Về quy hoạch thủ đô Hà Nội, đại diện Bộ Xây dựng:

Chúng tôi làm đúng luật

Chúng tôi làm đúng luật
TP - Đề cập đến vấn đề đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), Thạc sỹ Kiến trúc sư (ThS.KTS) Lưu Đức Cường, người đứng đầu cơ quan làm ĐMC cho Quy hoạch khẳng định toàn bộ phần việc liên quan đến ĐMC được thực hiện đúng quy trình.

>> Lo cho tương lai thế này a - kỳ 2
>> Lo cho tương lai thế này a?

Vấn đề đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và Tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch) do Bộ Xây dựng chủ trì. Thạc sỹ Kiến trúc sư (ThS.KTS) Lưu Đức Cường là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Quy hoạch Môi trường Đô thị - Nông thôn (Viện Kiến trúc Quy hoạch Đô thị&Nông thôn, Bộ Xây dựng), người đứng đầu cơ quan làm ĐMC cho Quy hoạch.

Chúng tôi làm đúng luật ảnh 1
Sông hồ ở Hà Nội hiện tại bị chê là nhếch nhác, ô nhiễm nặng do không có nhạc trưởng trong quy hoạch


Nghe nói, phiên bản thứ ba của Quy hoạch đã được trình Thủ tướng cuối năm ngoái. Phiên bản đó dày 196 trang và đúng là chỉ có 1,5 trang đề cập đến ĐMC. Chí ít, về hình thức, người ta cũng thấy ĐMC của Quy hoạch quá sơ sài. Tại sao lại có chuyện đó, thưa ông?

Chính trung tâm chúng tôi được giao làm ĐMC của Quy hoạch. Phiên bản thứ ba trình Thủ tướng là để báo cáo tiến độ chứ chưa phải để phê duyệt. Dự kiến, tuần tới Hội đồng thẩm định quốc gia mới họp phiên thứ nhất xem xét đánh giá toàn bộ.

Chỉ sau khi hội đồng thẩm định quốc gia thông qua mới trình phiên bản chính thức để Thủ tướng xem xét quyết định phê duyệt.

Không thể lấy 1,5 trang trình bày trong báo cáo tổng hợp của Quy hoạch để nhận định việc làm ĐMC của chúng tôi là sơ sài. Trên thực tế, chúng tôi có một nghiên cứu khá kỹ lưỡng và toàn diện. (Ông Cường chìa ra hai tập tài liệu dày - Báo cáo tổng hợp hơn 100 trang và báo cáo tóm tắt hơn 30 trang).

Về mặt pháp lý, hiện có sự chưa thống nhất giữa hai luật, Luật Bảo vệ Môi trường (BVMT) và Luật Quy hoạch Đô thị (QHĐT). Luật BVMT năm 2005 quy định không rõ ràng về việc liệu đồ án quy hoạch đô thị có phải là đối tượng phải lập báo cáo ĐMC hay không.

Theo Điều 14 Luật BVMT, ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, chỉ có “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” mới phải lập báo cáo ĐMC độc lập. Quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội không phải là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Trong khi đó, Luật QHĐT (Khoản 1, Điều 39) quy định “Đánh giá môi trường chiến lược là một nội dung của đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật”.

Theo đó, nội dung ĐMC có thể là một chương hoặc một báo cáo riêng, tùy theo hình thức trình bày báo cáo nhưng là một nội dung trong đồ án quy hoạch. ĐMC cho Quy hoạch chung Hà Nội được trình bày theo cả hai hình thức với báo cáo tổng hợp (dài trên 100 trang) và là một chương (từ trang 247-260).

Như vậy, trong khi Luật BVMT chưa quy định rõ ràng và Luật QHĐT quy định rất rõ về nội dung ĐMC cho đồ án quy hoạch đô thị, chúng tôi đương nhiên áp dụng theo Luật QHĐT.

Cũng theo Luật QHĐT, Khoản 2 Điều 40 quy định “Cơ quan thẩm định quy hoạch đô thị chủ trì phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thẩm định nội dung đánh giá môi trường chiến lược”.

Theo đó ĐMC cho đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội sẽ được thẩm định cùng với các nội dung khác của đồ án quy hoạch.

ĐMC không có tính quyết định và duy nhất

Ông đánh giá thế nào về vai trò của ĐMC?

ĐMC là công cụ quan trọng nhưng không phải quyết định và duy nhất trong công tác bảo vệ môi trường của các quy hoạch. Đừng cho rằng một báo cáo ĐMC tốt thì môi trường sẽ tốt.

Những vấn đề bất cập trong môi trường của Hà Nội hiện nay phần nhiều không phải là do lỗi của chính đồ án quy hoạch mà là do công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch chung Hà Nội trước khi mở rộng cũng từng đề xuất hàng loạt dự án và giải pháp bảo vệ môi trường, chống ngập, quản lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang, cây xanh, cấp nước sạch, v.v. Rồi các dự án đầu tư đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Vậy tại sao môi trường Hà Nội vẫn xuống cấp?

Đây là do thực hiện quy hoạch chứ không phải bản thân đồ án quy hoạch.
Hơn nữa, bản thân đồ án quy hoạch đã có lồng ghép và tính đến các yêu cầu bảo vệ môi trường trong quá trình thiết kế rồi.

Một đồ án quy hoạch đô thị của chúng tôi bao gồm nhiều quy hoạch thành phần hạ tầng kỹ thuật đô thị như quy hoạch cấp nước, thoát nước, nghĩa trang, xử lý chất thải rắn, giao thông, tổ chức không gian xanh, và mặt nước, v.v. Tất cả các quy hoạch thành phần như thế đã bao hàm yếu tố môi trường.

