TKV và những quyết định giật lùi

TKV và những quyết định giật lùi
TP - Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng về những sai phạm của lãnh đạo Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN (TKV) có nêu rõ việc vi phạm dân chủ trong công tác quản lý điều hành.

Đây chính là hậu quả của việc độc quyền nhà nước bị biến thành độc quyền của doanh nghiệp, độc quyền doanh nghiệp biến thành độc quyền cá nhân, và độc quyền cá nhân dẫn đến mất dân chủ. Việc mất dân chủ trong TKV thể hiện rõ nhất trong công tác tổ chức cán bộ. Đây cũng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.

Kỳ 1 - Công tác tổ chức: thiếu bài bản, thừa ngẫu hứng

Lê Nin đã dạy, công tác tổ chức phải có tính kế thừa. Nhưng, công tác tổ chức của TKV lại có thừa tính ngẫu hứng.

Qua 15 năm tồn tại, TKV có tới 9 lần đề nghị Chính phủ cho cải tổ đổi mới tổ chức, sắp xếp lại hàng trăm lượt doanh nghiệp. Bình quân cứ 18 tháng lại có hàng loạt quyết định bổ nhiệm giám đốc mới, đồng nghĩa với hàng vài trăm cán bộ phải tự đánh giá lại bản thân mình không phải về chất lượng công tác.

Điều đó cho thấy, công tác tổ chức sản xuất của TKV không có bài bản.

Nét nổi bật trong công tác tổ chức là “không thuộc kinh phật thì đốt chùa, lấy cớ đuổi sư”. Ngành than là một ngành công nghiệp được hình thành và tổ chức có truyền thống. Các ngôi chùa có lịch sử lâu đời của ngành than đáng lẽ cần được duy tu thì lại bị đốt đầu tiên.

Đó là các công ty than có thương hiệu, đóng vai trò quan trọng của ngành than như Cẩm Phả, Hòn Gai, Uông Bí, Tổng Công ty Cung ứng Than, Công ty XNK Than & Cung ứng Vật tư Thiết bị v.v.

Trong khi công ty than Nội Địa - ngôi chùa được xây khập khiễng trên đất lấn chiếm ở Hà Nội, có chức năng chủ yếu là thu tiền công đức của các mỏ ở Lạng Sơn, Thái Nguyên lẽ ra phải giải thể, thì lại được giữ nguyên.

Bác Hồ đã dạy: Làm than cũng như quân đội đánh giặc. Nhưng ngay từ đầu, TKV đã chuyển toàn bộ lực lượng xây lắp sang khai thác than (biến công binh thành bộ binh).

Việc chuyển đổi thực chất là chia phần khai thác than. Trên giấy được đổi tên, còn trên thực tế các đơn vị “khai thác” than này chỉ là những con số 0 (từ tài nguyên, thiết bị, công nghệ, đặc biệt là trình độ của cán bộ quản lý).

Lực lượng xây lắp sau khi được biến thành các đơn vị khai thác đã góp phần nguy hiểm vào việc khai thác lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm.

Gần đây, sai lầm này mới được nhận ra, nhưng đã quá muộn. Các khoáng sàng than thuộc diện bờ xôi, ruộng mật bị chia nhỏ cho các đơn vị xây lắp. Hai công ty xây dựng mỏ vừa được thành lập chỉ là bình cũ đựng nước lã (chưa được “bình mới, rượu cũ”).

Tổng Công ty Cơ khí Năng lượng & Mỏ - một doanh nghiệp từng tham gia rất thành công trong các dự án công nghiệp lớn (điện, xi măng, đường, hóa chất), được trang bị hiện đại (máy lốc ống thép, lò đúc thép, lò đúc đồng v.v), chế tạo thành công các mặt hàng cơ khí phức tạp (ống áp lực cho thủy điện Vĩnh Sơn, cột cao thế cho đường dây 500kV, các chỏm cầu cho nồi hơi, bánh răng công tác đường kính lớn, v.v.), sau khi được sáp nhập vào TKV, đã bị tan biến để nhường chỗ cho một doanh nghiệp cổ phần “đầu voi thân chuột” là Cty Chế tạo Thiết bị & Xây lắp Công trình mới thành lập.

Trong khi việc làm của các nhà máy cơ khí còn thiếu, TKV vẫn cho nhập khẩu rất đắt (không qua đấu thầu) một tuyến băng tải về xếp trong kho ở Mạo Khê. Các nhà máy cơ khí chuyên ngành (cơ điện Uông Bí, cơ khí Mạo Khê, cơ khí Hòn Gai, cơ khí Bắc Thái v.v.) cũng bị sáp nhập vào các công ty than.

Ban Chuẩn bị Đầu tư của Bộ Năng lượng chuyển về với đội ngũ cán bộ có trình độ và đẳng cấp đã tự phấn đấu trở thành Công ty Tư vấn Đầu tư Điện Than (từng thắng thầu soạn thảo Tổng sơ đồ phát triển ngành, đóng vai trò quyết định trong việc triển khai hai dự án điện Na Dương và Cao Ngạn) là tổ chức tư vấn mà TKV hiện cũng đang thiếu phải đi thuê ngoài.

Nhưng, không biết điều nên đơn vị này cũng bị dẹp theo kiểu “đốt chùa đuổi sư”. Thay vào đó, TKV lại thành lập một công ty tư vấn khác, với đội ngũ cán bộ không có chuyên môn gì về điện lẫn than.

Kỳ sau: Trình độ cán bộ, câu hỏi còn bỏ ngỏ

MỚI - NÓNG