'Nhậu' rừng

'Nhậu' rừng
TP - Rừng nguyên sinh thuộc huyện miền núi A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang cạn kiệt thú rừng. Hàng chục loài động vật quý hiếm dần theo các đầu nậu về thành phố Huế, sang các tỉnh lân cận miền Trung để lên bàn nhậu…

Trời nhập nhoạng. Chiếc xe Dream cũ mèm rú ga, trượt dài xuống con dốc rồi mất hút vào những tán cây rừng. “Làm cái nghề ni cực lắm. Bỏ mạng như chơi” - một người bẫy thú cho biết. Phía xa xa, hàng chục chiếc xe máy “vụt” đến các địa điểm bẫy thú. Những thôn bản nằm khuất sau triền núi lâu nay vẫn tấp nập những đoàn người đi săn như thế.

Theo hẹn từ trước, tôi tìm đến nhà Blúp Ng., (người dân tộc Tà Ôi) thôn A Min, xã A Roàng, huyện A Lưới để cùng vào rừng đi bẫy thú.

Ở thôn nghèo dưới chân núi này, Blúp Ng. là người đi săn có kinh nghiệm nhất bởi từ khi lên 10, Blúp Ng. đã theo cha vào rừng đặt bẫy săn thú. Từ đó đến nay cũng ngót bốn mươi mùa lúa rẫy.

4 giờ sáng nhà Blúp Ng. đã đỏ lửa. Ăn vội lưng cơm lót dạ, Ng. gói cơm vào túi nilon rồi tức tốc lên đường. Ng. giải thích: “Vào trong rừng sâu chưa chắc trưa đã về kịp nên gói cơm đi luôn cho tiện. Còn nếu đi hai đến ba ngày thì phải gùi gạo nấu ăn”.

Sau những tiếng hú gọi nhau, cả nhóm 5 người đã tập trung đầy đủ. Đồ nghề của những thợ săn này là dao quắm - dây cáp, dây phanh để đặt bẫy thú.

Thợ săn ở những khu bẫy gần thường đi bộ, dùng dao quắm băng rừng, còn những thợ bẫy ở các vùng xa như khu hầm 1, hầm 2 (giáp huyện Tây Giang của tỉnh Quảng Nam) thì phải đi bằng xe máy.

Nói là gần nhưng để đến được các khu rừng đã có bẫy đặt trước cũng phải gùi đồ băng rừng từ 30 - 40 cây số. “Vào càng sâu thì bắt được thú càng lớn” - một thợ săn nói.

Những con dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo. Đi rừng phải lần theo các lối mòn, bám gốc, thân cây để xuống và lên dốc. Cứ thế, những tay chuyên đi rừng luồn lách qua từng bụi gai, khe suối, tán cây rừng. Chỉ cần sơ ý là bị gai rừng châm, trượt chân ngã nhào, nhưng với họ đó là chuyện thường.

'Nhậu' rừng ảnh 1
Để vào được các khu bẫy phải băng qua những khu rừng dốc đứng, ngoằn ngoèo

Sau gần 3 tiếng băng rừng, nhóm tìm đến khu vực đã đặt bẫy trước. Blúp Ng. phân công từng tốp hai người lần theo những đường đặt bẫy. Nửa giờ sau, cả nhóm tập trung lại chỗ cũ, mặt ai cũng buồn.

“Mấy ngày nay không vào thăm bẫy, vậy mà cũng chẳng được con nào!” - A Viết Đ., một thành viên trong nhóm nói - “Ngày trước thú nhiều lắm, nhiều khi dùng quắm rượt theo cũng có thể chém được con heo rừng cả mấy chục ký. Nhưng săn nhiều rồi thú cũng ít dần”.

Chưa bắt được thú, nhóm quyết định dựng tạm một cái lán bên suối nấu cơm ăn, chiều tiếp tục đặt bẫy. Bữa cơm của họ chỉ có cơm trắng mang sẵn, một chút muối trộn ớt còn lại là măng rừng, đọt mây, ốc nướng. Họ dùng “đũa năm ngón” ăn ngon lành.

Nghề bẫy

Mùa đông với dân bản địa ở đây là mùa bẫy thú chính. Thú rừng phải trú đông, ngày nào gặp may mỗi nhóm có thể bẫy được hàng chục con đủ loại.

Các thợ săn ở đây cũng ngầm quy định với nhau: Khu vực bẫy của ai thì thuộc quyền quản lý của người đó, nhóm khác tuyệt đối không được xâm phạm. Nhiều khi thú rừng mắc bẫy, chủ không lên kịp, những nhóm khác cũng đành để con thú chết thối.

Dẫn tôi đi men theo đường bẫy, Blúp Ng. tỉ mỉ hướng dẫn cách đặt bẫy. Đôi tay vạm vỡ nâng mạnh khúc gỗ, tay còn lại khéo léo đặt bẫy. Phải căng hết cơ bắp, gân cổ, mồ hôi nhễ nhại Blúp Ng. mới đặt xong được chiếc bẫy.

'Nhậu' rừng ảnh 2
Một thợ săn đang tỉ mỉ đặt bẫy

Để cho chắc, Ng. dùng một chiếc que nhỏ đụng vào chiếc lẫy. Rầm…! bẫy sập, anh mới yên tâm và bắt đầu đặt lại bẫy như cũ.

