Về quy hoạch thủ đô Hà Nội: Chúng tôi làm đúng luật - Kỳ 2

Về quy hoạch thủ đô Hà Nội: Chúng tôi làm đúng luật - Kỳ 2
TP - Tiền phong xin đăng tiếp bài phỏng vấn Thạc sỹ Kiến trúc sư (ThS.KTS) Lưu Đức Cường xung quanh vấn đề về quy hoạch thủ đô Hà Nội.

>> Chúng tôi làm đúng luật - Kỳ 1

Về quy hoạch thủ đô Hà Nội: Chúng tôi làm đúng luật - Kỳ 2 ảnh 1
Ngoại thành Hà Nội cũng phát triển lộn xộn, hầu như đi đâu cũng thấy rác (Cảnh ở làng Triều Khúc) - Ảnh: Mỹ Hằng

Ông có thể cho biết có bao nhiêu người làm và lực lượng ấy đã phải là kết quả của sự tập hợp các chuyên gia về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) hàng đầu của Việt Nam chưa?

ĐMC là câu chuyện rất mới, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Thế giới chỉ bắt đầu xuất hiện khái niệm ĐMC từ 1990, xuất phát từ Mỹ, khi người ta nhận thấy ĐTM không còn phù hợp cho các chiến lược, quy hoạch cấp vĩ mô nữa.

Từ góc độ chuyên gia làm ĐMC, tôi là một trong những cá nhân đầu tiên, cùng với GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng làm ĐMC ở Việt Nam. Đội ngũ chuyên gia Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực làm ĐMC. Có chăng chỉ thiếu về số lượng.

Nhưng có ý kiến cho rằng, so với đòi hỏi của thực tế, trình độ của ta còn xa mới đáp ứng được. Vì thế, cách tốt nhất là phải tập hợp lại, cùng làm để khắc phục phần nào sự thiếu hụt chuyên gia. Tại sao các ông không tập hợp họ?

Chúng tôi có tập hợp đấy chứ, có mời đại diện của tất cả các bên tham dự. Cần nhấn mạnh rằng ĐMC về mặt tên gọi là mới chứ phương pháp luận về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng của ĐTM chứ không phải thứ gì hoàn toàn xa lạ.

Tất cả các chuyên gia hàng đầu thế giới về ĐMC đều có xuất phát điểm là cán bộ thực hành ĐTM...

Một trong những nội dung thể hiện sự khác biệt nhất giữa ĐMC và ĐTM là ở chỗ, khi làm ĐMC, bắt buộc phải lấy ý kiến rộng rãi các bên, lấy ý kiến không chỉ của các nhà chuyên môn, mà cả cộng đồng dân cư. Trong trường hợp này, với thủ đô Hà Nội, phải lấy ý kiến của cả nước nếu các ông bảo thực sự có làm ĐMC. Vậy trên thực tế các ông có lấy ý kiến rộng rãi như vậy không?

Như tôi vừa nói, tuần sau, hội đồng thẩm định cấp quốc gia họp phiên đầu tiên sẽ làm nhiệm vụ đánh giá toàn diện, trong đó có ĐMC, có cả đại diện của Bộ Tài nguyên & Môi trường.

Chúng tôi có mời tất cả các bên đấy chứ. Các tổ chức quan tâm đều có mặt tại các cuộc hội thảo. Có lẽ chưa một dự án nào lại được sự quan tâm thích đáng như đồ án này.

Chúng tôi thường xuyên có sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo chính phủ, lãnh đạo Bộ Xây dựng. Hơn 30 hội thảo lớn được tổ chức, chưa kể các hội nghị chuyên đề. Báo chí cũng đưa tin thường xuyên để công luận góp ý và bàn đấy chứ.

ĐMC không phải là độc quyền của bên môi trường

Nhưng tổ chức hội thảo và báo chí đưa tin không có nghĩa là lấy ý kiến rộng rãi của các bên theo quy định của ĐMC. Các tổ chức phản biện môi trường hàng đầu như VACNE, Tổng hội Xây dựng Môi trường Việt Nam, Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF), v.v, đều cho biết họ không được mời tham vấn.

Mà VUF là diễn đàn do chính Bộ Xây dựng chủ trì, có sự tham gia của rất nhiều nhà tài trợ và cố vấn nước ngoài làm việc trong lĩnh vực xây dựng và quy hoạch đô thị.

Vấn đề môi trường được đặt ra từ khi mở rộng Hà Nội vì một môi trường sống tốt nhất, chứ không phải đến khi làm quy hoạch mới tính đến. Ngay với chuyện mở rộng Hà Nội thôi cũng đã vì môi trường rồi.

Hơn lúc nào hết, Chính phủ đặc biệt quan tâm đến môi trường. Chứ không có chuyện hơn trang rưỡi đâu. Rất được quan tâm. Lần nào họp, Thủ tướng và Phó thủ tướng cũng hỏi chúng tôi về việc này.

Còn Chính phủ làm theo luật, luật quy định rồi. Bản chất công tác quy hoạch xây dựng là tổ chức không gian sống, tổ chức môi trường sống cho nhân dân, trong đó đã bao hàm môi trường tự nhiên, chứ không phải là một chương.

Mô hình mà chuyên gia quốc tế đề xuất là mô hình hiện đại, siêu đô thị, mô hình đô thị trung tâm và năm đô thị vệ tinh, tránh những nhược điểm của các siêu đô thị như Buenoss Aires, Tokyo, Thượng Hải, Bắc Kinh, Rio de Janeiro đã gặp phải, những siêu đô thị đầu to, lan tỏa từ trong ra ngoài.

