Tình tự Hoàng Cầm

Tình tự Hoàng Cầm
TP - 2.“Vú xuân đường phèn căng bưởi Nga Mi” cùng vạn vật sinh sôi, đòi đôi, là bùng vỡ của cảm thức chống trả, vượt thoát quyết liệt nỗi cô đơn thường trực của người mà chỉ yêu mới sống nổi, yêu là tiên dược, phép màu, bùa chú của tồn sinh.

(Tiếp theo kỳ trước)

Tình tự Hoàng Cầm ảnh 1
Hoàng Cầm và Phạm Duy. Ảnh: NS Phạm Duy cung cấp

Vẻ đẹp nhục thể ví với thực vật, cỏ cây, muốn nổ tung qua ấn tượng phồn thực. Hệ ám tượng thơ Hoàng Cầm như khát vọng yêu của tác giả. Sau cái chết Hoàng Cầm, PGS TS Nguyễn Đăng Điệp nói với tôi: “Người đi giấc mơ còn lại. Hoàng Cầm dệt thơ từ những giấc mơ”. Vạn giấc mơ siêu thực chất chứa nơi ông, chắc thơ còn chưa bộc hết.

Tôi liên tưởng tới Paul Éluard (1895-1952), tôi đã đến mộ của Éluard ở Paris, thu 2007. Trong nghĩa trang cổ kính, đẹp lạ thường ấy, những hình ảnh thơ mang tính nhục cảm chiếm lĩnh không gian quanh mộ phần ông, lộng lẫy và trong trẻo. Chỉ có những người có tư duy - sức tưởng tượng phong phú, tâm hồn dồi dào, mới có thế triển khai mọi cảm xúc thành thi ảnh, mới có thể tư duy hình ảnh - ưu việt nhất của kỹ thuật viết hiện đại.

Cuộc đời và ấn tượng thơ Éluard có những tương đồng với Hoàng Cầm, đặc biệt ấn tượng thị giác của các ông với thế giới hiện thực thu nạp qua “đôi mắt màu mỡ” để đưa vào/tạo ra trong nghệ thuật một thế giới khác: lung linh, tươi mới, quyến rũ.

Đây Éluard, người du hành cõi khác trước Hoàng Cầm 58 năm đã viết: “Đôi mắt em trong đó đôi ta/Cùng ngủ/Đã tạo cho ánh sáng đàn ông của anh/Một số phận tốt đẹp hơn những đêm trần gian/Đôi mắt em trong đó anh du hành/Đã tạo cho vận động những con đường/Một hướng tách rời khỏi Trái Đất (Bài thơ, 1936)”.

Không ai biết Hoàng Cầm đã yêu bao nhiêu, có bao nhiêu cuộc tình, nhưng ông đã đi mải miết trên con đường tình, qua mùa mùa ái ân không ngừng khắc khoải. Cả hụt hẫng khổ đau yếu đuối, cũng không gục ngã. Ông ham sống, ham yêu với đức tin nguyên khiết, nóng bỏng về ngày những ngày hợp hôn nồng nàn, ngày những điều kỳ diệu sẽ linh ứng, hiển hiện.

Đó là vận động tinh thần tạo nên tầm cỡ Hoàng Cầm. “Tầm nhìn chính là nghệ thuật nhìn những thứ vốn dĩ chưa từng có trong hiện thực” (Jonathan Swift).

Có một hiện thực thành định mệnh đến từ 1938, Hoàng Cầm từ Bắc Ninh ra Hà Nội học trường Thăng Long. Ông khởi đầu viết bằng kịch thơ, chọn ra con đường đến văn chương qua sân khấu, tách dòng khỏi chủ lưu Thơ Mới đang cực thịnh. Nhiều tài danh thuở ấy đều có tài viết kịch, bên cạnh văn chương: Thế Lữ , Sĩ Tiến, Hoàng Công Khanh, Lộng Chương, Lưu Quang Thuận.

Hoàng Cầm viết Hận Nam Quan, Kiều Loan, Trương Chi. Có phải tiếng sét ái tình đã khiến ông chọn Tuyết Khanh, thiếu nữ Hải Phòng lên Hà Nội làm ăn, vào vai chính Kiều Loan... Vở kịch thơ có bối cảnh thời cuối Tây Sơn vào đầu triều Nguyễn Gia Long, giằng xé giữa tình riêng - vận nước. Hoàng Cầm thành lập đoàn kịch Đông Phương, lưu diễn nhiều nơi.

