Xem phim 3D có thể ... đột quỵ

Xem phim 3D có thể ... đột quỵ
TP - Hoa mắt, chóng mặt, cơ co giật, buồn nôn… là những triệu chứng thường gặp khi xem phim 3D, thậm chí đã có trường hợp chết vì xem phim 3D.
Xem phim 3D có thể ... đột quỵ ảnh 1

Theo cảnh báo của các chuyên gia, trẻ em và thanh thiếu niên có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe như động kinh, đột quỵ khi xem các hình ảnh 3D chuyển động ở tốc độ cao.Chính vì vậy, những đối tượng có tiền sử bệnh này được khuyến cáo nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiếp xúc với thể loại hình ảnh 3 chiều này.

Một người Đài Loan chết sau khi xem phim 3D

Phim 3D bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam từ cuối năm 2009 bằng siêu phẩm Avatar. Người xem như bị cuốn hút và những cảnh lạ mắt trong phim, cùng hiệu ứng 3D hoành tráng, tạo cảm giác như họ đang là một phần của bộ phim.

Avatar hoành tráng là vậy nhưng mấy ai biết rằng không giống thể loại phim 2D thông thường, phim 3D có thể gây ra những tác động không tốt cho hệ thần kinh. Anh Kiên, một nhân viên kinh doanh làm việc tại Hà Nội, cho biết anh cùng với con trai 7 tuổi đã đi xem Avatar 3D hồi đầu năm 2010. Sau khi xem, anh cảm thấy hơi căng thẳng và mắt bị mỏi. Trong quá trình xem, anh đã nhiều lần bỏ kính ra nhất là sau khi xem những hình ảnh 3D chuyển động quá nhanh.

Riêng con trai anh Kiên sau khi xem phim về đã kêu nhức đầu. Vì không được nghe nói về các tác động có thể xảy ra đối với hệ thần kinh, mắt… khi xem phim 3D nên anh Kiên đã không hỏi con mình xem có vấn đề gì trong lúc đang xem phim hay không. “Rất may là hiện tượng nhức đầu này không kéo dài và nhanh chóng biến mất sau đó khi cháu nô đùa cùng các bạn” – Anh Kiên cho biết.

Những trường hợp như anh Kiên và con anh tuy không phổ biến nhưng cũng không phải cá biệt. Bởi thực tế, phim 3D có thể gây ra những hậu quả mà người xem không ý thức được. Và cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ khuyến cáo nào từ các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Y tế về vấn đề này.

Trong khi đó, trên thế giới đã ghi trường hợp đầu tiên chết vì xem phim 3D. Tháng 1-2010, một người đàn ông Đài Loan 42 tuổi với tiền sử cao huyết áp đã chết vì đột quỵ bởi quá hứng khởi sau khi xem Avatar 3D.

Theo lời bác sĩ, người đàn ông này cảm thấy mệt mỏi trong khi xem phim, và sau đó được đưa tới bệnh viện. Khi vào phòng cấp cứu, người này bị hôn mê và qua đời 11 ngày sau đó.

Trẻ em, người già, phụ nữ có thai nên tránh

Theo khuyến cáo của bác sĩ, những đối tượng trên nên tránh xem phim hoặc chơi game 3D, nhất là với những hình ảnh 3D chuyển động ở tốc độ cao. Trong các đối tượng này, trẻ em và thanh thiếu niên là đáng lo ngại nhất. Các bậc phụ huynh nên theo dõi và hỏi con mình xem chúng có gặp vấn đề về thần kinh, thị giác và những dấu hiệu bất thường nào khác hay không.

Ngồi trước màn hình 3D quá nhiều cũng khiến cho người xem/chơi mệt mỏi, hao tổn giác quan, khả năng xác định phương hướng yếu đi, căng thẳng thị giác, và làm giảm khả năng phản xạ. Các bác sĩ khuyên rằng người xem/chơi cần có thời gian nghỉ giải lao hợp lý trong khi xem để hạn chế bớt những tác động này. Nếu mắt có dấu hiệu mệt mỏi và khô, bạn nên ngừng xem phim/chơi game 3D cho tới khi nào trở lại trạng thái bình thường thì thôi. Thời gian nghỉ ngơi tối thiểu là phải sau 30 phút kể từ khi có dấu hiệu bất thường.

Ngồi xem TV quá gần trong một thời gian dài cũng có thể khiến cho tầm nhìn của mắt giảm xuống. Khoảng cách xem tốt nhất là cách ít nhất 3 lần chiều cao của màn hình.

Nếu đeo kính 3D xem phim trong một thời gian dài có thể gây đau đầu, hoa mắt chóng mặt, hoặc mệt mỏi. Nếu bạn có triệu chứng này thì nên ngừng xem phim và nghỉ ngơi cho tới khi cảm thấy bình thường thì mới xem phim trở lại.

Các chuyên gia cũng đồng thời khuyến cáo người xem không nên sử dụng kính 3D cho bất cứ mục đích nào ngoài xem phim. Đeo kính 3D cho… oách, hoặc làm kính râm, hoặc đeo để bảo vệ mắt có thể gây hại cho mắt, khiến tầm nhìn bị giảm xuống nhanh chóng.

Đối với một số người, xem phim 3D có thể gây ra hiện tượng mất phương hướng. Chính vì vậy, người dùng được khuyến cao không được đặt TV gần cầu thang, dây điện, ban công, hoặc những vật thể khác có thể gây trượt, va đạp, vỡ hoặc đổ vào người.

Khi xem TV ở chế độ 3D (xem tại nhà), bạn cần đeo kính 3D và bật nút nguồn của kính. Hãy tắt tất cả đèn huỳnh quang, và ngăn không cho ánh sáng chiếu trực tiếp vào TV khi xem phim ở chế độ 3D. Ánh sáng huỳnh quang có thể khiến cho mắt bị giật sau khi xem, và ánh sáng trực tiếp từ mặt trời có thể ảnh hưởng tới hoạt động của kính 3D.

Các dấu hiệu bất thường khi xem và sau khi xem phim 3D có thể bao gồm:

+ Tầm nhìn bị thay đổi;

+ Ể oải:

+ Hoa mắt, chóng mặt;

+ Mắt và cơ có hiện tượng co giật không chủ ý;

+ Có hiện tượng rối loạn:

+ Buồn nôn;

+ Bị chấn động:

+ Bị chuột rút;

+ Mất phương hướng.

MỚI - NÓNG