Những “người lậu” giữa rừng già Phong Nha

Những “người lậu” giữa rừng già Phong Nha
Chúng tôi gọi họ là những “người lậu” vì gần 15 năm qua họ không chịu bất cứ một sự quản lý nào của các cấp chính quyền. Không khai sinh, không hộ khẩu, không chế độ, nghĩa vụ, quyền lợi…
Những “người lậu” giữa rừng già Phong Nha ảnh 1
Công dân tương lai của bản Đoòng

13 hộ, 64 nhân khẩu của bản Đoòng đang như vậy.

Sau gần 7 năm, chúng tôi lại có ý định đến với người dân bản Đoòng, một bản nằm giữa những cánh rừng già của Vườn quốc gia Phong Nha -Kẻ Bàng (PN- KB). Đã 7 năm rồi mà ấn tượng về chuyến đi đầu tiên ấy vẫn thật khủng khiếp.

Ngày đó muốn vào bản, chúng tôi phải lội bộ ròng rã 8 giờ đồng hồ giữa rừng đại ngàn với những mái dốc thăm thẳm đến đứng tim. Thông điệp mà chúng tôi đưa ra thời điểm đó là những khó khăn không thể tưởng tượng được với 49 cư dân của bản.

 Sau 7 năm, người dân bản Đoòng đã đến đâu trên lộ trình hòa nhập với cộng đồng? Câu hỏi ấy đã giục chúng tôi có chuyến đi thứ 2 này.

“Vương quốc” giữa rừng già

Con đường Hồ Chí Minh, nhánh tây Trường Sơn đã kéo người dân bản Đoòng gần lại. Từ km 35 +500 cắt rừng già chừng 5 km nữa là đến bản. Đường rừng sau mưa lũ trơn tuột và sên vắt nhiều như lá rụng. Những mái dốc vẫn thế, dựng đứng đến hụt hơi. 2 tiếng từ lối rẽ, chúng tôi đặt chân đến được ngôi nhà đầu  tiên của bản...

Thấy người lạ đến, những ngôi nhà sàn quần tụ trong cái thung lũng thâm u giữa chốn rừng già bỗng sôi động hẳn lên. Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc xăm xăm bước xuống cầu thang nhà sàn như đón, như chào. Lũ trẻ con từ đâu ùa ra kín một khoảng sân nhà trưởng bản. Đã 7 năm qua, hình như bản Đoòng vẫn thế. Có khác chăng, thêm 5 ngôi nhà nằm chênh vênh chân núi và cư dân tăng thêm được 15 người...

Ông Trắc ném những thanh củi khô vào bếp lửa đang cháy rực. Mùi nước chè xanh, mùi thuốc lá sâu kèn và mùi sắn nướng cứ quyện đặc vào nhau thật khó tả. Một bát rượu to rót sẵn quay vòng chủ, khách.

Và câu chuyện của ông Trắc cứ bập bùng như lửa, lúc nhanh, lúc chậm... “ừ, bọn tau không nhớ ngày đến đây, nhưng năm thì nhớ. Đó là năm 1991. Năm đó mất mùa. Đói lắm! Bọn tau cứ cắt rừng mà đi. Khi đi chỉ có 4 hộ ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh ) thôi.

Già làng Hồ Văn Bình nói: Cứ đi, đến mô có khe, có suối, có đất tốt là mình ở. Đi mãi, đến được đây và già Bình bảo: Được! Năm 1992, sau một trận lũ quét lịch sử, Trường Sơn được cứu trợ bằng trực thăng. Chẳng còn cái gì để ăn, nên người ở Trường Sơn lại lục tục du canh tìm đến vùng đất này. Cứ thế cho đến giờ, ở đây đã được 13 hộ với 64 khẩu...

Nhìn thung lũng bản Đoòng mới thấy già Bình là người có “đẳng cấp” trong nghiệp du canh du cư. Thung lũng không rộng, bề ngang chỉ khoảng 1 km, nhưng hội đủ các yếu tố cần thiết cho cuộc mưu sinh. Đất đai bằng phẳng, màu mỡ, lại gần suối lớn, lọt thỏm giữa rừng đại ngàn nguyên sinh nên cá và thịt thú rừng chưa bao giờ thiếu.

Gần 15 năm định cư ở đây chưa năm nào người dân bản Đoòng phải đứt bữa. Sắn trên nương, thịt trong rừng, cá dưới khe và họ tồn tại như một vương quốc riêng. Ở đây không có một tổ chức chính quyền đoàn thể nào hoạt động, vươn tới quản lý cả.

Già làng Nguyễn Sỹ Hiền, anh ruột của Nguyễn Sỹ Trắc, góp chuyện: Khi chưa có đường HCM, dân bản ở đây không dám đặt bẫy lớn,vì nếu trúng con thú lớn bản không ăn hết. Còn bây giờ, người vùng ngoài vào đây  thường xuyên. Giờ, đi lại thuận tiện hơn nhiều rồi. Nên không có ngày nào là không có người vào đây mua mật ong và thịt thú cả.

Chợt giật mình, khi bản Đoòng nằm giữa vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, đang tồn tại hàng trăm bẫy thú chăng mắc khắp nơi, liệu mai này có còn đa dạng sinh học?

Một tương lai mù chữ

Những “người lậu” giữa rừng già Phong Nha ảnh 2
Già bản Nguyễn Sỹ Hiền

Bếp lửa vẫn bập bùng cháy. Những đứa trẻ ngồi dạt vào một góc nhà sàn hóng chuyện. Cán bộ Ban Dân tộc đưa cho chúng vài cuốn tạp chí Dân tộc và Miền núi. Chúng lật xem ảnh và đưa đến cho ông Hiền. Ông Hiền đọc một đoạn trong đó thật trôi chảy và lưu loát.

Chúng tôi ngạc nhiên. Ông Trắc: Cả bản này chỉ tau và ông Hiền biết chữ thôi. Ông Hiền học hết lớp 7, sau đó có đi học 7+3 sắp được làm thầy giáo thì bỏ. Còn tau học hết lớp 5 lớp 6 chi đó rồi cũng bỏ luôn. Giữa rừng ni biết làm nương, làm rẫy, biết đặt cái bẫy là được chứ biết chữ làm chi...

Hóa ra, ông Hiền, ông Trắc chưa bao giờ có ý định dạy chữ cho con em ở trong bản. Cả hai ông, năm nay người thì 56, người thì 61 tuổi rồi. Và cái tương lai 100% mù chữ của cư dân bản Đoòng đã gần, gần lắm...

Đâu như đầu năm 2001, có người lính biên phòng già tên là Nguyễn Quang Vinh, quê mãi tận Nghệ An, thương cho cái sự học của con em bản Đoòng đã tự nguyện lặn lội vào đây dựng lớp. Lớp học chỉ duy trì vài tháng, sau đó do tuổi đã cao (73 tuổi) sức yếu, không vượt nổi dốc đèo nên ông Vinh đành phải rời bản...

Trời đã về chiều. Sương núi se se lạnh. Những đứa trẻ vẫn phong phanh thế. Cứ theo như lời của ông Hiền thì từ khi lập bản đến nay đã có hàng chục người thành con ma rừng vì bệnh tật khi còn rất trẻ.

Chỉ cần bị những căn bệnh thông thường, phụ nữ khi sinh nở...đều có thể nằm lại mãi mãi dưới gốc cây rừng. Những bài cúng, những lá rừng không cứu nổi họ. Dù họ có muốn đến bệnh viện, bệnh xá thì cũng không đến được vì quá xa. Mà cho dù nó có ở ngay đầu con dốc đi chăng nữa họ cũng chỉ ngồi nhìn vì dốc cao dựng đứng thế kia làm sao khiêng cõng người bệnh?...

Chúng tôi chuẩn bị rời bản để kịp ra khỏi cửa rừng trước khi trời tối. Những đứa trẻ còi cọc, công dân tương lai của bản Đoòng cứ mãi ám ảnh tâm trí chúng tôi. Ông Đặng Văn Đệ, Trưởng ban DT băn khoăn: Chúng nó như vậy chưa hẳn đã vì suy dinh dưỡng, mà có thể vì một nguyên nhân khác đau lòng hơn, đó là hậu quả của việc hôn nhân cận huyết.

Ông Đệ thông tin: Hãy cứ lấy “mô hình” này làm ví dụ: Ông Hồ Văn Bình là anh em con cô cậu ruột với ông Nguyễn Sỹ Hiền. Nhưng chị gái ông Bình lại lấy ông Hiền. Ngược lại, em gái ông Hiền là vợ ông Bình. Sau đó, con cái của hai gia đình này lại lấy nhau. Ông Hiền và ông Bình trở thành sui gia... Một câu hỏi cứ day dứt chúng tôi, làm sao để vùng dân cư này sớm hòa nhập với cộng đồng, đất nước?! 

Ngay từ năm 1999, khi phát hiện ra cụm cư dân ở bản Đoòng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn yêu cầu các ban ngành liên quan tổ chức khảo sát và đề xuất phương án giải quyết. Trong công văn số 05/UB (31/3/1999) huyện Bố Trạch đã đề xuất: Vận động đồng bào di chuyển khỏi bản Đoòng, trở về bản cũ hoặc về bản Nà Lâm (Trường Xuân-Quảng Ninh). Trước  mắt ghép cư dân bản Đoòng vào xã Tân Trạch (Bố Trạch) để phục vụ cho điều tra dân số và nhà ở. Đồng thời xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.

Không hiểu sao, từ đó đến nay huyện “xin” nhưng tỉnh vẫn chưa “cho”. Đến ngày 11/10/2005, Ban Dân tộc của tỉnh lại đề xuất: Nguyện vọng của người dân muốn định cư ở đây. Nếu thực hiện định cư gắn với sản xuất thâm canh, không xâm hại vốn rừng thì nên theo nguyện vọng của đồng bào.

Cho thành lập bản Đoòng là một bản độc lập, trực thuộc đơn vị hành chính là xã Sơn Trạch (Bố Trạch) để quản lý hành chính. Cho cư dân bản Đoòng được hưởng chương trình 134 và các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn khác để họ ổn định và phát triển...Chưa biết số phận của “người lậu” bản Đoòng sẽ được quyết theo hướng nào, hay còn phải chờ?...

MỚI - NÓNG