Anh cho biết, các thợ bẫy thường làm bẫy côn và bẫy sập. Người dân ở đây thường làm bẫy bằng cách đốn gỗ tại rừng, đào đất cắm bẫy, công việc còn lại là đặt lẫy cho khéo để con thú đi ngang qua dễ mắc phải.

Theo các thợ săn, chỉ có người Kinh từ Quảng Bình, Quảng Trị vào đặt bẫy là bắt được nhiều thú nhất bởi họ có nhiều cách dễ dụ thú vào bẫy mà ít khi bí quyết đó được truyền lại cho người khác.

Băng rừng bẫy thú, hiểm nguy luôn chực chờ thợ săn. Sốt rét , bị rắn cắn, gai độc đâm… với họ như cơm bữa. Vừa qua, ông Quỳnh T., thôn A Min bẫy được một con gấu chừng 30 kg, trên đường gùi thú về, không cẩn thận bị gấu xổ ra tát rách vai, mặt,… máu tứa ra. Kết quả ông Quỳnh T. đành phải giết chết con thú, mang về bán với giá gấu chết. Còn ông sốt liên miên cả tuần trời.

Nỗi niềm thợ săn

Ở xã A Roàng, thú săn về được bán cho một người tên Hùng. Nhưng do hay bị ép giá nên những người có xe máy không bán cho Hùng mà chở xe ra thị trấn bán cho các đại lý.

Tuy nhiên không ít người cũng e ngại bởi ra Bốt Đỏ hay thị trấn đều phải đi qua trạm kiểm lâm. Người đi săn ở các xã A Đớt, Nhâm, Hương Lâm… cũng chủ yếu bán cho các “cò” bởi thà được ít tiền còn hơn bị kiểm lâm bắt.

Giá mỗi con thú mà các thợ săn bán cho “cò” cũng tùy theo loại và trọng lượng con thú. Thường thì heo rừng có giá từ 80 ngàn đồng/kg, nai giá 60 ngàn, chồn hương 600 ngàn, chồn mỡ giá 400 ngàn…

“Ngày trước khi chưa có đại lý thu mua, hầu hết thú được bán cho các đầu mối bên Lào nhưng gần đây, do nhu cầu dưới thành phố tăng, các đại lý tìm đến tận nhà để thu mua nên thú không bán qua biên giới nữa” - một thợ săn tên Doan, thôn A Ka, xã A Roàng cho biết.

Bóng tối bao trùm dần khu rừng già. Bên đống lửa, Hồ T., thôn Ka Nôn, xã Hương Lâm cho biết, nhà có tới 11 đứa con, ruộng nương lại thường mất mùa. Không có tiền, T. lại vào rừng bẫy thú.

'Nhậu' rừng ảnh 3
Vết chân một con nai đi qua để lại

“Đi bẫy bữa được bữa không, tháng trước đứa con gái thứ 5 bị sốt xuất huyết. Đưa nó xuống trạm xá huyện mà chả có một đồng tiền. May bác sỹ thương, tiêm rồi còn cho thuốc, bệnh nó mới khỏi đó” - Hồ T. tâm sự.

Nghỉ học từ khi 12 tuổi, A Viết Đ., thôn A Min, xã A Roàng đã theo cha vào rừng. Đến nay cũng đã hơn mười năm anh sống nhờ nghề bẫy thú, Viết Đ. cho biết, nhà được 3 sào ruộng, đến cuối năm nhà anh đã phải ăn cơm độn sắn.

“Cực lắm mới phải đi làm cái nghề này. Một năm hai vụ lúa, nhà đứa nào nhiều lắm mới được hai sào ruộng, trồng mãi ăn vèo rồi cũng hết, phải ăn sắn, ăn bắp... vào rừng bẫy thú mang về bán kiếm tiền mua muối thôi” - Klum B., 25 tuổi, giọng buồn buồn.

“Tao cũng muốn lấy vợ nhưng giờ không có tiền, ai người ta gả con gái cho. Nên tao vào rừng đi bẫy, mà bẫy hoài rồi cũng chỉ đủ ăn thôi chứ có để dành được chút nào đâu”.

Nhiều thợ săn vẫn biết đi săn thú quý hiếm là vi phạm pháp luật, Nhà nước cấm nhưng khổ nỗi không đi săn thú thì cũng chẳng còn việc gì làm.

“Các đại lý bảo đi săn là phải bắt được gấu, chồn hương, rùa vàng còn sống… người ta mua với giá cao, mới nhanh giàu. Nhưng vào rừng sâu để bẫy thú quý, bỏ mạng như chơi” - Klum B. thật thà nói.

Klum B. còn kể trước đây có mấy người vào rừng bẫy thú, nhìn con thú nằm giẫy giụa khi bị sập bẫy đã không nỡ lòng bắt, sau đó những thợ săn này cũng nghỉ nghề, nghe đâu họ đi vào mãi miền Nam làm ăn.

Quá nửa đêm. Mỗi người tự tìm cho mình một chỗ đánh một giấc đến sáng. Trong câu chuyện của họ thoáng chút lo âu: Khi những con thú nhỏ nhất của khu rừng này cũng dính bẫy rồi được bán cho các đầu nậu thì những người dân gần như cả đời sống dựa vào rừng sẽ ra sao!?

Còn nữa

MỚI - NÓNG