Trình dược viên: Tay trái... hái ra tiền

Trình dược viên: Tay trái... hái ra tiền
TP - Mặc dù thiếu hụt dược sĩ trầm trọng ở các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, nhưng hàng trăm dược sĩ ra trường mỗi năm vẫn bám trụ lại thành phố theo nghề trình dược viên (TDV) với hy vọng nhanh chóng đổi đời.
Trình dược viên: Tay trái... hái ra tiền ảnh 1

Tốt nghiệp ĐH ngành Dược tại TPHCM năm 2009, giờ Nguyễn Thị Hoa, 23 tuổi ở Huế đã trở thành một TDV cừ khi một lúc làm TDV cho 2 công ty dược của Việt Nam.

“Mỗi chóp em kiếm được hơn 3 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các khoản ăn chia khác từ doanh thu và từ hàng mẫu, khuyến mãi” - Hoa nói.

Theo Hoa TDV chỉ là nghề tay trái, bởi thực sự không sinh viên nào học về nghề giới thiệu thuốc khi ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, lương cao lại làm việc nhàn hạ nên sau khi ra trường gần như sinh viên đều nộp đơn đi làm TDV.

Nhiều công ty dược ở TPHCM rao tuyển dụng các dược sĩ sơ cấp, trung cấp… với chức danh TDV và quản lý trình dược với mức lương 5 - 10 triệu đồng/tháng, chưa kể thưởng về doanh thu.

Ngọc Anh làm cho một công ty dược của Ấn Độ có văn phòng tại Việt Nam cho biết, do nhu cầu cần TDV tăng cao nên tháng nào công ty cũng tuyển dụng. “Không chỉ dược sĩ ở TPHCM nộp đơn đăng ký mà các dược sĩ ở nhiều tỉnh khác cũng ùn ùn kéo về xin việc” - Anh nói.

Sức hút của nghề này mãnh liệt đến nỗi không chỉ dược sĩ từ đại học đến trung cấp và dược tá đổ xô đi làm, mà ngay cả bác sĩ cũng muốn chạy đà từ nghề TDV để mau chóng kiếm tiền bù đắp lại 6 năm ăn học tốn kém.

Trình dược viên: Tay trái... hái ra tiền ảnh 2
Dược sĩ làm nghề trình dược viên là một sự lãng phí - Ảnh: Lê Nguyễn

Nhiều bác sĩ cho biết, nghề TDV dễ kiếm tiền, lại làm được hai ba công ty nên “hy sinh” một thời gian nhằm kiếm tiền để học tiếp lên chuyên khoa.

Không chỉ bác sĩ, ngay cả sinh viên dược còn ngồi trên ghế giảng đường cũng đổ xô đi làm TDV bán thời gian để trang trải cuộc sống.

Thanh H., sinh viên năm thứ 4 khoa Dược cho biết: “Mặc dù mới học năm thứ 4 nhưng tụi em cũng được các công ty dược mời chào làm việc bán thời gian, mỗi tháng cũng kiếm được từ 2-3 triệu đồng”.

Công việc theo các TDV kể lại thì chủ yếu gặp bác sĩ để gửi tờ rơi, tặng quà hoặc hàng mẫu...để bác sĩ nhớ thuốc của công ty mình. 

Nơi thừa, nơi bói không ra

Trong khi các bệnh viện, xí nghiệp dược liệu, nhà thuốc và vùng xa... thiếu dược sĩ thì 70% dược sĩ ra trường bám lại các thành phố lớn, chủ yếu để làm TDV. Tréo ngoe hơn, các dược sĩ được đào tạo đa khoa, chỗ đứng của dược sĩ lâm sàng là trong các khoa dược của bệnh viện, nay lại chuyển sang TDV.

Theo các chuyên gia, dược sĩ lâm sàng có vai trò rất lớn trong việc thiết lập mối quan hệ điều trị bằng thuốc giữa bác sĩ -điều dưỡng và bệnh nhân, đồng thời, tư vấn cho bệnh nhân khi xuất viện cách thức dùng thuốc. Đây cũng là người giúp bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp với bệnh nhân.

Tuy nhiên, dược sĩ Nguyễn Thị Ánh, đang nghiên cứu ở một xí nghiệp dược tại TPHCM - cho biết: “Mặc dù được đào tạo bài bản nhưng, một phần sức hút của nghề TDV với mức lương hấp dẫn khiến dược sĩ nhảy sang lĩnh vực này, một phần vào xin việc ở các bệnh viện, đi về bệnh viện tuyến tỉnh, huyện... nhiều khi khiến họ dễ nản lòng”.

Trong khi đó, GS - TS Lê Quan Nghiệm - Phó Hiệu trưởng kiêm trưởng khoa Dược - ĐH Y dược TPHCM cho biết, ngành dược đang bùng nổ, tuy nhiên đội ngũ dược sĩ trong nhà nước ngày càng teo đi, thay vào đó dược sĩ đang chuyển sang lĩnh vực kinh doanh.

GS Nghiệm cho rằng việc đổ xô sang lĩnh vực TDV  là một sự lãng phí lớn của ngành dược hiện nay, vì đây không phải là lĩnh vực phát triển bền vững mà chỉ đáp ứng nhu cầu kinh tế cá nhân. 

1/15... bao giờ?

1 dược sĩ/15 giường bệnh theo quy định của Bộ Y tế, cho đến nay vẫn là ước mơ bởi ngoài việc nguồn đào tạo thiếu thì một bộ phận lớn dược sĩ ra trường vẫn chưa được thu hút vào các bệnh viện.

Lấy ví dụ năm học 2005 - 2006 tại Khoa Dược - Trường ĐH Y Dược TPHCM trong 180 sinh viên ra trường có đến 70% ở lại thành phố làm trình dược viên cho các công ty dược trong và ngoài nước.

Trong năm 2009 nơi đây cũng có khoảng 500 sinh viên ngành dược ra trường, tuy nhiên một số ít được tuyển dụng về các xí nghiệp, bệnh viện và tuyến tỉnh, huyện.

Trong khi đó, Bộ Y tế thừa nhận, 73% đơn thuốc của bệnh nhân không được kiểm soát chất lượng vì dược sĩ có trình độ trong các bệnh viện đang thiếu trầm trọng.

Theo Bộ Y tế, thời điểm này, Việt Nam mới chỉ đạt 1,5 dược sĩ/10.000 dân. 52% dược sĩ tập trung tại hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội. Kết quả thống kê tại 245 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh của Cục khám chữa bệnh, với gần 52.000 giường bệnh chỉ có gần 470 dược sĩ.

Điều này cho thấy chỉ 0,009 dược sĩ/giường bệnh, trong khi tỷ lệ theo quy định là 1/15. Vậy mà tại nhiều địa phương thiếu dược sĩ vẫn chưa có chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút. Đó là chưa kể, các tỉnh vẫn chưa có chính sách đào tạo dược sĩ.

Hy vọng cả nước có hơn 10.000 dược sĩ và 2 dược sĩ/10.000 dân vào năm năm 2015 của Bộ Y tế có trở thành hiện thực hay không phụ thuộc một phần vào chính sách thu hút trình dược viên đang bị lãng phí ở các công ty dược.

Làm rõ chiến dịch khuyến mãi giá thuốc của Cty MSD

Chiều qua Thanh tra Bộ Y tế cho biết đang làm rõ chiến dịch khuyến mãi đối với thuốc Peg-Intron 50 và 80 mcg của Công ty Merck Shrp& Dohome (MSD).

Theo giải trình của MSD, mức tỷ lệ khuyến mãi trên giá thuốc Cty dành cho thuốc Peg-Intron từ 5-15%. Tuy nhiên việc khuyến mãi này được thực hiện đối với bệnh nhân, bác sĩ kê đơn hay người bán thuốc thì đang được cơ quan chức năng làm rõ.

Ngoài ra việc chi khuyến mãi bằng thuốc hay tiền mặt cũng chưa được làm sáng tỏ.   

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.