Hoạt động công chứng tư: Chưa mừng đã lo

Hoạt động công chứng tư: Chưa mừng đã lo
TP - Những dấu hiệu sai phạm liên quan đến Văn phòng công chứng (VPCC) Việt Tín - Hà Nội chính là tiếng chuông báo động về chất lượng dịch vụ và những nguy cơ tiềm ẩn đối với hoạt động công chứng tư.

Từ khi Luật Công chứng có hiệu lực (1-7-2007), áp lực quá tải ở các Phòng công chứng Nhà nước đã giảm đáng kể. Đầu tiên, UBND các cấp đảm nhận chứng thực bản sao. Tiếp đến, các VPCC tư ồ ạt ra đời, san sẻ công việc của các phòng công chứng Nhà nước.

Đến cuối năm 2009, số tổ chức hành nghề công chứng trong cả nước đã tăng gấp đôi so với trước khi Luật Công chứng có hiệu lực. Cụ thể, từ năm 1992 đến giữa năm 2007, cả nước mới có 120 phòng công chứng, nhưng đến nay con số này là 254, trong đó có 131 phòng công chứng Nhà nước và 123 VPCC tư.

Theo ông Phạm Thanh Cao - Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp Hà Nội), hiện tại Thủ đô có 42 VPCC tư và 9 Phòng công chứng Nhà nước. Nếu trước kia, cảnh hàng trăm người xếp hàng rồng rắn chờ đợi mỏi mệt ở các phòng công chứng là chuyện thường ngày, thì nay, khách hàng đến với các VPCC tư ở Thủ đô đã được trả về đúng vị trí thượng đế.

Ở hầu hết các VPCC như Hồ Gươm, Hà Nội, Vạn Xuân... thay vì xếp hàng nóng nực, chật chội, để rồi đối mặt với thái độ lạnh lùng của các nhân viên công chứng Nhà nước, ở các VPCC tư, thượng đế được chào đón từ bãi gửi xe. Nếu khách đông, trong khi chờ đợi đến lượt mình, các thượng đế được cà phê miễn phí, có điều hòa mát, có báo đọc...

Lộ rõ sự hài lòng, anh Nguyễn Thái Hưng - một chuyên viên chuyên tham gia thực hiện các dự án lớn của Bộ NN&PTNT phát biểu: “Do đặc thù công việc, tôi thường xuyên phải công chứng các giấy tờ, tài liệu. Công việc này choán khá nhiều thời gian. Nhưng từ khi có các VPCC tư, thời gian chờ của tôi giảm đi đáng kể, qua đó có thể tập trung hơn cho các chuyên môn khác”.

Bên cạnh những cái tích cực đó, trong hoạt động của một vài phòng công chứng tư cũng có những dấu hiệu đáng báo động.

Dễ mắc sai phạm

Liên quan những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng của VPCC Việt Tín, ngày 20-4, bà Nguyễn Hồng H. (ở Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) đã đem bộ hồ sơ mua bán nhà đất đến Văn phòng luật sư P.H.H. (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhờ tư vấn bảo vệ quyền lợi đang có nguy cơ bị xâm hại.

Cần có hệ thống tra cứu thông tin nội bộ

Khách hàng cần tự tìm hiểu kỹ về tài sản mua bán hoặc chuyển nhượng và các giấy tờ liên quan đến tài sản đó là có thật hay không, không nên ỷ lại hết vào các Phòng hoặc VPCC.

Các tổ chức hành nghề công chứng nên sớm có hệ thống tra cứu thông tin dữ liệu nội bộ để có thể kiểm soát, cập nhật và tra cứu được thông tin tốt nhất để hạn chế tối đa rủi ro cho người dân khi giao dịch thông qua công chứng.

Thạc sỹ luật học Phạm Đức Giang, Giám đốc Cty luật BMC - Hà Nội)

Theo bà H., hợp đồng mua bán nhà đất của bà, tuy có dấu công chứng, song dễ là giả mạo. Qua tìm hiểu, các luật sư nhận thấy, quá trình công chứng giấy ủy quyền mua bán nhà đất tại VPCC Việt Tín, công chứng viên không yêu cầu người ủy quyền có mặt để cùng ký giấy ủy quyền với người được ủy quyền, thậm chí có dấu hiệu không xem giấy tờ gốc nhưng vẫn chứng thực bản phô tô (vi phạm nghiêm trọng các quy định tại Điều 2 và Điều 35 Luật Công chứng).

Các luật sư đề nghị bà H. gửi bộ hồ sơ này đi giám định, nếu phát hiện hành vi lừa đảo, cần tố cáo đến cơ quan chức năng.

Cũng tại văn phòng luật sư trên, một khách hàng tên Lan ở Lò Đúc (Hà Nội) đã cung cấp một bộ hồ sơ liên quan hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cũng có dấu hiệu lừa đảo, nhưng cách thức tinh vi hơn. Chị Lan mang đến chiếc “sổ đỏ” mới coóng, với đầy đủ con dấu, chữ ký tươi, nhưng sổ có mà đất thì... không.

“Sổ đỏ” của chị Lan có phần nội dung chuyển tên sử dụng từ chủ ban đầu cho một người tên Linh, từ đó chị Linh bán tiếp cho chị Lan. Phần nội dung chuyển đổi từ chủ cũ sang cho chị Linh được đóng dấu của UBND quận H., rồi còn được đóng dấu công chứng tại VPCC Việt Tín.

Do tin tưởng con dấu của VPCC, chị Lan đã chuyển hơn 5 tỷ đồng cho Linh để nhận tấm “sổ đỏ”, để rồi mới biết Linh không phải là chủ nhân miếng đất.

Theo các luật sư Văn phòng Luật sư P.H.H., con dấu của UBND quận H. trong hồ sơ của chị Lan được làm giả rất tinh vi (nhờ những tín hiệu đặc biệt nên các luật sư tuy chưa giám định cũng có thể nhận ra). Trường hợp này, rất có thể VPCC đã không phát hiện ra sự giả mạo đó.

“Hãy cẩn thận hơn nữa”

Bàn về thẩm định hồ sơ trong hoạt động công chứng, ông Nguyễn Bá Dũng, VPCC Hồ Gươm phát biểu: “Bằng nghiệp vụ riêng, chúng tôi phát hiện nhiều trường hợp người yêu cầu công chứng cung cấp hồ sơ có dấu hiệu giả mạo con dấu, chữ ký. Có trường hợp nhìn là phát hiện ra ngay, song cũng có nhiều trường hợp giả mạo tinh vi, rất khó phát hiện”.

Ông Trần Ngọc Nga - Trưởng phòng Công chứng số 1 Hà Nội - phân tích: “Phần lớn các VPCC đều được thành lập dưới dạng một công chứng viên. Với số lượng hàng trăm giao dịch mỗi ngày, họ đều phải đưa ra kết luận cuối cùng về mỗi giao dịch, nên khó tránh khỏi thiếu sót.

Hơn nữa, tình trạng “co kéo” khách giữa các VPCC tư đang khá nóng bỏng, các văn phòng đua nhau đưa ra nhiều điều kiện ưu ái để hút khách, từ đó rất dễ làm sai, làm thiếu”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.