Tâm sự của người thầy nổi tiếng bất đắc dĩ

Anh Đào mong một lần được gặp người thân
Anh Đào mong một lần được gặp người thân
TP - Suốt tuần nay, cả cái xã Vân Tảo (Thường Tín, Hà Tây) vốn nhỏ bé và bình yên, có cái nghề chổi đót, chổi chít bán rong trên chốn Hà thành này cứ nháo cả lên, cứ sôi động  mãi không thôi… Cả làng, cả huyện chỗ nào người ta cũng bàn tán về thầy Khoa.

>> Đông đảo bạn đọc lên tiếng ủng hộ thầy giáo Khoa
>> Cơ hội cho một cuộc cách mạng trong giáo dục

Bỗng dưng nổi tiếng

Một anh giáo làng bỗng dưng nổi tiếng, báo chí cả nước rồi truyền hình đổ về phỏng vấn, quay phim tấp nập. Ra đường, thầy nghe thấy nhiều người bình phẩm “Thằng Khoa này ghê thật!”, nhưng cũng có học sinh nói thẳng “Thầy lắm chuyện quá, để yên cho chúng em còn quay cóp với chứ”.

Đồng nghiệp và dân chúng đa số đều ủng hộ chuyện thầy công khai tố cáo tiêu cực tại HĐ thi Phú Xuyên A. Riêng những phụ huynh có con cái vừa thi tốt nghiệp trong vùng chắc không ủng hộ, thoáng chút áy náy, thầy  nói, vì tôi mà con cái họ bị đánh trượt thì gay.

Có đồng nghiệp cùng trường nói thầy dại, mà rằng “Hãy phục vụ cái nhu cầu đó của xã hội!”, rồi họ khuyên: Nên chọn điểm dừng cho đúng lúc. Như thế là đã đủ đánh động rồi, sang năm họ không chấn chỉnh hãy hay.

Chuyện vừa lên tivi, ngay lập tức thầy Khoa phải tiếp 3 vị trong ban phụ huynh của trường THPT Vân Tảo nơi thầy dạy, họ đề nghị thầy không được đưa đơn thư lên Bộ nữa, với lý do nếu Bộ làm cương quyết thì Vân Tảo và Thường Tín A phải “trượt hàng trăm cháu”.

Thầy Khoa bảo: “Chẳng lẽ cứ để tình trạng mua giám thị mãi thế này sao?”. Mấy vị này độp luôn: Phải tiếp tục mua chứ! Con cháu chúng tôi hổng kiến thức từ bé đến giờ, không mua có mà trượt hết!

"Tiêu cực thi cử thế này , nói dối thế này sẽ làm tha hóa cả 1 thế hệ học trò mất, trong đó có lỗi của chúng tôi, ai dám chắc trong số chúng lại không có những mầm mống của những Bùi Tiến Dũng... tương lai"

Điều này thầy Khoa hiểu họ nói đúng, bởi năm học 2003-2004 trường Vân Tảo của thầy thi thử tốt nghiệp (đề do Sở ra) đã trượt tới 90,6%, còn năm nay thi thử vào tháng 4/2006 cũng trượt tới trên 70% (do coi không ngặt như năm ngoái), ấy vậy mà tỉ lệ đỗ tốt nghiệp lúc thi thật lên tới… 98% mới lạ.

Hệ quả là nhiều học sinh biết tỏng thể nào cũng đỗ, sinh tư tưởng lười học, chữ thầy trả cô sạch bách.

Kể đến đây, thầy tâm sự : Lúc đó tôi vô cùng khó xử, họ về rồi mà tôi ngồi vò đầu bứt tai, thầm kêu lên : “Tôi phải làm gì đây hở ông Bộ, ông Sở ơi ?”. Chẳng lẽ chúng ta cứ mặc nhiên phục vụ cái nhu cầu được giả dối đó của xã hội mãi sao? Tôi ngồi suy nghĩ miên man…

Không được, đấu tranh thế là nửa vời. Cần phải cảnh tỉnh lương tâm toàn bộ thầy cô trong tỉnh Hà Tây mình. Chừng nào còn tình trạng thu tiền “chống trượt” để bồi dưỡng giám thị, chừng đó còn giả dối trong thi cử.

