Thắp sáng ước mơ từ bóng tối

Thắp sáng ước mơ từ bóng tối
TPO - Với những thành tích học tập tốt, Đào Thu Hương, nữ sinh khiếm thị đang học lớp 12D0 của trường THPT Lương Thế Vinh, đã được đặt cách vào thẳng Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thắp sáng ước mơ từ bóng tối ảnh 1
Bằng quyết tâm và nghị lực, Đào Thu Hương đang thắp sáng ước mơ tri thức

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau thành tích ít thấy ấy là nỗ lực vươn lên của một người không còn thấy mặt trời mỗi sớm bình minh.

Hành trình đi tìm ánh sáng tri thức của Hương được cô tái hiện với chúng tôi qua câu chuyện ngồn ngộn những chi tiết cảm động.

Cô gái mù vẽ ánh sáng tri thức

Tôi sinh năm 1985 tại Hà Nội. Mẹ tôi kể, sau khi cất tiếng khóc chào đời, tôi tiếp tục... khóc và khóc hàng tháng ròng. Khi tôi được 4 tháng tuổi, thấy lạ, mẹ đưa tôi đi khám thì bác sĩ bảo, tôi bị dị tật ở mắt.

6 tuổi, tôi phải mổ mắt trong nỗi lo lắng đan xen chút hi vọng cuối cùng của cha mẹ. Sau cuộc phẫu thuật ở Viện mắt Trung ương, đôi tay tôi vẫn không bỏ được thói quen đưa lên ôm “cửa sổ tâm hồn” mỗi khi cơn đau ập đến.

Ánh sáng của nắng, của bình minh, của cuộc sống thường nhật như ngày càng thích chơi trò trốn tìm với đôi mắt đáng thương của cô bé 6 tuổi.

Dù vậy, ngày ngày, tôi vẫn cùng bạn cắp sách đến trường tiểu học Quang Trung học. Đến lớp 4, đôi mắt của tôi mỗi lúc lại thêm nhòa đi trước dòng chữ của phấn trắng lăn đều trên chiếc bảng đen quen thuộc.

Cho đến một ngày, tôi vĩnh viễn không còn nhìn được gì nữa cả. Chẳng biết làm gì ngoài việc đưa hai tay lên ôm đôi mắt nhức, sau đó, tôi phải nghỉ học.

Giàu hai con mắt. Bấy giờ, tôi còn quá nhỏ để hiểu được ý nghĩa đó. Nhưng tôi cũng biết buồn, thậm chí đôi khi là tức giận đến phát khóc, vì ở xung quanh lúc nào cũng chỉ là khoảng không đen kịt.

Mỗi lần hỏi mẹ tại sao con đau mắt, tại sao con không nhìn thấy gì cả, câu trả lời cho tôi chỉ là những tiếng thút thít khóc thầm đến nghẹn ngào của mẹ.

Tôi đòi đi học. Thương con, bố mẹ tôi xin cho tôi vào học trường Nguyễn Đình Chiểu. Chuyển từ cách học chữ bằng mắt sang bằng... tay, tôi đã phải mất ba năm học lại.

Để không phụ sự quyết tâm của mình cũng như cố gắng làm vui lòng bố mẹ, tôi đã không biết đau khi bút đâm vào tay trong lúc học viết chữ nổi. Tôi thường đứng đầu lớp sau mỗi học kỳ.

Năm lớp 5 và lớp 8, tôi đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi thành phố. Học xong lớp 9, tôi là học sinh duy nhất của trường mù dự thi tốt nghiệp THPT. Các bạn khác đều đăng ký thi bổ túc văn hóa.

Thắp sáng ước mơ

Thắp sáng ước mơ từ bóng tối ảnh 2
Đào Thu Hương (phải) và mẹ

Bạn sẽ mong muốn gì khi không may mất đi đôi mắt? Riêng tôi, tôi khát khao được thấy màu trắng của hoa cúc - loài hoa tôi yêu, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ánh nắng chói chang đang xuyên qua cây bàng trước cửa lớp.

