Chuyện kể Hoàng Sa - kỳ 1

Hoàng Sa thời yên ả

Hoàng Sa thời yên ả
TP - Hoàng Sa - quần đảo Cát Vàng của Tổ quốc. Từ thời chàng lính thú, anh cai đội nhà Nguyễn xuống thuyền, đến anh cán bộ quan trắc, người chiến binh chế độ miền nam gìn giữ, cai quản, giờ đây là hàng trăm ngàn ngư dân vừa đánh cá, vừa khẳng định chủ quyền biên cương.

Hoàng Sa mãi mãi là một phần lãnh thổ của người Việt Nam. Câu chuyện sau đây của những ngư dân bình dị, như những thước phim mới nhất về quần đảo thân yêu mà do hoàn cảnh hiện tại, ít người được tận thấy...

Hoàng Sa thời yên ả ảnh 1
Lão ngư Dương Chính: “Tôi nhớ Hoàng Sa như nhớ nhà...”

Đẹp như vườn cổ tích 

Năm 1984, khi chưa hết cái thời bao cấp, 4 chiếc thuyền máy công  suất lớn (2 chiếc làm nghề lưới chuồn và 2 chiếc làm nghề vây rút chì) tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được hạ thủy. Ông Nguyễn Sao ở xã An Hải - Lý Sơn là người cầm càng để “quay” nền kinh tế cho xã đảo.

Vào khoảng tháng 6 - 1984, tất cả 8 ngư dân trên thuyền ông Sao thức giấc và như lạc vào vườn cổ tích. Trước mặt các ngư dân hiện lên một dải cát vàng. “Hoàng Sa, đảo Cát Dàng (vàng) của ông bà mình!” - Các ngư dân trên thuyền reo hò.

Kính cẩn, khấn nguyện và báo cáo với các tiên linh từng hy sinh ở Hoàng Sa xong, các ngư dân bắt tay vào thả lưới. Cá tại Hoàng Sa nhiều vô kể, cá chuồn nhảy cả lên sàn thuyền giãy đành đạch. Chỉ đánh vài phiên lưới, cá đã đầy ắp hơn hai hầm. Các ngư dân cho thuyền chạy vào cảng Đà Nẵng bán cá rồi tiếp tục ra khơi.

Ông Bùi Văn Lịnh (63 tuổi), một trong những thuyền viên đi trên 2 thuyền mang số NB 4859 TS và NB 4860 TS ngày ấy, hồi tưởng: Từ đảo Lin Côn, các ngư dân vào trung tâm quần đảo Hoàng Sa và đặt chân lên đảo Phú Lâm - một trong những đảo chủ chốt của quần đảo Hoàng Sa.

“Lên đảo Phú Lâm, anh em ngư dân dạo bộ. Cả ngày trên đảo, anh em ngư dân thỉnh thoảng gặp vài người lính Trung Quốc. Gặp nhau, hai bên phất tay chào thân thiện...”, ông Lịnh nhớ lại.

Vào cái thời thắt lưng buộc bụng, trên thuyền không có lấy một chiếc hải đồ, định vị. Mỗi thuyền chỉ có một chiếc la bàn nhỏ xíu như chiếc đồng hồ đeo tay. Các ngư dân đặt chiếc la bàn trên mũi thuyền, chiếc đèn dầu tự chế treo lủng lẳng sát bên.

Trong suốt hành trình, thi thoảng các ngư dân lấy dao khứa vào chiếc đũa bếp hoặc que tăm, gác lên mặt la bàn để ước lượng. “Bắt 55 - 65” - thời đó, hai con số này đã trở thành từ cửa miệng của các ngư dân. Có nghĩa là neo thuyền trước khu vực Âm linh tự trên đảo Lý Sơn để làm điểm chuẩn, đúng 1 giờ sáng thì cho mũi thuyền chạy song song 55 đến 65 độ so với la bàn, sau 2 ngày 2 đêm thì dải cát vàng của đảo Hoàng Sa hiện rõ phía trước.

