Nữ sinh trường múa, nỗi niềm biết tỏ cùng ai?

Nữ sinh trường múa, nỗi niềm biết tỏ cùng ai?
TP - Đau đớn thực sự về thể xác với hành trình khổ luyện trong nhiều năm, tổn thương về tâm hồn khi phải chịu nhiều điều tiếng mà không biết giãi bày cùng ai, đó là chuyện của những nữ sinh múa, nghề được ví chỉ dành riêng cho tuổi trẻ.

Vũ Hương Giang, sinh viên (SV) K30 trường Cao đẳng (CĐ) Múa Việt Nam, dáng thon nhỏ, chỉ nặng 42 kg. Nhìn Giang thể hiện kết quả sau 7 năm khổ luyện tại lễ tốt nghiệp, ai cũng thán phục bởi những động tác khó trong suốt hơn 1 giờ như xoay mũi chân 32 vòng liên tục.

NSƯT Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng trường CĐ Múa, cho biết: “SV xoay được 16 vòng là đạt chuẩn. Giang khổ luyện lắm mới xoay được thế”.

Lớp múa balê của Giang gần 20 bạn trẻ thay nhau diễn liên tục trước ban giám khảo là thầy cô giáo trong trường và nghệ sĩ nổi tiếng đến từ các đoàn múa, kịch Việt Nam.

Sau hơn một giờ diễn, Giang mệt nhoài. Mẹ cô tranh thủ ngồi bóp chân cho con gái và kể: Trong nhà, bố mẹ không ai theo nghề múa nên Giang tự thân vận động, cắn răng vì những bài tập sưng vù chân.

Muốn học trường múa, thí sinh phải dự tuyển từ khi 10 - 12 tuổi. Theo thầy Quang, đặc thù của ngành múa là phải đào tạo từ khi chân tay các em còn dẻo, càng lớn càng khó thành nghề.

100% SV trường múa phải ở nội trú, tuân theo chế độ ăn uống, tập luyện khắt khe, vừa học văn hóa vừa khổ luyện thân xác.

5h30 sáng, SV tập thể dục, vận động để 7 giờ lên phòng tập balê. SV trung bình mỗi ngày tập từ 3 đến 5 giờ trên lớp và nhiều giờ tự rèn luyện để theo kịp bài học.

Nữ sinh trường múa, nỗi niềm biết tỏ cùng ai? ảnh 1
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Với bài tập khó, tai nạn nghề nghiệp xảy ra thường xuyên. Những động tác khó như xoay mũi chân, xoay người trên không trung..., SV bị sái chân, tụ máu mũi bàn chân là chuyện thường. “Đêm đến, người này bóp dầu, chườm đá cho người kia”, Giang chia sẻ.

Bẫy tình

Ngọc, SV năm thứ 5 làm đội trưởng nhóm múa dân gian, tâm sự: Hồi mới chập chững đi diễn, nhóm được thầy giới thiệu cho một show ở tỉnh lẻ, lại được một số doanh nhân thành đạt cho xe đến đưa đón, tận tình chăm sóc. Phục trang, phụ kiện lỉnh kỉnh, giờ giấc phụ thuộc chương trình nên được xe đưa đón, cả nhóm mừng húm”.

Tuy nhiên, nhóm múa tá hỏa khi trên đường về Hà Nội, Ngọc và Linh, hai thành viên xinh nhất, được các đại gia săn sóc đặc biệt. Trong bữa ăn có hơi men, thậm chí họ còn đưa ra lời đề nghị khiếm nhã. Ngọc thú thật sau này thành nghề, diễn viên múa gặp những lời đề nghị khiếm nhã từ đại gia là không ít.

Năm thứ 4, thứ 5 hầu hết SV trường múa ngày đi học, tối khoác ba lô đi diễn bên ngoài. Những show diễn ở hộp đêm, quán bar, SV múa đối mặt vô số lời chèo kéo của các tay chơi.

Nguyễn Quỳnh Trang, cựu SV trường CĐ Múa, lý giải: “Khi diễn trong quán bar, từ động tác, đến phục trang của diễn viên phải mát mẻ, sexy hơn nơi khác. Có như vậy chương trình mới hút khách”.

Tuy nhiên, không phải SV múa nào cũng có cơ hội diễn trong quán bar, sàn ca nhạc, nơi thường có cát-xê cao hơn và giúp họ nhanh nổi tiếng. Phải là SV múa có nghề, dáng chuẩn, múa bốc lửa, được người giới thiệu mới có cơ hội.

Thu nhập diễn viên múa khá bèo bọt với chỉ trên dưới 200 nghìn đồng cho mỗi đêm diễn. Đó là khoản tiền khó sống trong khi diễn viên phải thuê phục trang, trang điểm.

Khi ngà men say, các tay chơi buông lời chọc ghẹo, à ơi và thậm chí ngã giá với diễn viên múa là chuyện xảy ra nhiều. “Tôi từng chứng kiến thành viên trong nhóm múa của mình ngã lòng theo khách ở quán bar rồi bỏ nghề. Tuy nhiên, mối tình không bền vững. Các bạn đó cũng không quay lại nghề sau nhiều năm tập luyện. Đó là điều mình thấy tiếc nuối”, Trang tâm sự.

Hương Giang làm quen với sàn diễn từ năm thứ 3. Giang kể cũng có không ít lời đề nghị, gạ gẫm, nhưng bạn luôn tỏ rõ thái độ nghiêm túc ngay từ đầu nên tránh được các cám dỗ không thể lường trước.

Điều mà Giang và các bạn tổn thương là bị mang tiếng oan. Việc một số nữ sinh múa cặp kè đại gia gây xôn xao dư luận những năm qua khiến nhiều người nhìn SV trường múa với ánh mắt nghi ngại.    

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.