Kiều Loan được chọn diễn dịp Đại hội Văn hoá cứu quốc lần 1, 11-1946, mới diễn được buổi tổng duyệt (có nhà văn Kim Lân đóng một vai) tại Nhà hát Lớn; nhà văn hoá, dịch giả Phan Khôi đến xem, khen ngợi, rồi phải huỷ bỏ công diễn vì toàn thành chuẩn bị kháng chiến.

Hoàng Cầm lên chiến khu, lập đội tuyên truyền văn nghệ, đội văn công quân đội đầu tiên. Ông ngâm thơ kỳ tài, làm thơ kỳ khí, có năng lực sân khấu nên từng làm trưởng đoàn văn công Tổng cục Chính trị từ 1952, trưởng đoàn kịch nói năm 1955, là điều không lạ.

Ông có 2 Kiều Loan để đổi Kiều Loan kịch thơ và Kiều Loan con gái. Đứa con duy nhất sinh 1948 với vợ kế Tuyết Khanh, sống xa cha từ nhỏ. Bà Khanh đem Kiều Loan theo chồng mới vào Nam năm 1954, và từ 1975, họ cách nhau nửa vòng Trái Đất.

Đời ông Hoàng gắn với chữ “Hoàng”. Người vợ đầu Hoàng Thị Hoàn, do cha mẹ Hoàng Cầm cưới cho, mất lúc chồng đi kháng chiến.

Năm 2009, bà Tuyết Khanh qua đời tại California. Bà Lê Hoàng Yến, là vợ thứ ba của Hoàng Cầm, người vợ cuối cùng lìa đời từ 1985, để ông ở lại trống vắng những năm bĩ cực: “Em xa anh và rất gần nước mắt”. Ngôi nhà Lý Quốc Sư là nhà bà Hoàng Yến. Người đàn ông phong tình đa đoan chỉ sống một mình 25 năm đằng đẵng.

Nhạc sỹ Phạm Duy là bạn cố tri, tri kỷ của Hoàng Cầm từ trai trẻ. Ông Phạm Duy viết 12 giờ trưa thứ năm 6-5-2010. “Thế là tôi lại mất đi một người bạn tốt. Phải xa nhau gần nửa thế kỷ, hai ông già ngoài 70 tuổi vẫn cứ xưng hô mày tao như trong tuổi 20. Chúng ta đều cho rằng cả hai thằng bạn, vào lúc gần đất xa trời, rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi!

Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu, nhưng cả hai kẻ đãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật làm cho chúng ta, sau nhiều cơn vật vã, vẫn có thể gạn đục khơi trong, rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người.

Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm nói: ton art purifie ton âme và sẽ còn giúp chúng ta đi nốt con đường chúng ta đã chọn: Con Đường Tình, tình nước, tình người”.

9h sáng chủ nhật 9-5, Phạm Duy đáp xuống sân bay Nội Bài.  Ông ra để tiễn đưa bạn mình.

Phạm Duy còn đa tình bằng mấy Hoàng Cầm. Cách xa nhau, hai ông vẫn đồng hành con đường tình. Mấy năm cuối đời, Hoàng Cầm bất lực không phiêu du được vì ở gác 5, nơi cao nhất của ngôi nhà con trai Hoàng Anh, con trai Hoàng Phi kế bên. Phải ngồi xe lăn và yếu quá, con cháu đi làm, khoá cửa, ông Hoàng trên thượng lầu, chỉ dùng tinh thần mà vùng vẫy.

Ông  nghiện thuốc từ trẻ. Và mê đàn bà đẹp, mê yêu, Hoàng Cầm tài hoa, vượt thoát nhiều khổ đau bi kịch chính nhờ sự “nghiện, mê” đeo đẳng ấy.

HS Nguyễn Thị Hiền, con gái cả nhà văn Kim Lân (bạn thân Hoàng Cầm) kể: “Lần nào ra Hà Nội, tôi cũng đến thăm và biếu bác tiền mua thuốc, thuốc bổ hay thuốc gì, tùy bác” (Cười).

Nguyễn Thị Hiền tuổi 64 vẫn đang vẽ cật lực cho 3 triển lãm sắp tới, đúng như thuyết “Nghệ thuật và tình yêu không có tuổi”. Họa sỹ có một câu lý thú: “Tài năng đích thực, là nước sôi 100o. Có người loay hoay cố cả đời, dùng cả thủ đoạn và tham vọng, nhưng vẫn chỉ được 99 độ. Thiếu 1 độ tài không thể là nước sôi”.

Kim Lân, Hoàng Cầm, Phạm Duy chắc chắn là nước sôi già. Các ông vẫn trẻ khi tuổi ngoài bát thập, vẫn tiêu thụ thơ tình 8X núi lửa của tôi và nói về ái tình như đang độ...

 (Còn nữa)

MỚI - NÓNG