Quy hoạch lần này lồng ghép từ trong, nghiên cứu điều kiện ở, không gian xanh cho dân. Đây là một trong những thành phố có tỷ lệ không gian xanh lớn nhất mà tôi được biết. Riêng phần không gian xanh bọn tôi nghiên cứu. Gần 68% không gian xanh, 32% là phát triển đô thị.

Thứ hai, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt tính đến tổ chức nền đất xây dựng, hệ thống thoát nước mưa, kết hợp với hệ thống sông ngòi, được quan tâm hàng đầu, phối hợp với cả Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, chứ đâu chỉ với Bộ Tài nguyên&Môi trường, để tham vấn về trị thủy sông Hồng chẳng hạn.

Đây là đề án lớn dù đoạn sông Hồng đi qua Hà Nội chỉ dài 40 km thôi. Nhưng để tính toán vấn đề thủy lợi của đoạn sông này thì phải tính toán toàn bộ sông Hồng với 600 km chảy bên Trung Quốc và 500 km chảy bên Việt Nam.

Trên sông Hồng có hai thủy điện Sơn La, Lai Châu, tần suất chống lũ để tính toán là 500 năm. Đồ án của chúng tôi chỉ có 40 - 50 năm vẫn phải tính đến các yếu tố dài hạn như thế. Ví dụ như thế, phân tích sâu sắc hệ thống sông ngòi, hệ thống xả lũ, phân lũ, để thấy chúng tôi phải làm việc sâu và rộng thế nào.

Sông Đáy, cầu chì của Hà Nội, chúng tôi thiết kế chứ ai

Hay câu chuyện sông Đáy, Thủ tướng gọi là cầu chì cho Hà Nội. Xác suất vỡ đập Sơn La, Lai Châu là 500 năm đấy nhưng nhỡ đâu là đại họa xảy ra thì sao, nhỡ đâu nước từ hai cái hồ thủy điện kia bị vỡ đổ về thì sao?

Chúng tôi phải làm đồ án khơi thông sông Đáy qua Hà Nam, đổ ra biển. Phương án làm sống lại các dòng sông có từ 5 năm nay rồi, với hình thức nạo vét sâu, cải tiến một số tuyến thẳng, cải tạo một số hồ. Nếu xì van một cái là chạy thẳng ra biển.

Đấy là ý tưởng lớn của Chính phủ, đề phòng đại hồng thủy. Chúng tôi phải tính toán lưu vực thoát lũ từ Ba Vì, tính toán lượng nước mưa từ Hà Nội cũ dồn về phía nam thế nào. Tất cả những phức tạp ấy, chúng tôi thiết kế chứ ai.

Hay là tổ chức lại hệ thống giao thông, khai thác lại đường thủy. Riêng giao thông đã là giải tỏa đi lại, giảm tải giao thông, bớt giao thông cá nhân, tăng cường hệ thống giao thông công cộng, trên 40% tương lai là giao thông công cộng, xe bus chạy nhanh, hệ thống GT nhẹ, metro, v.v. Riêng đoạn ấy là khói bụi. Hà Nội sẽ không rơi vào tình trạng đó. Ba vành đai là yên tâm rồi.

Rồi rác thải, Nam Sơn, Hòa Bình, dứt khoát là xử lý triệt để, chuyển hóa thành phân hữu cơ, tái chế thành vật liệu.

Đương nhiên hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn phải hiện đại. Hà Nội xanh nhất thế giới thì phải phấn đấu làm được điều này. Hệ thống nước thải cũng thế, phải được xử lý triệt để. Hiện nay Hà Nam là một trong những tỉnh phải gánh chịu nước thải của Hà Nội, kêu ầm ầm.

Rồi ngầm hóa. Cấp nước, về cơ bản trong tương lai, dừng việc lấy nước ngầm. Chúng tôi dùng công nghệ GIS để nghiên cứu hẳn hoi. Ô nhiễm nước ngầm Hà Nội đây này.

Dần dần, sẽ lấy nước sông chủ yếu là sông Đà, rồi một nhánh sông Đuống. Khai thác nước ngầm quá mức như hiện nay gây sụt lún, rồi ô nhiễm, nhất là ô nhiễm asen.

Một lần nữa, có thể khẳng định, yếu tố môi trường đã nằm trong quy hoạch rồi. Bản chất quy hoạch đã là nghệ thuật tổ chức không gian và môi trường sống tốt nhất cho con người.

Còn ĐMC chỉ là công cụ kiểm tra lại, ở tầm vĩ mô hơn, phát triển bố trí không gian lớn về đô thị, chứ không đi sâu vào tính toán phát thải của từng dự án mặc dù vẫn có tính toán định lượng về tổng tải lượng ô nhiễm.

Còn bản thân lãnh đạo trực tiếp của tôi cũng là một nhà quy hoạch môi trường, bản thân các chuyên gia tư vấn cũng là nhà môi trường, chứ không phải chỉ có ĐMC.

Ông cố vấn trưởng người Mỹ của PPJ nguyên là kiến trúc sư cảnh quan môi trường đấy chứ. Hoàn toàn sai khi nói rằng chỉ có chuyên gia môi trường mới được phép nói về ĐMC.

Chuyện môi trường của đồ án quy hoạch không tách rời với ĐMC. Chúng tôi cũng nói đến biến đổi khí hậu và, vì thế, mới đề cập đến tổ chức các đô thị vệ tinh ở vùng cao chứ.

Bộ nào cũng phải chung tay đóng góp, chứ không phải ngồi riêng một chỗ. Thủ tướng giao trách nhiệm của các bộ vào cuộc. Trước hết là Bộ TN&MT rồi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch, v.v.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.