“Thanh niên đừng để khó khăn làm gục ngã”

“Thanh niên đừng để khó khăn làm gục ngã”
TPO - “Thanh niên đừng để khó khăn làm gục ngã” - Anh Lê Văn Hảo, Giám đốc Ngân hàng Xã hội quận Bình Thị, TP Cần Thơ, nói, khi tham dự Diễn đàn: “Thanh niên lập thân, lập nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế” được tổ chiều 26 - 4, tại Hà Nội.

>> Đại hội của sức trẻ vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh

Nghĩ, làm khác

Chiều nay, 180 đại biểu tham dự Diễn đàn: “Thanh niên lập thân, lập nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế” Rất nhiều ý kiến được đưa ra, phân tích, nhằm giúp Hội Thanh niên hoạt động hiệu quả hơn trong việc giúp đỡ các bạn trẻ vượt khó khăn, đạt thành công khi làm kinh tế.

Là người xuất thân từ gia đình nông dân, tự vươn lên bằng trí tuệ và nghị lực của mình, với Lê Văn Hảo, “thanh niên phái biết nghĩ khác, làm khác” mới đạt được thành công.

Còn Phó Giám đốc Công ty TNHH Đăng Trường - Trương Thị Thanh Trúc - tâm sự: “Hồi bắt đầu lập nghiệp, mở tiệm bánh, nhiều hôm tới 1 giờ đêm, tôi và chồng mới về đến nhà”.

Trước đó, chị là nhân viên văn phòng, làm việc nhàn hạ. Nhưng khi quyết tâm chuyển sang kinh doanh, chị phải vất vả, lo nghĩ rất nhiều: từ cái chén, cái bát cho đến phong cách phục vụ khách hàng, rồi còn quay vòng đồng vốn ít ỏi…

“Thanh niên đừng để khó khăn làm gục ngã” ảnh 1Không có môi trường nào là hoàn toàn bình đẳng, nên các bạn trẻ đừng đòi hỏi nhiều mà hãy cố gắng, chịu khó trải nghiệm với cuộc sống“Thanh niên đừng để khó khăn làm gục ngã” ảnh 2 - anh Trần Vũ Thành, TGĐ Công ty Cavico Việt Nam

”Nhiều bạn trẻ ra trường bây đã muốn làm trưởng phòng, giám đốc mà không muốn lao vào khó khăn” - chị Trúc ví - “phải tôi rèn trong gian khổ, như vàng chịu lửa ấy!”

Thanh niên là công nhân, nông dân còn nhiều khó khăn

Hiện, nước ta vẫn còn hơn 70% dân số sống ở nông thôn, nên lực lượng thanh niên ở khu vực này rất đông. Nhưng theo anh Nguyễn Cao Cường, đại biểu tỉnh Đồng Nai, họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng (vì phải có thế chấp) và tiếp thu kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.

“Vấn đề này còn liên quan đến an ninh lương thực và ổn định xã hội” - anh Cường cảnh báo những hậu quả nếu chúng ta không quan tâm đầu tư, giáo dục những người trẻ ở nông thôn.

“Thanh niên đừng để khó khăn làm gục ngã” ảnh 3
Đại biểu đóng góp ý kiến cho Hội Thanh niên. Ảnh: HT

Cũng nhấn mạnh đến việc giáo dục, đào tạo, một đại biểu của tập đoàn Prime lại đề cập đến vấn đề của các thanh niên là công nhân. Ở nhiều nơi, họ rất thiếu thốn về mọi thứ: thiếu nhà ở, đời sống tinh thần nghèo nàn, không có cơ hội học lên cao vì phải đi làm…

”Cần xây dựng thêm nhiều các khu chung cư cho công nhân thuê. Cũng nên có một giải thưởng về cải tiến, sáng tạo công nghệ cho công nhân trẻ để khuyến khích họ học tập, thực hành” - đại biểu này đề xuất.

Muốn học giỏi phải có đam mê

Đó là một trong những chủ đề được đề cập trong buổi thảo luận "Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập, làm chủ khoa học công nghệ", cũng diễn ra chiều nay, tại Hội trường tầng 9, 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Trao đổi bên lề Diễn đàn với phóng viên Tiền Phong, anh Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty gạch Đồng Tâm, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ, phó Chủ tịch Hội Thanh niên chia sẻ: “Những doanh nhân như mình phải làm việc mọi lúc, mọi nơi, nhiều khi cô đơn, chẳng có ai chia sẻ”.

Anh đúc kết: “Muốn làm lãnh đạo phải biết hy sinh. Và điều quan trọng là phải có cái Tâm trong sáng”.