Bản thân các vấn đề trên đã cũng được tiêu chuẩn hóa bằng các chỉ tiêu, tiêu chí về môi trường trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của ngành và sẽ được lấy làm căn cứ tiêu chí để thẩm định quy hoạch về mặt môi trường, chính vì vậy đã lồng ghép BVMT trong quy hoạch.

Việc thực hiện ĐMC hiện nay sẽ có vai trò hỗ trợ và đảm bảo về mặt môi trường.ĐMC đóng vai trò phản biện, hỗ trợ, làm sâu hơn, rõ hơn các quan điểm môi trường của các chuyên gia nghiên cứu sâu về môi trường mà thôi.

Cụ thể, với đồ án quy hoạch Hà Nội lần này, phải khẳng định, ngay từ đầu quy hoạch chung đã lồng ghép các xem xét môi trường, thể hiện ở triết lý xuyên suốt của đồ án “một thủ đô phát triển cân bằng dựa trên bảo tồn”.

Với tiêu chí bảo vệ môi trường đặt ra là: “Thủ đô xanh, Văn hiến-Văn minh và Hiện đại” như chỉ đạo của Thủ tướng, các chỉ tiêu trong quy hoạch có thể nói đáp ứng đầy đủ.

Hà Nội đặc biệt nhưng vẫn phải theo luật

Nhưng Hà Nội là một đô thị đặc biệt, ảnh hưởng đến cả nước. Chỉ một sai sót trong quy hoạch Hà Nội có thể dẫn đến sai sót, ảnh hưởng trên quy mô toàn quốc. Nếu không có một nhạc trưởng, không có một ĐMC để định hướng, liệu có tránh khỏi tình trạng mỗi hợp phần tiếp cận môi trường theo mỗi cách?

Hà Nội đúng là đô thị đặc biệt nhưng vẫn phải ứng xử theo luật.

Luật do con người đặt ra. Hơn nữa, Luật BVMT tuy không quy định rõ ràng bắt buộc phải làm ĐMC trong quy hoạch đô thị, nhưng bản thân Luật BVMT đâu có cấm làm ĐMC, kể cả làm ĐMC riêng, độc lập với quy hoạch. Tại sao các ông không thể tất làm ĐMC như khuyến cáo của các nhà khoa học mà cứ phải lệ vào luật?

Nếu điều kiện kinh phí và thời gian cho phép thì làm một báo cáo ĐMC độc lập cũng không thừa. Đến giờ phút này, không còn thời gian nữa. Trong năm nay, chúng tôi phải trình Thủ tướng rồi.

Mặt khác, đến thời điểm này, tôi cho là nội dung ĐMC trong đồ án QH  Hà Nội khá nghiêm túc, trách nhiệm và kỹ lưỡng, được thực hiện bởi một tập thể tác giả trong suốt hai năm qua.

Các ông bắt đầu làm từ khi nào? Về kinh phí, được biết Bộ Xây dựng đề xuất, tới bảy triệu USD cơ mà?

Chúng tôi bắt đầu làm từ đầu năm 2009. Kinh phí là do Chính phủ quyết định, chúng tôi không được phép đề cập. Chính phủ quyết định mời nhóm tư vấn quốc tế PPJ. Họ đến từ Mỹ và Hàn Quốc với một đội ngũ toàn những chuyên gia hàng đầu nên mới có thể thắng thầu.

ĐMC cho cả một thủ đô mở rộng mà chỉ làm có một năm. Hơn nữa, Bộ Xây dựng vốn chỉ chuyên về xây dựng liệu có đủ chuyên gia hàng đầu về ĐMC để làm?

Không thể nói thời gian bao nhiêu là vừa hay ít mà là tùy thuộc vào số người làm và năng lực cán bộ. Với tôi, ĐMC làm như thế này là kỹ lưỡng và nghiêm túc.

Cần nói thêm rằng tập thể cán bộ của trung tâm tôi thực hiện ĐMC này là những người đã có kinh nghiệm làm hàng chục ĐTM cho các đồ án quy hoạch xây dựng.

Trước năm 2005, khi chưa xuất hiện khái niệm ĐMC trong luật, Bộ Xây dựng đã có quy định, từ năm 2000, phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho các đồ án quy hoạch xây dựng mà về bản chất chính là ĐMC hiện nay. Chỉ khác ở tên gọi và một chút khác biệt về phương pháp đánh giá tác động.

Hơn nữa vấn đề bảo vệ môi trường cho Thủ đô đã được đặt ra từ trước khi Hà Nội mở rộng, trong báo cáo ĐMC cho Đồ án Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội (bao gồm Hà Nội và bảy tỉnh lân cận trong đó có Hà Tây sau này sáp nhập vào Hà Nội).

Việc mở rộng Hà Nội về hướng nào cũng đã tính đến yếu tố môi trường, việc chọn đất phát triển đô thị, việc bảo vệ các hành lang xanh của vùng, việc xây dựng các công trình hạ tầng diện rộng cho không chỉ Hà Nội mà cả vùng cũng đã được đặt ra.

Ngay sau khi Tiền Phong đăng bài phỏng vấn GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, nhiều bạn đọc phản hồi bày tỏ sự ủng hộ ý kiến của GS Đăng, trong đó có TS Nguyễn Ngọc Sinh - Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam, PGS.TS Phạm Đức Nguyên, Tổng Thư ký Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, v.v (xem Tiền Phong số 34, ngày 3-2-2010).

Tiền Phong sẽ tiếp tục đăng tải các ý kiến tranh luận của độc giả về đề tài đang rất được quan tâm này. 

---------------------

Còn nữa

Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG