Kỷ niệm 65 năm chiến thắng Phát xít Đức (9-5-1954 – 9-5-2010):

Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ: 1945 và 2010

Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ: 1945 và 2010
TP - Lễ duyệt binh mừng chiến thắng trên Quảng trường Đỏ đã có lịch sử riêng và tính đặc thù. Trước thềm ngày lễ trọng đại kỷ niệm 65 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại - chúng ta hãy so sánh lễ duyệt binh mừng chiến thắng đầu tiên (26-4-1945) và lễ năm nay (9-5-2010).

>> Không quân Nga tập dượt cho ngày lễ Chiến thắng

Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ: 1945 và 2010 ảnh 1
Stalin trên lễ đài cuộc duyệt binh mừng chiến thắng ngày 24-6-1945. Ảnh dưới là quang cảnh Quảng trường Đỏ khi các khối quân diễu qua. Ảnh tư liệu từ ấn phẩm ảnh đặc biệt về cuộc duyệt binh xuất bản năm 1945.

Năm 1945 duyệt binh như thế nào?

Lễ duyệt binh mừng chiến thắng năm 1945 được Stalin quyết định tổ chức vào ngày 24 tháng 6 năm 1945.

Chỉ huy duyệt binh được giao cho hai nguyên soái Liên Xô - Georgy Zhukov và Konstantin Rokossovsky.

Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ: 1945 và 2010 ảnh 2
Nguyên soái Zhukov và Nguyên soái Rokossovsky chỉ huy cuộc duyệt binh

Các nhân chứng kể lại rằng ban đầu Stalin dự định tự Chủ lễ duyệt binh, nhưng ngay trước ngày 24 tháng 6, ông đã đổi ý: Mặc dù ông biết cưỡi ngựa và cố gắng tập lại kỹ năng cưỡi ngựa, nhưng con ngựa đã không chiều ý ông.

Bộ Tổng Tham mưu được lệnh chuẩn bị cho cuộc duyệt binh. Nhiệm vụ khó khăn, như cho một trận chiến: Phải chọn lựa 40 nghìn quân nhân trong quân đội, có thành tích cao và khẩn trương hành quân cùng vũ khí, khí tài về Matxcơva trước ngày 10 tháng 6.

Ngành đường sắt ngày đêm phải vận chuyển miễn phí các đơn vị quân đội. Nhưng không chỉ phải điều chuyển quân nhân mà còn phải chuẩn bị trang phục. Việc may quân phục được giao cho nhà máy Bolshevichka, còn huy động thêm cả các hiệu may trong thành phố. Vũ khí, khí tài (trang bị quân sự) tập trung tại thao trường ở Kuzminki.

Đã dự liệu cả trường hợp trời mưa: Để ngựa không bị ngã, đường đi còn được rải cát hỗn hợp mùn cưa trộn cát.

Dẫn đầu duyệt binh là trung đoàn hỗn hợp trống - học viên trường Suvorov, tiếp theo là các trung đoàn hỗn hợp của 11 phương diện quân, xếp thứ tự theo vị trí phân bố của họ trên chiến trường vào thời điểm kết thúc chiến tranh từ Bắc xuống Nam và trung đoàn Hải quân.  Đại diện quân đội Ba Lan đi cùng với Trung đoàn số 1 Belorusia thành một khối đặc biệt.

Trong khi đi qua Lăng, tôi để một vài giây, nhìn chăm chú vào khuôn mặt Stalin. Mặt ông trầm tư, mệt mỏi và nghiêm nghị. Và bất động. Bên cạnh Stalin không có ai đứng gần, một không gian lạ. Ông đứng một mình.

Tư lệnh các phương diện quân và tập đoàn quân dẫn đầu các khối duyệt binh (mỗi khối - trung đoàn có 1.059 người). Các đội quân kỳ – gồm các Anh hùng Liên Xô – nâng cao 36 lá cờ của các đơn vị có nhiều thành tích trong chiến đấu của mỗi trung đoàn. Đội quân nhạc, gồm 1.400 nhạc công, đã thể hiện cho mỗi trung đoàn một bản nhạc hành khúc riêng.

Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ: 1945 và 2010 ảnh 3
Mang cờ của các đơn vị phát xít để ném xuống chân tường Lăng Lê Nin

Tiếp theo sau khối các trung đoàn, có 200 chiến sĩ tiến về phía Lăng Lê Nin, nơi Stalin đang đứng. Họ ném quân kỳ của các sư đoàn địch bại trận vào sàn gỗ dưới chân Lăng. Đầu tiên là cờ của thống chế Hitler. Ngay tối hôm đó, sàn gỗ và găng tay binh sĩ phát xít đã bị thiêu. Đó là cách khử trùng khỏi bệnh dịch phát xít.

Khi đi qua Quảng trường Đỏ, khối quân nghiêng đầu, hướng mặt lên lễ đài trên Lăng chào, còn khi đi qua nơi đại diện của các nước Đồng minh đứng, họ đã không nghiêng mặt chào, mà chỉ nhìn thẳng (Đồng minh đã trì hoãn quá lâu việc mở mặt trận thứ hai).

Kết thúc duyệt binh là các trung đoàn Hội đồng Dân ủy quốc phòng, các khối học viện, nhà trường, đội kỵ binh, pháo binh, mô tô cơ giới, lính dù và tăng thiết giáp.

Duyệt binh trên Quảng trường Đỏ: 1945 và 2010 ảnh 4
Khối tăng thiết giáp trên đường tiến vào Quảng trường Đỏ

Duyệt binh mừng chiến thắng kéo dài hai giờ chín phút. Trời mưa tầm tã trong suốt thời gian đó. Do vậy đã quyết định hủy phần duyệt binh không quân và diễu hành của quần chúng.

Một người tham gia duyệt binh nhớ lại: “Với sự mong muốn cao độ, trong khi đi qua Lăng, tôi để một vài giây, nhìn chăm chú vào khuôn mặt Stalin. Mặt ông trầm tư, mệt mỏi và nghiêm nghị. Và bất động. Bên cạnh Stalin không có ai đứng gần, một không gian lạ. Ông đứng một mình.

Tôi không có cảm giác đặc biệt nào ngoại trừ sự tò mò. Tổng Tư lệnh Tối cao là người không thể với tới. Tôi rời Quảng trường Đỏ với tinh thần phấn chấn. Thế giới đã được sắp xếp đúng: Chúng tôi đã thắng. Tôi cảm thấy mình là một phần nhỏ của những người chiến thắng...”

Tại tiệc chiêu đãi trong điện Kremlin nhân dịp lễ duyệt binh mừng chiến thắng có 2.500 khách được mời. Stalin đã phát biểu nâng cốc, trong đó có những lời: “Tôi uống, trước hết để chúc sức khỏe của nhân dân Nga, bởi vì họ là một dân tộc xuất sắc nhất trong số các dân tộc trong thành phần của Liên Xô...

Tôi nâng cốc này chúc sức khỏe nhân dân Nga không chỉ vì họ là người lãnh đạo, mà còn vì dân Nga có trí tuệ thông minh, tính cách cứng cỏi và lòng chịu đựng... Cảm ơn họ, cảm ơn người Nga, vì đã có lòng tin!”

Sau này Stalin không tổ chức thêm bất cứ buổi chiêu đãi nào, bất kể vào 24 tháng 6 hay 09 tháng 5: Phải hiểu là cần phục hồi đất nước. Mãi đến năm 1965, Ngày Chiến thắng mới trở thành ngày lễ chính thức của Liên Xô, và lễ duyệt binh được tổ chức thường xuyên vào ngày 9 tháng 5.  

 Còn nữa

Hoàng Toán
Dịch từ Komsomolskaya Pravda

MỚI - NÓNG