Mực nước sông Hồng tụt mạnh có thể do hồ Hòa Bình

Mực nước sông Hồng tụt mạnh có thể do hồ Hòa Bình
TP - Đúng như cảnh báo của chuyên gia Nga 30 năm trước đây, mực nước sông Hồng khoảng 10 năm lại đây bị tụt mạnh và phát hiện mới đây của các nhà khoa học nông  nghiệp cho thấy thủ phạm của hiện tượng bất thường này có thể liên quan hồ thủy điện Hòa Bình.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho biết, 10 năm trở lại đây, mực nước sông Hồng đoạn qua Hà Nội đã tụt xuống gần 2m.

Theo ông Học, những năm 80, nhiều nhà khoa học cho rằng, sau khi xây dựng hồ thủy điện Hòa Bình để trữ nước vào mùa lũ và tăng dòng chảy kiệt, mực nước sông Hồng sẽ được nâng lên.

Tuy nhiên, lúc đó các chuyên gia của Nga có cảnh báo việc đó không có gì chắc chắn, và không cẩn thận có thể tụt. Đúng sau khoảng 15 năm, mực nước thường xuyên cao; mực nước ở cống Liên Mạc (Hà Nội) thường xuyên cao hơn 30 - 40 cm. Thế nhưng, từ năm 2000 trở lại đây, vấn đề trở nên khác nhiều.

Vừa qua các nhà khoa học cho vẽ quan hệ tương quan giữa lưu lượng dòng chảy với mực nước, mặt cắt của sông đoạn qua Hà Nội. Kết quả cho thấy, cùng lưu lượng nước như trước đây, mực nước bây giờ tụt so với trước 2m.

“Lưu lượng tạo dòng của một con sông là bình quân lưu lượng mùa lũ của nhiều năm. Nay mức đó đã giảm. Trong mùa lũ, sông thường bồi một số bãi cao. Đầu mùa kiệt, thường lưu lượng giảm nhiều, không đòi hỏi có một mặt cắt chảy lớn nữa, vận tốc giảm. Cùng với phù sa bồi lấp dần lòng sông, mực nước sông dâng lên.

Tuy nhiên, những năm vừa rồi, phù sa giảm, sông không được bồi lấp dần và trở nên sâu hơn” - Thứ trưởng Đào Xuân Học lý giải.

Mực nước sông Hồng tụt mạnh có thể do hồ Hòa Bình ảnh 1
Sông Hồng đoạn chảy qua Thủ đô Hà Nội - Ảnh: Phạm Yên

Trước đây, mực nước ở Hà Nội để đạt được 2,3m trở lên, chỉ cần xả ở hồ Hòa Bình khoảng 1.000 m3. Thế nhưng, bây giờ,  để đạt mức nước đó, phải xả 2.000-3.000 m3.

“Đây là con số hoàn toàn mới. Chúng tôi vừa báo cáo Bộ trưởng. Trước mắt phải nghiên cứu hiện tượng này đã ổn định chưa, cho đo đạc kỹ hơn và huy động các nhà khoa học tham gia nghiên cứu” - Thứ trưởng Học nói.

Mực nước sông Mekong xuống gần kỷ lục

Trong khi đó, mực nước hệ thống sông Mekong đã xuống thấp hơn so với trung bình nhiều năm 20 - 30 cm, tương đương với mức thấp kỷ lục trong lịch sử năm 1993.

Bộ NN&PTNT cho biết, tình hình khô hạn, thiếu nước ngọt như hiện nay sẽ ảnh hưởng năng suất khoảng 26.000 ha lúa đông xuân ở trung du - đồng bằng Bắc Bộ (trong đó Hưng Yên khoảng 15.000 ha) và khoảng 100.000 ha ở Nam Bộ.

Theo Bộ NN&PTNT, nước các con sông đang đạt mức thấp, hệ thống kênh mương, các trạm bơm gần như hạn chế hoạt động.

Các trạm bơm thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, trạm bơm Triệu Xá (Bắc Ninh) cũng đang nghỉ vì nước sông cạn. Trạm bơm Kiểu (Sông Mã - Thanh Hóa) 10 ngày nay gần như không hoạt động; hơn 10 trạm bơm ở hệ thống sông An Trạch (Đà Nẵng-Quảng Nam), 10 trạm ở hệ thống sông La Ngà (Bình Thuận) gần như hoạt động cầm chừng, vì sông cạn nước.

Các tỉnh Nam Bộ như Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang, Bến Tre... cũng đang khát nước ngọt khi bị nạn nước mặn xâm lấn 30-50 km.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm trở lại đây, lượng mưa rất ít. Đầu tháng 3, do ảnh hưởng của không khí lạnh, có gây mưa ở một số tỉnh miền Bắc, trung bình 5 - 10 mm; tuy nhiên lượng mưa không đáng kể, chỉ đủ phục vụ rau màu, còn lúa thì chưa đảm bảo. Hiện các hồ chứa nước phục vụ nước cho vụ đông xuân đang ở mức thấp.

Theo Cục Thủy lợi, các hồ chứa ở Bắc Bộ chỉ đạt 57% so với mức thiết kế. Tương tự, các hồ chứa ở Bắc Trung Bộ chỉ đạt 67%, Tây Nguyên 57%, đặc biệt là Đông Nam Bộ chỉ đạt 42%.

Đối với các hồ chứa thủy điện ở miền Bắc, như Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, khả năng xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng đang gặp khó do phải gánh phần phát điện.

Hiện hồ Hòa bình, dung tích có thể khai thác cho nông nghiệp là 4,1 tỷ m3, Thác Bà 450 triệu m3, và Tuyên Quang 320 triệu m3.

Cũng trong tình cảnh tương tự là hệ thống các hồ chứa thủy điện miền Trung và Tây Nguyên.

Ông Đào Duy Hiển, Trưởng phòng Tưới tiêu (Vụ Quản lý Công trình Thủy lợi - Tổng cục Thủy lợi) cho biết, sau các cơn bão số 9, 11 năm ngoái, nhiều hồ chứa ở khu vực này phải xả gần hết.

Chẳng hạn hồ Bình Điền (Thừa Thiên - Huế), Đơn Dương (Lâm Đồng), nước đang ở mức rất thấp, trong khi vùng hạ du những con sông khu vực này đang rất cần nước cho sản xuất và sinh hoạt.  

MỚI - NÓNG