Bão rùng rùng ngoài kia mà mái ấm vẫn bình yên

Bão rùng rùng ngoài kia mà mái ấm vẫn bình yên
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư tâm sự như vậy, khi những phản đối, khen chê, phẫn nộ cùng tác phẩm "Cánh đồng bất tận" của nhà văn thấm đẫm chất phương Nam, đã lắng xuống, dịu đi.
Bão rùng rùng ngoài kia mà mái ấm vẫn bình yên ảnh 1

Nguyễn Ngọc Tư và con trai 4 tuổi - Ảnh: Trần Hữu Dũng

Những ngày diễn ra “Đối thoại với Cánh đồng bất tận”, ngay sau bài phỏng vấn ông trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau xung quanh bản đề nghị Hội VHNT Cà Mau “kiểm điểm nghiêm khắc” Nguyễn Ngọc Tư (N.N.T.), chúng tôi thường lo lắng hỏi nhà văn trẻ, Tư có sao không?.

Lần nào cũng chỉ nhận được một câu trả lời “tôi không sao”, từ tốn và ngắn gọn. Chỉ đến khi diễn đàn chuẩn bị khép lại, nghe lời đề nghị trả lời phỏng vấn của báo chí, N.N.T. mới gửi đến một câu: “Chuyện báo mình (Tuổi trẻ) làm, tôi cảm động lắm. Nhưng không phải tôi đón nhận nó với tất cả niềm vui. Vì tôi thấy hơi mất mát, có người là bạn mình, là người mình kính trọng, bỗng qua cơn sóng gió này...”.

N.N.T. chẳng viết hết câu. Cô gái 30 tuổi trở nên già dặn quá khi bảo mình ngấm thế thái nhân tình như thể đã trải qua mười năm. Qua email, chúng tôi bắt đầu một cuộc trò chuyện.

Khi nghe tin mình bị đề nghị kiểm điểm, Tư có ngạc nhiên, như rất nhiều người đã ngạc nhiên?

Tôi không gọi đó là cuộc “kiểm điểm sâu sắc” vì hôm ban lãnh đạo hội làm việc với tôi cũng rất nhẹ nhõm, giống như những buổi sáng thường ngày hay ngồi uống trà cùng nhau. Các anh, các chú đã dùng câu chữ, lời lẽ giản dị, nhẹ nhàng nhất có thể để tránh làm tôi đau, để tôi có thể quên mau chuyện này.

Nhưng trước đó, thật ra tôi đã rất ngạc nhiên, ngỡ ngàng khi đọc được bài phản ứng (bằng cách nào đó đã được photo chuyền tay khắp Cà Mau) của cô Dân, của anh Lực (thạc sĩ Vưu Nghị Lực - TT)...

Còn bây giờ, chuyện bị rầy này nọ không làm tôi bối rối nữa. Chỉ tiếc là con đường đến một buổi sáng nhẹ nhàng đã không được nhẹ nhàng...

Những bài viết, những chỉ trích, dù tôi không phục vì họ đã không nói đúng về mình, tôi vẫn thấy đau. Ngạc nhiên là tôi lại có cảm giác đó khi đã quá quen với chuyện khen chê... Vậy mới thấy mình già mà chưa lớn.

Tôi cố tỏ ra tỉnh bơ, cười ha ha ha, chợt nhớ lời ai đó “người ta mắng mình giống như đem quà tới, mình không lấy tất họ phải mang về... xài”. Nhưng rồi đối diện với lòng, tôi biết mình đang tự xuýt xoa, an ủi...

Nhưng, không chỉ có người viết phải trả giá, cả người đọc cũng phải trả giá. Một người cha đã tát con gái mình chỉ vì nó khen CĐBT hay. Chắc Tư còn nhớ câu chuyện mà ông trưởng ban tuyên giáo đã nêu. Người ta tát con người ta mà sao mình lại cảm thấy rát...

Tôi nghĩ người con gái ấy đã hứng chịu sự giận dữ thay cho mình. Đây cũng là hiện thực cuộc sống mà tôi không tưởng tượng được. Tôi tưởng đâu khi ta khóc, ta cười, ta day dứt, ta phẫn nộ, ta mắng nhiếc, giày vò một tác phẩm (và người viết ra nó) đã là giới hạn cuối cùng. Đâu ngờ...

Cho đến lúc này, sau tất cả những khen chê, những phê phán và cả kết án, nhà văn N.N.T. có cảm thấy hối tiếc vì những gì mình đã viết?

Không, nói hối tiếc là quay lưng với chính mình, với những bạn đọc đang yêu mến CĐBT. Tôi hạnh phúc vì có rất nhiều người hiểu mình, chia sẻ với mình. Ngay hôm ngồi với ban lãnh đạo hội, tôi cũng bảo bề nào tôi cũng đáng bị rầy, vì công việc cơ quan, vì cách cư xử, cách ăn nói... nhưng về CĐBT thì tôi không thể nói lời xin lỗi. Tôi chỉ buồn, nói sao cho chị hiểu bây giờ, với quê hương, như thể tôi phát hiện mình đang yêu đơn phương...

