Sinh hoạt phí chậm, lưu học sinh ở Nga khốn đốn

Sinh hoạt phí chậm, lưu học sinh ở Nga khốn đốn
Tiền sinh hoạt phí đến muộn gần 4 tháng khiến hàng chục lưu học sinh Việt Nam đang học tại Đại học Tổng hợp quốc gia Tula, Liên bang Nga lâm vào cảnh khốn đốn.
Sinh hoạt phí chậm, lưu học sinh ở Nga khốn đốn ảnh 1
Mì tôm, món ăn chính của lưu học sinh Việt Nam tại Nga trong mấy tháng qua. Ảnh: VnExpress

Trước kỳ thi, nhiều sinh viên đang phải sống qua ngày với bánh mì đen, mì tôm. Có nữ sinh thậm chí bị ngất xỉu ngay giữa lớp học vì đói quá.

Trần Đức Quyền là 1 trong số 38 sinh viên Việt Nam đang học tại Đại học Tổng hợp quốc gia Tula theo đề án xử lý nợ giữa hai bên nước Việt Nam và Liên bang Nga.

Quyền cho biết, cách đây 2 tháng, sau khi nhận được 410 USD tiền sinh hoạt phí của tháng 1 và nửa tháng 2 thì đến nay các sinh viên đi học theo đề án xử lý nợ như Quyền không hề nhận được một khoản tiền nào.

Hết tiền, gia đình khó khăn, đa số sinh viên như Quyền toàn phải ăn bánh mỳ đen và mỳ tôm, loại lương thực rẻ nhất của Nga. Bữa cơm bình dị nhất của một người Việt Nam đã trở thành quá xa xỉ với những lưu học sinh này.

"Tháng trước có một bạn gái bị ngất xỉu ngay giữa lớp học vì đói quá. Chúng tôi bây giờ thì có khác gì chúa Chổm đâu, suốt ngày phải sống trong cảnh nợ ngập đầu", Quyền kể.

Trần Anh Tuấn, sinh viên năm thứ nhất Khoa Công nghệ, Đại học Tổng hợp Tula cho biết, đang là giai đoạn thi cử, sinh viên rất cần tiền mua tài liệu. "Nhưng tiền ở đâu trong khi miếng ăn còn thiếu? Sinh hoạt khó khăn, tất yếu việc học tập của chúng em bị ảnh hưởng", Tuấn trăn trở.

Còn Quyền cho biết nếu tuần sau chưa có tiền sinh hoạt phí, cậu sẽ bán chiếc máy vi tính để mua ít thịt ăn cho có sức ôn thi.

Quyền cho biết, đã viết thư gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, thậm chí lên gặp trực tiếp Đại sứ quán Việt Nam tại Nga yêu cầu giải thích. Theo Quyền, đại diện Đại sứ quán chỉ thông báo, Bộ Tài chính hai nước đang giải quyết tiếp những tồn đọng về nửa học bổng tháng 2. Khi nào xong Bộ Tài chính sẽ thông báo…

Ngày 12/6, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Sỹ Tiến, nguyên trưởng ban điều hành các đề án đào tạo nước ngoài, nay là chuyên gia cao cấp, chịu trách nhiệm tư vấn cho đề án du học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước (đề án 322) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thông báo: Ngày 8/6, Vietcombank đã chuyển 57.000 USD tiền sinh hoạt phí 6 tháng (từ tháng 3 đến tháng 8) cho 38 lưu học sinh đang học tại Tula.

Việc chuyển tiền cho lưu học sinh theo đề án xử lý nợ phải tuân theo một quy trình kỹ thuật khá chặt chẽ do phía Nga đề nghị và hai bên đã thống nhất. Quy trình gồm 8 bước, liên quan đến nhiều cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, ngân hàng 2 nước, Đại học Tula.

Sở dĩ có sự chậm trễ là phía Nga tiến hành thủ tục chuyển tiền rất chậm. Mãi đến ngày 24/4, Vietcombank mới nhận được giấy đề nghị chuyển tiền từ Ngân hàng kinh tế đối ngoại Nga.

Do giấy báo này có sai sót, nên Ngân hàng kinh tế đối ngoại Nga buộc phải gửi lại. Đến ngày 31/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi công văn tới Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) và Ngân hàng Ngoại thương xác nhận số tiền cần chuyển.

Ngày 7/6, Bộ Tài chính lập lệnh chuyển tiền gửi cho Vietcombank. Và 1 ngày sau đó, số tiền đã được chuyển sang Ngân hàng kinh tế đối ngoại Nga.

Ông Tiến khuyên các lưu học sinh cần hỏi lại Đại học Tula đã nhận được tiền chưa? "Kỳ sau, khoảng tháng 7 các em cần nhắc trường làm thủ tục gửi đến Ngân hàng kinh tế đối ngoại Nga để chuyển về Việt Nam sớm. Phía Việt Nam sẽ chuyển ngay sinh hoạt phí khi nhận được thông báo của phía Nga", ông nói.

Ông Tiến cũng đề nghị lưu học sinh cử một đại diện liên hệ trực tiếp với mình theo địa chỉ tien.phamsy@gmail.com để biết thông tin chi tiết.

Theo Hồng Khánh
VnExpress

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.