Phổ - Quảng Ngãi )- thuyền trưởng tàu QNg 94787 công suất 90 CV đang cùng 11 thuyền viên khác đang xếp lưới, chuẩn bị mọi nhu yếu phẩm để chuẩn bị ra khơi ngày 20 tháng Chạp.

Mỗi chuyến ra khơi như thế này, ông Bê phải mất vài chục ngày với chi phí từ 50 – 60 triệu đồng. Tuy nhiên không phải chuyến ra khơi nào cũng bội thu.

“Năm hết Tết đến ai chẳng muốn sum vầy cùng gia đình. Nhưng vì miếng cơm manh áo anh em phải đón Tết xa nhà. Cũng là trách nhiệm với gia đình cả thôi”, ông Bê tâm sự.

Từng gắn bó với nghề hơn 30 năm, không nhớ đây là lần thứ bao nhiêu ông Bê đón Tết trên biển, nhưng đối với nhiều thuyền viên nhất là thuyền viên trẻ thì đây là chuyến ra khơi khó quên.

Góp sức canh giữ biển ảnh 2 Dịp Tết thường có tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt trên vùng biển của ta. Nhiều lần chúng tôi phát hiện đã kịp thời báo với bộ đội biên phòng. Góp sức canh giữ biển ảnh 3

Phan Thanh Bình, 24 tuổi, quê ở Phú Yên, thuyền viên trẻ nhất trên tàu QNg 94787 đã hai năm làm nghề nhưng đây là lần đầu tiên Bình ra khơi đánh cá vào dịp Tết.

“Năm nay em sẽ đón giao thừa ở 180 bắc và 1120 đông. Tết em cũng muốn ở nhà nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên em đành phải ra khơi. Hi vọng sẽ gặp được nhiều cá”, Bình chia sẻ.

Cách đó không xa, các thuyền viên quê Quảng Ngãi tàu QNg 98911 do anh Nguyễn Lượm (35 tuổi) làm thuyền trưởng cũng đang tất bật cho chuyến ra khơi vào ngày 22 tháng Chạp. Tất cả dụng cụ và nhu yếu phẩm đã chuẩn bị xong.

Góp sức canh giữ biển ảnh 4
Bánh chưng, bánh tét không thể thiếu trong chuyến ra khơi đặc biệt này

Biết chồng ra khơi không về đón Tết được, chị Nguyễn Thị Diễm vợ anh Lượm và con gái nhỏ lặn lội từ Quảng Ngãi ra thăm chồng. Bữa cơm tất niên cuối năm ấm cúng được chị Diễm soạn ra được tổ chức ngay trên khoang tàu để chia tay chồng và cầu chúc anh em lên đường gặp may mắn, bội thu.

Ôm con gái vào lòng, chị Diễm tâm sự: “Đây không phải là lần đầu gia đình tôi không được sum họp vào dịp Tết. Chỉ thương mấy đứa nhỏ giao thừa nào cũng trong ngóng ba nó về thôi”.

Ấm áp tình người giữa biển cả

Chuyện đón giao thừa trên biển đối với nhiều ngư dân cũng là trách nhiệm với biển cả quê hương, góp phần canh giữ chủ quyền biển và đảm bảo nguồn thực phẩm cho đất liền vào những ngày đầu năm.

“Dịp Tết thường có tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt trên vùng biển của ta. Nhiều lần chúng tôi phát hiện đã kịp thời báo với bộ đội biên phòng”, ông Bê cho biết.

Đối với ông Bê và nhiều ngư dân, đây còn là dịp để những ngư dân dâng lễ với biển vào dịp đầu năm để tỏ lòng biết ơn và cầu cho trời yên biển lặng, cá mực đầy khoang.

Tại âu thuyền Thuận Phước, cách cầu quay sông Hàn không xa, hàng chục chiếc thuyền cũng đang tất bật cho những chuyến ra khơi. Nhu yếu phẩm được khẩn trương tập kết vận chuyển lên những chiếc thuyền đang neo đậu ở sông Hàn.

“Đang là vào mùa cá thu, ai cũng ở nhà đón Tết thì ra năm lấy đâu tôm cá ? Anh em đón Tết trên biển cũng ấm áp và nghĩa tình lắm. Bánh chưng bánh tét là không thể thiếu trong dịp ra khơi này”, anh Huỳnh Tấn - thuyền trưởng tàu QNg 48839 nói khi đang chuẩn bị bánh chưng, bánh tét, hoa quả, kẹo bánh cho anh em đón giao thừa trên biển. Thuyền anh Tấn sẽ ra khơi vào tối ngày 22 mang theo hương vị Tết của đất liền.

“Đêm giao thừa thuyền bè khắp vùng sẽ liên lạc với nhau để tập trung tại mội vị trí trên biển. Đúng giờ giao thừa các thuyền trưởng sẽ đứng ra làm lễ cúng giao thừa, dâng sản vật từ đất liền cho biển cả.

Những hồi còi sẽ vang lên báo hiệu năm mới đến và thay lời chúc mừng gửi đến người thân trên đất liền. Anh em thuyền viên các tàu sẽ cùng quây quần bên nhau sẻ chia nỗi nhớ nhà” - Anh Tấn kể về những đêm giao thừa khó quên trên biển.

Sau giờ khắc giao thừa những ngư dân sẽ lại tiếp tục buông lưới. Ngày trở về họ sẽ mang theo những khoang đầy ắp cá tôm về với đất liền. Tất nhiên, những ngày vui Tết sẽ đến với họ muộn hơn. 

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.