Người con trai Sùng Đại Dùng

Người con trai Sùng Đại Dùng
TP - Từ ngã ba, chúng tôi không rẽ  xuống nhà Vương (dinh thự bằng đá của vua Mèo Vương Chí Sình, một địa danh du lịch nổi tiếng của cao nguyên đá Đồng Văn) mà rẽ trái. Bồi hồi nhận ra lối mòn năm ấy về xã Lũng Táo nay đã là một con lộ tráng nhựa vo vo xe lăn phới thẳng về Lũng Cú. 

>> Khúc xuân cao nguyên đá - Kỳ I

Người con trai Sùng Đại Dùng ảnh 1
“Hồ treo” ở Hà Giang

Lão đồng chí  Vương Quỳnh Sơn năm xưa đã đưa tôi về Lũng Táo theo lối mòn này. Vương lão đồng chí đã từng giải cho tôi rằng Lũng Táo nghĩa là Long Đao, không phải tên để gọi thanh long đao của Quan Vân Trường mà là thuở ấy vua Quang Trung đã lấy bản này làm kho cất giấu vũ khí nên có tên Long Đao, vũ khí của triều đình.

Tương tự thế, bên cạnh xã Lũng Táo là Lũng Cú. Lũng Cú không phải là cái lũng có nhiều cú mà là Long Cổ, nghĩa là cái trống của nhà vua của triều đình.

Vua Quang Trung sau khi thắng trận đã lập ở nơi miền biên viễn hiểm yếu của Tổ quốc một trạm canh rồi treo cái trống thực to. Âm thanh cầm canh âm thanh chủ quyền hằng ngày đều được gióng lên vào những giờ nhất định.

Tranh thủ có chút nắng chiều, chúng tôi ghìm nhịp thở để sải chân trên hàng chục bậc đá để leo lên chân cột cờ Lũng Cú.

Hổn hển truyền đạt sự giải thích năm nào của ông Vương Quỳnh Sơn nay đã là người thiên cổ, tôi phấn chấn khi chị Thanh Xuân, đại diện của VietinBank cho biết VietinBank trong chuyến đi này đã ủng hộ huyện Đồng Văn 65 tỷ trong đó dành riêng 15 tỷ để xây lại cột cờ Lũng Cú.

Trong hoàng hôn một chiều cuối năm,  nhìn Thủ tướng thân mật trong câu chuyện với các chiến sĩ biên phòng dưới chân cột cờ thấy dậy lên cảm giác thiêng liêng về chủ quyền Đất Nước! Rồi nữa, có lẽ việc cải tạo lại cột cờ Lũng Cú sau này sẽ thêm hoành tráng ngoạn mục...

Trong bấn bíu của việc nhà có khách, tôi may mắn vẫn được Bí thư Huyện ủy Sùng Đại Hùng dành cho một khoảng trống con con...   Nếu có thời gian, được ngồi mà chuyện với người con trai này của người hùng cao nguyên đá Sùng Đại Dùng cũng thú vị.

Do công việc, cánh báo chí chúng tôi khá quen biết với cung cách điều hành công việc giản dị độc đáo mà hiệu quả của vị Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tuyên sau này là Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Giang, Sùng Đại Dùng.

Những năm mở đường Hạnh Phúc nối Đồng Văn với Mèo Vạc xuyên đá gian nan qua đèo Mã Pí Lèng chất ngất (nhà văn Nguyễn Tuân đã dùng từ Đại hùng quan để chỉ công trình này), Sùng Đại Dùng là Bí thư Đoàn công trường. Chính ông đã chứng kiến 13 thanh niên các dân tộc hy sinh vì con đường lịch sử Đồng Văn - Mèo Vạc.

Những năm sau này do công việc, hầu như không có bản nào heo hút trên cao nguyên đá mà ông không đặt chân đến. Tao là người không lừa đồng bào. Hoặc đồng bào phải tin tao. Tao là Sùng Đại Dùng đây mà... Câu nói ấy đã làm nên thương hiệu nổi tiếng và mang lại rất nhiều hiệu quả trong công tác vận động bà con các dân tộc thực hiện những chủ trương đúng của trên bởi tác phong sâu sát.

Chuyện ông đi vận động bà con người Mông cao nguyên đá bỏ cây thuốc phiện trồng cây cải lấy hạt ép dầu có lẽ phải là lãnh vực của tiểu thuyết là trường đoạn của phim ảnh thì mới có cơ ôm xuể?

Ngọn đèn bão trong đêm mất điện những năm xa trong căn phòng làm việc của ông bố, Phó Chủ tịch Hà Tuyên và màn hình computer nhấp nháy trong căn phòng ở Huyện ủy Đồng Văn bây giờ của người con quả có khác nhưng vẫn là tín hiệu định hướng vẫn là cái đích xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc vùng cao nguyên đá.

Cha con người Mông ấy, có lẽ theo thời theo cơ chế, mỗi người phải lo theo cách của mình? Ông con may mắn từng được cọ xát từng trải nghiệm thoạt kỳ thủy là anh cán bộ ngân hàng cấp huyện.

Ba năm hơn làm chủ tịch cái huyện nghèo nhất của cao nguyên đá rồi chuyển tiếp ngần ấy năm chủ tịch huyện láng giềng Đồng Văn và bây giờ ở cương vị Bí thư.

Toàn huyện  có 42,72% hộ nghèo, 9 xã/19 xã dân đang khan nước ăn, nước sinh hoạt... Hẳn ai cũng hiểu vị Bí thư, vị chủ tịch huyện nào ôm những con số đó khổ tâm đến như thế nào mỗi khi  phải trình, phải báo cáo cho thiên hạ người ta biết?

Nhưng dẫu vội tôi cũng đọc được sự tự tin của ông Bí thư huyện khi thành thực những con số ấy. Đọc được sự tự tin là cũng lây được sự đồng cảm. Đồng cảm để tự tin hơn cái cách làm, cái quyết sách mà Trung ương, mà Chính phủ đang song hành với Hà Giang.

Đơn cử lo cái uống cho Đồng Văn cho đồng bào dân tộc trên cao nguyên đá. Vội nên chưa kịp hỏi ông Sùng Đại Hùng  xem ai là tác giả của những công trình hồ chứa nước tạm gọi là hồ treo trên cao nguyên đá bây giờ đang mở cho cao nguyên đá một lối thoát hữu hiệu?

Nhớ lúc nhập nhoạng tối, chúng tôi dừng bên hồ treo Pải Lùng. Nhọ mặt người như thế mà người đến lấy nước hẵng còn khá đông. Có người đi xe máy. Đa phần đi bộ, tiếng cười nói râm ran. Ghé sang một cái lưng mờ ảo thon thả không rõ mặt  hỏi nhà có xa không thì chất giọng lảnh lót rằng không xa đâu hai tiếng thì tới nơi mà...

Hai tiếng đi bộ nghe cứ nhẹ thênh! Mở ngoặc thêm là trên hệ thống tín hiệu giao thông, trên cao nguyên đá, địa danh hồ treo Pải Lùng đã được sáng xanh sáng trắng cả đêm lẫn ngày! Cho ai? Chắc chắn là cho người tham gia giao thông, cho du khách nhưng đầu tiên tín hiệu ấy có lẽ mang lại hiệu ứng lợi ích cho người dân Đồng Văn cái đã! 

Đã đến được đó có nghĩa là bất kỳ lúc nào thời tiết nào cũng có nước để mang về! Thử tưởng tượng về mùa khô khát, những hàng người lầm lụi trên địu thồ ngất nghểu những ống vầu ống tre, sang hơn là can nhựa bươn bả chậm rãi hàng chục cây số đường đá, hàng thôi đường đá tìm đến những mó nước tí hin ri rỉ tiết diện chảy như đầu bút bi.Chờ bòn ra một can nước rồi lại ngược về bản là một cực hình.

Bây giờ có những hồ treo, mọi sự đã và đang khác! Đồng Văn bố trí 10 hồ treo phù hợp thích hợp với từng cung chặng của 18 xã dằng dặc trên cao nguyên đá. Có hai hồ đang hoàn chỉnh. Mỗi hồ lớn nhỏ trung bình 8.000-10.000 m3 nước. Một số hồ chưa trữ được nước vì đang thi công  trùng với một, hai mùa mưa.

Chẳng phải nhẩm tính chi nhiều, Bí thư Sùng Đại Hùng nói vanh vách đơn giá mỗi cái hồ treo như thế, thời điểm năm 2007 khi lên thăm, Thủ tướng cho cái giá là 3 tỷ, nhưng bây giờ cỡ phải 10-15 tỷ.

Cứ như Bí thư Sùng Đại Hùng, những cái hồ treo trên cao nguyên đá không đơn thuần là hồ chứa nước mà dần dà trở thành tụ điểm thành trung tâm giao lưu gặp gỡ của thanh niên người Mông.

Một cách tự nhiên,  việc sinh hoạt kín nước, lấy nước trở thành hoạt động giao lưu giao thương như một cái chợ rồi nâng cấp lên thành những sinh hoạt văn hóa.

Cuối buổi gặp là cái lắc đầu quầy quậy của Bí thư Huyện ủy khi tôi rụt rè đặt vấn đề rằng có phải người Mông do tập quán do thói quen ngàn đời là cứ phải treo mình khắp trên những độ cao của cao nguyên đá thì mới hợp?

Theo ông Bí thư người Mông này, quan điểm như vậy là lệch lạc thậm chí sai toét! Người Mông xuống núi đâu phải chỉ có những phiên chợ? Tập quán ngàn đời du canh du cư, cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo của bệnh dịch đã bị chao đảo lung lay thực sự!

Chủ trương xóa bỏ nhà tạm đưa 10.000 hộ dân trên cao nguyên đá trước nay vẫn quần cư trên rẻo cao xuống những nơi có đất canh tác, có nước cùng hiệu quả nhỡn tiền đã thuyết phục được đông đảo đồng bào.

Đồng Văn đã khéo léo lồng ghép các  chương trình xóa đói giảm nghèo như 135, 134 như chương trình 30A... để tiến hành công cuộc hạ sơn cho người Mông. Dân các xã như Phó Cát, Sủng Là, Xính Lủng, Pó Quảng Pìn, Ma Lé...  nhiều thôn bản đã  tự nguyện rục rịch hạ sơn quần cư nơi có đất canh tác có hồ nước có điện và nhà văn hóa.

Chi phí một cụm dân cư hạ sơn khoảng 10 tỷ đồng cho 20 hộ dân một cụm. Chính sách như vậy là đã trúng với nguyện vọng của dân đã được dân hưởng ứng.

Theo ông Bí thư Hùng, công cuộc hạ sơn trên cao nguyên đá cái khó vẫn là tìm những địa điểm quần cư đắc địa có hồ nước, có đất canh tác và cơ sở hạ tầng đường điện, trường trạm để đưa bà con đến.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.