Đây là một trong 8 chủ đề thảo luận nằm trong khuôn khổ Đại hội lần VI của Hội LHTN toàn quốc lần thứ VI diễn ra tại trung tâm thảo luận số 2.

Anh Nguyễn Việt Hùng (Đoàn Vũng Tàu) và chị Lê Ngọc Hồng (Đoàn Hội tri thức Khoa học Công nghệ trẻ) cùng đưa ra vấn đề: Tại nhiệm kỳ trước, Hội Liên hiệp Thanh niên đưa ra cuộc vận động Thanh niên đi đầu trong xã hội học tập, tại sao Hội Thanh niên lại không tiếp tục cuộc vận động đó?

Tô Thị Tuyết (Đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chúng ta bàn nhiều tới sinh viên, nhưng sinh viên chỉ là một bộ phận trong thanh niên còn thực trạng thanh niên tại các địa phương có được quan tâm đầy đủ không?

Nếu thanh niên không được học chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Ngay cả các công nhân nếu làm việc trong các khu công nghiệp lớn mà không học sẽ không đáp ứng được công việc.

Theo Võ Lý Thiện Nhân (Học sinh lớp 12, đoàn Bình Thuận), mặc dù phát động các phong trào học tập trong thanh niên nhưng hiện nay những trang web của Đoàn, Hội chưa có góc học tập cho các bạn. Ngay trong các phong trào học tập, dấu ấn của Hội cũng chưa thực sự ấn tượng. Vì vậy, cần tạo thêm sân chơi  học tập cho học sinh, sinh viên, thanh niên.

Còn Nguyễn Hữu Việt (đoàn Hà Nội) nêu ý kiến, thanh niên ngày nay không ham học vì có thể chưa tìm được đam mê, và lựa chọn sự nghiệp để cống hiến cả đời chứ không phải học chạy theo phong trào, theo xu hướng.

Trước thực trạng nhiều sinh viên vào được đại học thì... không học nữa, không còn khát vọng học tập, Đại học Hàng Hải đã tổ chức hội nghị chưa từng có tiền lệ: Hội nghị giành cho Sinh viên Yếu kém. Thông qua Hội nghị lại thấy sinh viên đổ lỗi cho yếu tố khách quan như: tại Kí túc xá không có ai học nên em không học, do môi trường quanh nhà trường không có ai muốn học...

Nghiên cứu khoa học vẫn còn vì thành tích

Nguyễn Thị Hoài Thương (Đoàn Hà Nội) đặt vấn đề việc nghiên cứu khoa học của sinh hiện nay là do yêu thích, khám phá kiến thức mới, hay để có thêm giải thưởng, thêm chứng chỉ, bằng khen?

Thanh niên ngày nay có vẻ bỏ quên Khoa học Xã hội và đầu tư vào Khoa học công nghệ nhiều hơn, vậy có phải là phát triển lệch không? Vai trò của các hội đoàn ở đâu trong vấn đề học tập của sinh viên? Chị Lê Ngọc Hồng (Đoàn Hội tri thức Trẻ Việt Nam) đặt câu hỏi.

“Thanh niên đừng để khó khăn làm gục ngã” ảnh 4
Nguyễn Thị Hoài Thương (Đoàn Hà Nội) tại tọa đàm.

Đinh Trần Kim Ngân (Đoàn Trung ương Hội sinh viên) cho rằng: Tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, bộ phận sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học chỉ có 20%. Vấn đề đặt ra là phải làm sao để bộ phận còn lại cũng đam mê nghiên cứu khoa học. 

Việc tạo ra đam mê học tập và nghiên cứu cũng cần được bắt đầu từ các bậc học tiểu học, trung học rồi lên tới đại học chứ không phải chỉ ở bậc đại học, như vậy thanh niên có thời gian thích nghi và rèn luyện tốt hơn - Đinh Trần Kim Ngân chia sẻ thêm. 

Đối với vấn đề nghiên cứu khoa học, anh Bùi Thế Duy (Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam) cho rằng: Vấn đề phải đặt thực chất của việc Nghiên cứu khoa học, cần phải đặt khoa học Việt Nam trong bối cảnh khu vực và quốc tế, để thấy ta ở đâu và nỗ lực vươn lên.

Ngoài ra, việc nghiên cứu học tập cũng cần quan tâm nhiều hơn tới những bộ phận "không thích học" chứ không chỉ đào sâu vào những người nhiệt huyết. Ở trong phong trào mạnh mới có thể có cá nhân mạnh.

Xem Video Clip

MỚI - NÓNG