Người Hungary giám sát Hiệp định Paris ở Việt Nam

Người Hungary giám sát Hiệp định Paris ở Việt Nam
TP - Là thành viên Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế, giám sát sự thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam trong thời gian 1973-1975, Đại tá hồi hưu Oroszi và hơn 600 đồng sự người Hungary có rất nhiều kỷ niệm về Việt Nam, mảnh đất đến giờ vẫn đọng lại trong tâm tưởng họ như một nơi chốn thân thương, một hoài niệm đáng tự hào thời binh lửa.
Người Hungary giám sát Hiệp định Paris ở Việt Nam ảnh 1
Những thành viên ICCS  người Hungary tại Huế năm 1973 - Ảnh tư liệu

Ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết tại thủ đô nước Pháp bởi cố vấn đặc biệt, lãnh đạo đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Hoa Kỳ, TS Henry Kissinger.

Theo một điều khoản của bản hiệp định chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam, một lực lượng mang tên Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS) được thành lập, với nhiệm vụ giám sát ngừng bắn tại Việt Nam.

Cạnh đó, ICCS cũng có bổn phận kiểm tra những vi phạm ngừng bắn, kiểm soát việc trao trả tù binh và giám sát sự giải trừ quân bị.

Trong số 4 quốc gia được lựa chọn và được sự chấp thuận của các bên tham chiến - Canada, Indonesia, Hungary và Ba Lan, sự hiện diện của các quân nhân Hungary trong ICCS là do phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị với sự tin tưởng ở mức cao nhất.

Về phần mình, ngoài nhiệm vụ giám sát hòa bình, phía Hungary còn đặt mục tiêu giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và các lực lượng cách mạng miền Nam Việt Nam thu thập những thông tin hữu ích.

Như thế, sau hơn 6 thập niên, Hungary lại được giữ vai trò gìn giữ hòa bình quốc tế mà nước này vốn có truyền thống lâu đời. Trong khoảng thời gian từ ngày 26-1-1973 tới 9-3-1975, đã có ba phân đội Hungary lên đường tới miền Nam Việt Nam để gia nhập ICCS.

Tổng cộng, 619 công dân Hungary đã thực hiện nhiệm vụ tại Việt Nam, trong số đó, có các quân nhân, lính biên phòng, nhân viên dân sự và ngoại giao.

Chuẩn bị cho nhiệm vụ lớn

Là thành viên của phân đội Hungary thứ hai, ông Oroszi Antal có nhiều kỷ niệm sâu sắc về những ngày tháng phục vụ tại Việt Nam mà mới đây, sau 35 năm, ông mới có dịp chia sẻ trên website của Bộ Quốc phòng Hungary.

Người Hungary giám sát Hiệp định Paris ở Việt Nam ảnh 2
Trung tâm liên lạc ICCS ở sân bay Tân Sơn Nhất -  Ảnh tư liệu

“Khi tôi tới Việt Nam, vợ tôi đang có thai cháu thứ ba. Cháu trai lớn của tôi mới 11 tuổi, trước khi lên đường, tôi đã trò chuyện rất lâu với cháu. Tôi bảo cháu: “Trong một năm, con sẽ là chủ gia đình”.

Sang Việt Nam vào tháng 12-1973, ông cùng các đồng sự người Ba Lan, Indonesia và Iran (thay thế Canada) trong ICCS đóng quân tại Huế. Đến giờ, hồi tưởng lại thời gian chuẩn bị, ông vẫn còn bồi hồi:

“Sau mùa hè 1973, chúng tôi được cử đi học một khóa tiếng Anh và Pháp cấp tốc tại Học viện Ngôn ngữ Đại học Kinh tế Karl Marx, rồi được bồi dưỡng thêm trong một khóa học kéo dài một tháng.

Trong dịp đó, chúng tôi được giới ngoại giao và những thành viên phân đội Hungary đầu tiên - đã hồi hương - chuẩn bị cho nhiệm vụ tại Việt Nam”.

Gặp Hoàng thái hậu cuối cùng

Oroszi Antal và phân đội Hungary thứ hai tới Việt Nam theo đường bay Budapest - Moscow - Tashkent - Karachi - Calcutta - Sài Gòn, và dừng chân tại Viên ngọc Viễn Đông vài ngày, trước khi về nơi đồn trú tại Huế.

Đóng quân tại cố đô Huế, nhưng ông hay có dịp tới Đà Nẵng, căn cứ quân sự lớn của Việt Nam Cộng hòa tại miền Trung. Cùng các đồng sự nước ngoài, Oroszi Antal thường dã ngoại đây đó: Tới thăm núi Non Nước, chiêm ngưỡng pho tượng Phật 2.000 năm tuổi và tìm hiểu nền văn hóa Việt Nam ở khoảng cách rất gần.

“Cứ buổi chiều là chúng tôi rảnh vì trời rất nóng, nên mọi thứ đều làm vào buổi sáng. Chúng tôi đi lại rất nhiều, đặc biệt là cuối tuần, và đến cả Quảng Trị nữa. Thành phố này bị tàn phá khủng khiếp.

Đúng vào lúc chúng tôi có mặt tại đó, người ta khánh thành một ngôi chùa và chúng tôi cũng được mời tới dự lễ. Cuộc sống mới bắt đầu như thế” - người sĩ quan hồi hưu nhớ lại, trong tay ông là một tập ảnh mà trên đó, thoạt tiên là những ngôi nhà bị bom đạn làm biến dạng tới mức không thể nhận ra, rồi đến những hình ảnh của sự hồi sinh, tái thiết.

Một kỷ niệm có lẽ thuộc hàng đặc biệt nhất của ông Oroszi Antal là cuộc hội kiến Hoàng Thái hậu Từ Cung. Cựu hoàng Bảo Đại đã rời Việt Nam qua Pháp từ giữa thập niên 50, bà Từ Cung vẫn ở lại Huế cho đến khi mất tại ngôi nhà số 79 Phan Đình Phùng nơi bà sinh sống 35 năm cuối đời, nay được giữ gìn thành một nhà lưu niệm.

“Tôi còn nhớ, người đàn bà đứng tuổi ấy đã mời chúng tôi dùng loại trà xanh cực đặc và chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều. Bà kể, bà từng qua Châu Âu, chủ yếu là Paris. Rất thoải mái khi tiếp kiến bà, nhưng bà không cho chúng tôi chụp ảnh”.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.