Chính vì ước mơ cỏn con đó, tôi đã đặt tên cho tờ báo của chúng tôi ở trường Nguyễn Đình Chiểu là Hoa Nắng. Tôi là thành viên ban biên tập của chuyên mục Khoa học vui từ ngày đầu ra báo cho đến tận bây giờ.

Không những thế, tôi còn thích vẽ tranh, chơi đàn organ. Nhìn bằng ánh sáng của... sự tưởng tượng, tôi thích tái hiện những câu chuyện cổ tích có hậu trên những trang giấy.

Nhiều bức tranh của tôi đã được mang triển lãm ở nước ngoài. Dù vậy, bức tranh tôi thích nhất lại là bức Tấm Cám, đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi "Thế giới quanh em” do Trung ương Đoàn tổ chức năm 2001.

Tôi cũng thường xuyên tham gia dẫn chương trình cho các chương trình nghệ thuật quyên tiền giúp đỡ người khiếm thị. Sau khi rời ánh sáng sân khấu, ngồi một mình trong bóng tối, tôi thấy mình có ích.

Ước mơ lớn nhất của tôi là trở thành cô giáo. Ước mơ đó được tôi ấp ủ từ khi còn là “cô giáo nhỏ” dạy Toán cho mấy bé búp bê ở đầu hè. Ước mơ đó tiếp cho tôi sức mạnh để ngày ngày đi trên đôi chân của mẹ đến trường.

Dù tốt nghiệp phổ thông loại giỏi nhưng tôi không được nhận vào trường công lập. Qua sự giới thiệu của một người bạn, mẹ dắt tôi đến trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh xin học.

Cầm bảng điểm của tôi, thầy hiệu trưởng Văn Như Cương hỏi: “Nếu đi học, em sẽ trả bài bằng cách nào?”. Tôi đáp: Thưa thầy, em sẽ trả bài bằng miệng với những môn khoa học tự nhiên và trả bài bằng máy tính với những môn xã hội. Tôi sẽ không bao giờ quên ơn của thầy hiệu trưởng. Thầy đã cho tôi cơ hội thắp sáng ước mơ của cô bé tối mắt.

Với số điểm 94/100 (điểm chuẩn là 90), tôi thừa 4 điểm để được xét vào ban A (các môn thi nhân hệ số). Một tháng sau, tôi đỗ vào lớp chọn của ban A sau khi vượt qua kỳ thi tuyển chọn.

Lên lớp 11, sau khi được cô giáo dạy thêm tiếng Anh miễn phí khuyên nhủ, tôi chuyển sang thi và đã đỗ vào lớp chọn của khối chuyên ngữ (tiếng Anh) của trường.

Tôi tiếp tục nuôi ước mơ bằng những kết quả học sinh giỏi, những điểm tổng kết luôn trên 9,0 sau những tháng ngày lần sờ trên trang vở.

Bố mẹ luôn hiểu và động viên tôi trên hành trình vượt bóng tối tìm ánh sáng tri thức. Chính mẹ đã cầm đơn đến trường Đại học Sư phạm xin đăng ký dự tuyển vào khoa Ngoại ngữ của trường.

Gia đình tôi sẵn sàng trả mọi chi phí để trường có phòng thi riêng, giám thị coi thi riêng đọc đề, chấm bài... riêng cho thí sinh khiếm thị đặc biệt là tôi.

Nhìn kết quả học tập của cô bé tật nguyền, thầy hiệu trưởng Đại học Sư phạm bảo sẽ làm đơn đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép trường đặt cách, nhận tôi vào học. Và nỗ lực của tôi đã được chấp nhận...

Dù đôi mắt không còn thấy ánh sáng, nhưng tôi còn lại khối óc và lòng quyết tâm. Tôi thích triết lý sống trong tác phẩm Đời Thừa của nhà văn Nam Cao nhưng tôi sẽ không cam chịu sống thừa, không cam chịu bóng tối.

Xuân Mai ghi

MỚI - NÓNG