Thầy Khoa cho hay, đợt thi tốt nghiệp vừa qua, tiền “bồi dưỡng ôn thi tốt nghiệp” (dân gọi là tiền “chống trượt”) mà các trường thu mỗi HS trong vùng như sau: Trường Vân Tảo 100.000đ, Thường Tín A 100.000đ, Tô Hiệu 80.000đ, Nguyễn Trãi 120.000đ, Phú Xuyên B 200.000đ… Tất cả đều dưới danh nghĩa học sinh tự nguyện, đóng góp cho Hội phụ huynh.

Thầy Khoa kể “Tiền này dùng để phong bì cho giám thị, chi ăn uống 3 ngày, như Phú Xuyên A năm nay là 400.000đ/giám thị  tiền phong bì, 300.000đ tiền ăn uống trong 4 ngày… Đổi lại, các giám thị phải làm ngơ cho người phục vụ, bảo vệ đi lại tự do để ném bài”.

Tôi hỏi lại, làm sao mà anh biết tiền ăn hết 300.000đ, thầy cười chua xót “thì trước khi thi, họp giám thị, đại diện phụ huynh trường vào công bố như vậy mà”.

Năm nay, thầy Khoa được cử làm giám thị tại trường Phú Xuyên A. Sau khi vụ việc lộn xộn, bát nháo tại đây được dư luận cả nước biết đến, có người bảo “Trường Phú Xuyên A gặp hạn do cái ông Khoa khùng này rồi”.

Tại buổi bàn tròn trực tuyến trên Tiền phong Online, có mặt cả ông Phó Chánh Thanh tra Bộ Trần Bá Giao, thầy Khoa bức xúc thuật lại : “Họ mang cả chồng lời giải, ngang nhiên vào tận phòng thi vãi như vãi thóc cho thí sinh”.

Hôm đó, Phú Xuyên A đã thi được 4 môn mà không có cách gì để ngăn chặn được, 10h đêm ngày 1/6, suy nghĩ mãi cuối cùng thầy Khoa quyết định gọi điện thoại trực tiếp cho Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long để trình bày sự việc.

Được sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo Bộ, thầy Khoa đã tiến hành ghi âm, ghi hình lại những hành động tiêu cực trong kỳ thi làm bằng chứng để nộp cho Bộ. Trước khi nộp “tang chứng, vật chứng” lên Bộ, thầy giáo Khoa cho biết, đã gọi điện cho một vị Phó GĐ Sở, nhưng ông này nói bận, hãy gọi lại sau vì đang chỉ đạo thi (?!).

“Lạ là chờ mãi tôi vẫn chẳng thấy Bộ làm gì, lại đùn xuống Sở. Tôi thấy cách xử lý này không ổn bèn quyết định công khai danh tính của mình để tiếp tục đấu tranh chống tiêu cực. Và tôi trở thành người nổi tiếng… bất đắc dĩ từ đó.

Tôi cũng không ngờ báo chí lại vào cuộc mạnh mẽ đến thế. Hôm tôi được Sở mời tới làm việc, dễ có tới ba chục phóng viên các báo đài kéo tới chật cả sân Sở. Cũng mừng là giờ đây tôi không cảm thấy mình đơn độc nữa rồi”.

Thiên hạ bây giờ cũng không ít người cho rằng thế là dại, chẳng được gì mà lại lụy tới thân, thậm chí có người còn suy diễn, chắc có vấn đề, động cơ gì đây mới làm um lên thế chứ…

Động cơ gì mà tố cáo?

Tâm sự của người thầy nổi tiếng bất đắc dĩ ảnh 1
Vợ và 2 con của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Ảnh : tư liệu gia đình

Ngồi đối mặt, trò chuyện với người thầy tuổi Thân (SN 1968) có tới 2 bằng ĐH của Đại học Tổng hợp HN này (chuyên ngành Địa chất và Toán – Tin), cuối cùng tôi cũng tìm được điều lý giải mà người đời bây giờ thường cho đó là dại dột…

Người lo nhất bây giờ chính là người vợ hiền thân yêu của Đỗ Việt Khoa, chị kém anh tới 10 tuổi, xinh đẹp, nết na. Thầy Khoa kể, hôm có tờ báo điện tử đưa tin, đại loại chắc ông giáo này có ý đồ gì đây nên mới kiện cáo, cũng nhận phong bì bồi dưỡng giám thị chứ có kém ai…, vợ anh đã bị sốc và khóc ròng suốt cả đêm.