Đã thành tiền lệ, nếu chưa đi Cát Vàng thì chưa phải là trai tráng trên đảo. Những năm ấy, mối quan hệ giữa ngư dân Việt Nam và ngư dân Trung Quốc rất thân thiện. Ban ngày thì hì hục làm biển, ban đêm thì neo thuyền sát bên để giao lưu thâu đêm. Tình người không chia biên giới - đó cũng là tình cảm của những con người đồng cảnh ngộ trên sóng dưới gió, khát vọng không khí hòa bình.

Hoàng Sa thời yên ả ảnh 2

“Tôi nhớ Hoàng Sa như nhớ nhà...”

60 tuổi đời, hơn 40 năm đi biển, hàng trăm bận đi về, xuôi ngược ở quần đảo Hoàng Sa, ông Dương Chính ở thôn Tây, xã An Vĩnh, Lý Sơn vẫn nhớ như in cái ngày cùng các bạn chài dong buồm trực chỉ Hoàng Sa vào những năm 80 của thế kỷ trước, ngày 9-6-1987.

Ông Chính kể: “Để chuẩn bị cho chuyến đi Hoàng Sa, năm 1984, ông vào xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh đặt đóng 3 chiếc thuyền, mỗi chiếc gần 40 CV. Đây là những chiếc thuyền “hoành tráng” nhất ở đảo Lý Sơn lúc bấy giờ. Sau đó, ông về lại đảo vận động hơn 40 bạn chài, chuẩn bị lương thảo cho ngày ra Hoàng Sa.

Khi ba chiếc tàu QNg 071 TS, QNg 072TS và QNg 073 TS do ông chỉ huy chuẩn bị ra khơi, người dân Lý Sơn không khỏi lo lắng. Bởi, các tàu không hề được trang bị các phương tiện hành nghề hiện đại mà chỉ dựa vào kinh nghiệm của các ngư phủ.

Sau 3 ngày đêm cưỡi sóng, chỉ với chiếc đèn hột vịt đặt cạnh la bàn để phán đoán hướng đi, nhóm bạn chài đã chạm các đảo Tri Tôn, Bãi Cát Vàng của quần đảo Hoàng Sa. Ông Chính nhớ lại: Sau 3 ngày đêm xuất phát từ Lý Sơn, chúng tôi đặt chân lên đảo Tri Tôn.

Sau đó, chúng tôi chọn vùng lãnh hải phía Nam quần đảo Hoàng Sa gần đảo Quang Ảnh để buông neo, đánh bắt. Hoàng Sa- ngư trường quen thuộc của ngư dân Quảng Ngãi hàng trăm năm trước là vùng đầy ắp hải vật. Ngay từ những mẻ lưới đầu tiên, nhóm bạn chài của ông thu về rất nhiều ốc đụn, xà cừ, cá nục, cá thu...

Ông bảo: “Cả đời đi biển nhưng chưa bao giờ chúng tôi tận mắt thấy những đàn cá khổng lồ như vậy ở quần đảo Hoàng Sa. Chỉ cần đứng trên thuyền cũng có thể nhìn thấy từng đàn cá thu, cá nục trắng lóa, ken dày mặt biển. Năm đó, chúng tôi không hề gặp sự cản trở nào từ các tàu lạ. Mình đánh bắt, họ cũng đánh bắt. Chúng tôi đánh bắt quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa. Thỉnh thoảng chúng tôi và ngư dân Trung Quốc vẫn đổi nước ngọt cho nhau “điền tư, ngư chung” là vậy”.

Lần đó, sau gần 10 ngày đánh bắt ở quần đảo Hoàng Sa, cả 3 tàu không còn chỗ chứa hải sản. Ông ra lệnh cho các thuyền nhổ neo quay về các cửa biển Hội An của tỉnh Quảng Nam và Phú Thọ của tỉnh Quảng Ngãi bán hải sản cho các thương lái. Liên tiếp những năm sau đó, ông cùng các bạn chài đất đảo Lý Sơn thường xuyên đi về quần đảo Hoàng Sa để đánh bắt hải sản.

“Tôi nhớ các đảo Lin Côn, Quang Ảnh, Hữu Nhật, Phú Lâm, Đá Bắc... ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam như thể nhớ nhà”, ông Chính bồi hồi.

Hoàng Sa thời yên ả ảnh 3
Tàu đi Hoàng Sa trở về. Ảnh: Văn Chương

Người đồng hương đặc biệt

Vào đầu năm 1991, ông Trần Dư ở Lý Sơn đã thuê một chiếc thuyền to của một công ty đường sông về làm ăn. Tuyển một đội đi biển thành thạo lên đến hàng chục người, ra đến Hoàng Sa, các ngư dân hăm hở bắt cá thu, cá ngừ to như cây chuối.

Đang tính chuyện một vài hôm nữa vào bờ, bất chợt, lính Trung Quốc ùa ra bắt và đưa chiếc thuyền vào đảo Phú Lâm. Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân ở Quảng Ngãi bị lính Trung Quốc bắt.

Do bất đồng về ngôn ngữ, một người lính đứng trước các ngư dân, lấy tay vẽ hình một vòng tròn dưới cát, nâng 2 bàn tay lên ngang miệng, ra hiệu châm lửa và nhảy cẫng lên: “Xịt… xịt… xịt… bùm… bùm!”.

Ông Nhật chợt nhớ đến bài hát: “Việt Nam - Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông” nên bàn với anh em. Rồi các ngư dân đồng loạt lấy tay chỉ vào răng, chỉ vào môi, hô to: “Việt Nam - Trung Hoa, Việt Nam - Trung Hoa như môi với răng!”. Những người lính hiểu ra, miệng cười: “Hảo hảo!”.

Các ngư dân tăng tốc cho tàu về phía đảo ông Già (đảo mang tên Chánh đội trưởng thủy quân Hoàng Sa - Phạm Hữu Nhật) để nghỉ xả hơi. Hòn đảo mang tên người anh hùng đã ra khai phá và khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước, giờ đây ẩn dật trong khung cảnh hoang sơ, không người dân cư trú. Phần lớn cây cối trên đảo có tán thấp, gốc to để trụ với bão gió. Trên đảo có rất nhiều chim và trái cây.

Và bất ngờ tại hòn đảo này, các ngư dân Lý Sơn gặp một “đồng hương đặc biệt” - một người lính Trung Quốc có dáng người cao, gầy, trạc tuổi trung niên đang đi tuần.

Thấy ngư dân Việt Nam, người lính này đến gật đầu chào và xổ ra một tràng tiếng Việt đặc sệt âm điệu Quảng Ngãi: “Quê mấy anh ở Nghĩa Bình?”. Các ngư dân há hốc mồm bởi chuyện lạ. Người lính này kể vanh vách từng địa danh, lịch sử của Quảng Ngãi và tâm tình: “Tôi là người Việt Nam, cùng quê với mấy anh, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy qua định cư ở Hải Nam”.

“Thôi xuống tàu, anh em tụi tui chở về bển (Việt Nam) luôn!” - Những ngư dân trên tàu ông Dư nhiệt tình đề nghị. Một thoáng chần chừ và tiếc nuối, người lính này từ chối: “Tui cũng muốn về quê lắm, nhưng nếu theo mấy anh về, ở bên này họ quy tội ngư dân Việt Nam bắt cóc lính thì cả làng mình sẽ không đến đây làm ăn được nữa”.

Bao nhiêu năm rồi, mỗi khi chạy ngang đảo Phạm Hữu Nhật, các ngư dân vẫn không quên người đồng hương đặc biệt và bí ẩn này.

>> Giữa cái nắng trưa Lý Sơn hầm hập, không chỉ riêng tôi mà vợ và con gái anh Lưu cũng mải mê nghe kể chuyện Hoàng Sa. Chưa bao giờ họ được nghe câu chuyện hay, cuốn hút đến vậy - Đón đọc kỳ tiếp trên Tiền Phong số ra ngày mai.

MỚI - NÓNG