Biến di tích thành của riêng, thích chi làm nấy

Biến di tích thành của riêng, thích chi làm nấy
TP - Một di tích lịch sử cấp quốc gia ở Quảng Bình đã được chính quyền địa phương cho một cá nhân thuê làm bến bãi kinh doanh cát sạn. Việc làm này đẩy một di tích thành nơi hoang phế.

Bến phà Gianh nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, được người Pháp xây dựng năm 1886, nối hai bờ sông Gianh, thuộc địa phận huyện Quảng Trạch và Bố Trạch, Quảng Bình. Sau một thời gian ngừng hoạt động vì chiến tranh, đến năm 1954, bến phà này được khôi phục.

Trong chiến tranh chống Mỹ, thành tích chung của quân và dân Quảng Bình có sự cống hiến xuất sắc của cán bộ, chiến sỹ bến phà Gianh trên mặt trận đảm bảo giao thông. Nhiều gương hy sinh anh dũng, nhiều hành động dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ bến phà Gianh đã thành huyền thoại. 

Năm 1998, cùng với việc hoàn thành chiếc cầu theo công nghệ đúc hẫng đầu tiên của Việt Nam bắc qua sông Gianh thì bến phà Gianh cũng được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận di tich lịch sử cấp quốc gia.

Ý nghĩa là vậy, nhưng di tích bến phà Gianh lại không được ngành chức năng và chính quyền đầu tư tôn tạo. Hai bến Bắc và Nam, duy nhất chỉ có hai tấm bia nhỏ xíu nằm lạc lõng, ghi lại lịch sử hình thành và quyết định công nhận di tích lịch sử quốc gia của Bộ Văn hóa Thông tin.

Không chỉ thế, năm 2005, bến phà Gianh phía Nam, thuộc xã Hạ Trạch (Bố Trạch) lại bị lãnh đạo xã này cho một cá nhân thuê để làm bến bãi kinh doanh cát sạn.

Di tích bị người thuê xây dựng nhà ở, công trình ngay trong khuôn viên di tích để kinh doanh. Thậm chí, người ta làm chuồng bò ngay sát tấm bia di tích, khiến tấm bia này bị che khuất, lọt thỏm sau những lùm cây dại um tùm.

Đặc biệt, người thuê còn khoanh vùng, o bế không cho người vào di tích. Những ai đi đường bộ bằng ôtô, hay bằng thuyền muốn cập bến vào thăm di tích đều phải nộp một khoản lệ phí từ 10.000 đến 20.000 đồng.

Người canh giữ ở đây cho rằng: “Chúng tôi bỏ tiền thuê thì chúng tôi có quyền sở hữu, ai muốn vào thì phải bỏ tiền ra”.

“Ai lấy lại phải bước qua xác tôi”

Đưa những gì mắt thấy, tai nghe, chúng tôi tìm gặp lãnh đạo địa phương. Ông Lưu Văn Tác - Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch cho biết: Năm 2005, xã thấy bến phà bỏ không, hoang phế nên đã cho ông Nguyễn Văn Diếp (người trong xã) thuê để kinh doanh cát sạn. Thời gian thuê là 5 năm, với số tiền 50 triệu đồng.

Vừa rồi, Cục Hải quan Quảng Bình có đầu tư xây dựng trụ sở và cảng tàu cho đội chống buôn lậu cũng phải nộp cho ông Diếp 10 triệu đồng. Số tiền này được ông Diếp nộp cho xã để xin gia hạn thêm 1 năm nữa.

Ông Tác lí giải: “Người ta bỏ tiền ra thuê và chưa hết hạn, nên họ có quyền quản lí và sử dụng. Ai muốn làm gì trong khuôn viên cho thuê thì phải qua ông Diếp. Chúng tôi không thể can thiệp được, đó là quyền của họ”.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, bến phà Gianh là di tích lịch sử cấp quốc gia, việc xã cho cá nhân thuê mặt bằng để sử dụng kinh doanh và thu phí là vi phạm luật di sản. Ông Tác tỏ ra hồn nhiên: “Tôi không hề biết đó là di tích lịch sử quốc gia. Việc cho thuê là để tăng nguồn thu cho xã và chúng tôi có bàn bạc trong tập thể hẳn hoi.

Mới đây, khi ông Diếp xin gia hạn thêm 1 năm, chúng tôi đồng ý và có cả phê duyệt của ông Gòn, Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch”.

Bà Tần Thị Lí - Trưởng ban Quản lí Di tích, Danh thắng Quảng Bình khẳng định: “Không thể nói chính quyền xã không biết bến phà Gianh là di tích lịch sử cấp quốc gia được. Hồ sơ về khu di tích này chúng tôi đã chuyển cho UBND xã Hạ Trạch để họ có trách nhiệm quản lí bảo vệ.

Tôi không hề biết xã cho thuê di tích lịch sử bến phà Gianh. Việc làm này vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lí những người vi phạm”.

Trong lúc đó, ông Diếp vẫn nhất mực cho rằng, bến phà Gianh thuộc quyền sở hữu của mình  và cương quyết ngăn cản những ai không theo quy định của riêng ông. “Tôi thách ai bước qua cổng mà không có sự cho phép của tôi. Ai đến đây lấy lại bến bãi thì phải bước qua xác tôi” - ông Diếp khẳng định.

MỚI - NÓNG