Còn với người vợ, người mẹ N.N.T.?

Sướng nhất là về tới nhà. Ở đó không có tí sóng gió nào. Thằng con vẽ chứ O chưa tròn, ba nó thì chỉ thích đọc mấy tạp chí về vi tính. Chẳng ai nói gì về văn chương. Tôi khoái quá chừng, bão rùng rùng ngoài kia mà mái ấm của mình vẫn bình yên.

Trong cuộc đối thoại với CĐBT, gửi thư cho TT, nhiều người nói rằng họ rơi vào sự phân vân. Là độc giả họ mong muốn được đọc những tác phẩm mỗi lúc một sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn của chị; nhưng mặt khác, nhân danh một người đàn ông - một người đàn bà có xung quanh mình cả một gia đình đông đúc, với mẹ cha, con cái, anh em, họ lại nghĩ về chị “về một thái độ thỏa hiệp phải chăng. Thôi, thì đành...”. N.N.T. có nỗi phân vân đó?

Lâu rồi, tôi phát hiện việc tôi viết văn không chỉ đem đến niềm vui, tự hào cho cha mẹ, bạn bè, chồng con tôi mà còn đem đến những lo lắng, bất an. Buồn cười, lần nào tôi gặp nạn gì đó thì tôi cũng phải đi an ủi ngược lại ba má mình. Có thể tôi đã quen với cái gọi là “trường văn trận bút”, còn những người thân thì không tránh được cảm giác ngộp, choáng váng.

Lúc gặp chuyện, họ lại quên tôi là người viết văn, chỉ nhớ tôi là đứa con gái bé bỏng, thiệt thòi... Nhưng tôi thì không thể xử sự như vậy, ngoài gia đình, tôi còn là một người viết văn. Đó là một cuộc sống rất khác thường.

Tôi hay nghĩ không viết câu chuyện ấy, số phận ấy thì những nhà văn khác có viết giùm mình không? Tại sao mình chờ đợi, đùn đẩy cho người khác trong khi mình làm được?

Nhưng sau đận này, có không ít ý kiến lo ngại. Rồi lại như con chim sợ cành cong, không khéo khi viết Tư sẽ dòm trước ngó sau dữ lắm...

Bây giờ tôi nói không sao thì chính tôi cũng buồn cười. Tôi nói mình sẽ vững vàng nhưng không chắc là chẳng bị ám ảnh dù chỉ là vô thức. Chỉ những tác phẩm mới trả lời rằng tôi còn nhớ vết thương đó không.

Tôi vẫn nghĩ sau này mình viết lại càng khó hơn trước, kiểu nào thì cũng sẽ có bạn đọc nghĩ tôi đang dòm trước ngó sau. Khi tôi quên liệu bạn đọc đã quên, và nhìn tôi một cách thanh thản?

Vậy Tư có dự định gì mới cho sáng tác của mình không? Và vẫn tiếp tục viết những câu chuyện về nông thôn, hay là chuyển sang đời sống thị thành sôi nổi và nhộn nhịp?

Hôm trước gặp một người bạn, biết tôi ở thành phố đã gần 10 năm người bạn chưng hửng, tưởng đâu tôi đang sống trong một cái chòi nào đó giữa đồng mà viết.

Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ bao giờ mình phải về đồng, biết đâu lúc đấy mình mới có thể viết về đời sống thị thành. Bởi khi còn trẻ tôi đã viết về người già, biết đâu về già sẽ viết hay về con nít.

Nhưng lúc này, chưa già và chưa về đồng, thì Tư vẫn tiếp tục viết về người nông dân?

Không viết về họ thì viết về ai bây giờ. Và ai viết về họ hở chị?

Mấy ngày trước có một email ngắn ngủi nhờ chúng tôi nhắn mời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về Sài Gòn sống... Bạn đọc này không tham gia tranh luận về tác phẩm, chỉ không yên tâm về tác giả thôi.

Qua báo, tôi xin cảm ơn người bạn ấy (và vài người bạn nữa, cũng ý này, gọi trực tiếp đến tôi). Nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ tới điều này, dù mảy may.

Những cái tưởng chừng rất khó khăn, cực kỳ khó khăn tôi đã trải qua rồi, khi nhìn lại thì thấy chẳng khó khăn gì lắm đến nỗi không sống được. Ngộ vậy đó.

Từ nơi này, tôi đã nhìn được rất xa, đã sống với nhiều nơi, làm bạn với nhiều người, vậy cũng hạnh phúc lắm rồi. Một khi ra đi, tôi buộc phải làm khách ở cái nơi từng là nhà mình, cảm giác đó chắc là buồn lắm.

Ở đây, dù tôi có yêu đơn phương (chắc là cũng hơi buồn) nhưng bản thân việc yêu đã là sống, là vui.

Theo Thúy Nga
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG