Cho xây trung tâm thương mại gần Hồ Gươm:

Tạo tiền lệ xấu

Tạo tiền lệ xấu
TP - Xung quanh việc UBND TP Hà Nội vừa có văn bản chấp thuận cho Tổng Cty Thiết bị điện Việt Nam nghiên cứu lập và triển khai thực hiện dự án trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê, trên khu đất 10.000m2 gần Hồ Gươm, nhiều kiến trúc sư cho rằng làm như vậy là tạo tiền lệ xấu.

Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, KTS Trần Trọng Hanh nói: Năm 2007, giới kiến trúc sư chúng tôi đã lên tiếng mạnh mẽ quanh dự án Trung tâm tài chính thương mại số 69 Đinh Tiên Hoàng mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến xây cạnh Hồ Gươm. Sự lên tiếng của dư luận lúc đó rất kịp thời và dự án đã bị dừng. Nhưng giờ người ta lại cho triển khai dự án như vậy gần khu vực Hồ Gươm thì phải tính toán, xem xét kỹ.

Ngay sáng 4-3, trong buổi làm việc của đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội với Sở Quy hoạch-Kiến trúc, tôi đã hỏi lãnh đạo sở, thì họ bảo chưa nhận được hồ sơ của chủ đầu tư về dự án này. 

Quy hoạch chi tiết tôn tạo khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận năm 1996 đã được phê duyệt vẫn là văn bản còn nguyên giá trị.

Có ba khu vực Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức nghiên cứu quy hoạch mà không giao Hà Nội, gồm: Hồ Gươm, Hồ Tây và Quảng trường Ba Đình. Do đó tất cả việc đầu tư xây dựng ở khu vực nhạy cảm này, trong phạm vi ranh giới quy hoạch Hồ Gươm, các tổ chức nhất thiết đều phải tuân thủ theo quy hoạch.

Việc xây dựng công trình trong khu vực 7,6 ha (khu vực Hồ Gươm), với chủ trương là phải bảo tồn, phát huy những giá trị công trình văn hóa lịch sử về kiến trúc truyền thống cũng như vấn đề cảnh quan, trong đó, lấy Hồ Gươm làm trung tâm.

Toàn bộ công trình khác như cây xanh, công trình kiến trúc, đình chùa, đều phải giữ lại. Vì vậy theo tôi, nếu cơ quan chức năng khi chấp thuận dự án nào trong khu vực này đều phải xem xét kỹ lưỡng.

Có người cho rằng, bây giờ phải có tầm nhìn mới về Hồ Gươm, quy hoạch cũng phải thay đổi. Theo tôi, đối với khu vực nhạy cảm, vẫn phải giữ nguyên giá trị. Giá trị văn hóa, lịch sử ở đây cao hơn muôn vàn giá trị những công trình cao tầng, những trung tâm thương mại. 

Tạo tiền lệ xấu ảnh 1
Khu đất “vàng” dự kiến xây dựng “Trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng” cho thuê. Ảnh: Nguyễn Tú

TS Phạm Sỹ Liêm: Sao cứ co cụm các công trình cao tầng?

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ: Ai cũng biết Hồ Gươm không chỉ của Hà Nội mà còn là của cả nước. Đây là di tích lịch sử, văn hóa của dân tộc và xung quanh hồ có nhiều công trình có ý nghĩa về kiến trúc, văn hóa, lịch sử. Chính vì thế mà người ta làm quy hoạch, để không ai được tuỳ tiện xâm phạm.

Hiện tại tôi chưa biết chủ đầu tư sẽ xây dựng công trình trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng cho thuê quy mô như thế nào. Nhưng chắc rằng, chủ dự án trước khi tiến hành phải xin chỉ tiêu của Sở Quy hoạch -Kiến trúc về quy hoạch khu vực này.

Dù là xây dựng công trình gì thì cũng không nên xây quá nhiều tầng. Ngay cả tòa nhà của UBND TP Hà Nội hiện nay, người ta thấy có vẻ là cao rồi. Việc xây dựng các công trình cao tầng như trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê ở khu vực xung quanh Hồ Gươm, nếu không xem xét kỹ lưỡng, sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.

Xét về mật độ dân cư, xây dựng tăng sẽ ảnh hưởng tới hạ tầng, giao thông, không gian tĩnh. Điển hình như khu vực trung tâm thương mại Vincom ở đường Bà Triệu bây giờ.

Không phải ngẫu nhiên, từ trước đến nay quanh Hồ Gươm đã có nhiều dự án, công trình đề xuất cải tạo hoặc xây mới bị đình lại. Bởi nếu một dự án, công trình được chấp thuận mà không xem xét kỹ lưỡng thì tạo tiền lệ xấu. Đơn giản, cái này xây dựng được thì những cái khác cũng làm được.

Hà Nội đã mở rộng, sao cơ quan chức năng cứ cho phép co cụm các công trình cao tầng trong khu vực đã có mật độ dân cư đông. Ở những khu vực này, nên dành những công trình văn hóa chứ không nên dành cho mục đích buôn bán.

Theo quy hoạch chi tiết khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận TP Hà Nội kèm theo Quyết định số 448/BXD-KTQH ngày 3-8-1996 của Bộ Xây dựng, thì đối với các công trình tại các lô đất tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm, chiều cao tối đa không vượt quá 16m, không tạo thành bức tường thành ngăn cách không gian hồ và các khu vực lân cận.

Đối với các khu vực còn lại, chiều cao tối đa các công trình được khống chế không quá 4 tầng (16m), không quá 6 tầng (24m) đối với phần xây dựng lớp trong các ô phố.

Nguyễn Tú (ghi)

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.