Chị lo cho chồng, lo cho gia đình bé nhỏ của mình cùng 2 đứa con nhỏ, ngộ nhỡ miệng lưỡi người đời oan nghiệt, họ vu cho mình cái gì thì sao ? Lại còn cái quán Net nhỏ bé mà chị ở nhà phụ giúp chồng kiếm đồng ra đồng vào ở chốn quê này nữa, ngộ nhỡ họ kiếm cớ hạch sách nọ kia thì… Khổ cho chị, suốt tuần nay người gầy hẳn đi vì lo lắng, vì sợ trả thù…

Thầy giáo Khoa rất yêu và tự hào về cái gia đình bé nhỏ của họ, hai đứa con, cô lớn lên 10 còn cậu út mới lên 4 đều rất ngoan và học giỏi. Cô con gái lớn học lớp 4 từng được giải 3 học sinh giỏi toàn huyện.

Thầy bảo: “Hai đứa nó giống tính tôi, bắt nói dối cũng không thể nào nói được. Chúng ra ngoài đường thường bị trêu là tồ”.

Khoa lấy vợ muộn, năm 29 tuổi sau khi làm thầy giáo nhiều năm ở quê mới cưới vợ. Khoa cười bảo tôi: “Lúc cưới, cô dâu mới 19 tuổi, nhiều người cứ trêu bảo là tôi lấy học sinh, nhưng đâu phải. Tiêu chí của tôi là phải lấy được vợ thùy mị, nết na và xinh đẹp, không cần phải nhiều chữ quá. Cả mấy tiêu chí tôi đều có được”.

Tâm sự của người thầy nổi tiếng bất đắc dĩ ảnh 2
Vợ thầy giáo Khoa giờ đây là người lo lắng nhất, chị lo cho cái gia đình bé bỏng này... Trong ảnh : Hai con nhỏ của thầy Khoa (ảnh tư liệu gia đình)

Rồi Khoa kể: “Vợ tôi hiền lắm, hồi mới về làm dâu toàn bị trêu là tồ. Cô ấy sinh ra và lớn lên giữa bản Mường ở vùng núi Kim Bôi, Hòa Bình mà, mặc dù là người Kinh”.

Mãi đến tận khi báo đăng, người vợ hiền của Khoa mới tá hỏa lên khi biết chồng mình lại cả gan làm cái chuyện động trời ấy. Nhưng sống với nhau lâu, chị đã quá hiểu tính khí anh, hễ ngoài đường mà có đám đánh nhau, thể nào anh cũng nhảy vào can ngăn cho bằng được.

Giải thích mãi với vợ, cuối cùng chị cũng nghe ra, đành chịu mà rằng “Anh thì cũng anh hùng quá rồi còn gì, thôi đâm lao đành phải theo lao…”.

Được cái, bố anh Khoa, nguyên kỹ sư Viện Thiết kế Thủy lợi (Bộ Thủy Lợi cũ) đã nghỉ hưu lại là người rất đồng tình ủng hộ anh.

Khoa nói “Tôi giống hệt ông cụ ở cái tính cương trực, ngay thẳng”. Cụ thấy tôi trên tivi, chỉ sang nhà và bảo “Cẩn thận nhé, có đủ bằng chứng không ?”.

Đứng trên bục giảng suốt 12 năm qua, là hàng chục lần thầy giáo Khoa được phân công coi thi đủ các cấp. Trước năm 1999, thầy Khoa cho hay, tình hình thi cử vẫn còn khá nghiêm túc. Nhưng sau đó, thì mỗi lần đi coi thi tốt nghiệp về, từ tận đáy lòng của người thầy trung thực này lại cảm thấy nhói đau…

Thầy Khoa tâm sự: “Tôi cũng có lần nhận phong bì như những thầy cô khác, song nói thực những lần đó đêm về không ngủ được, cứ day dứt, áy náy lương tâm cái nghề làm thầy lắm. Sao mình nỡ cầm ngần ấy tiền của bà con nghèo.

Nhiều lần tôi cay đắng tự hỏi lòng mình: Lẽ nào cái gọi là lương tâm lại bị người ta mua rẻ đến thế thôi sao ? Ngay từ năm học 2002- 2003, chịu không nổi tôi đã có ý kiến với Hội đồng thi này, họ nói sẽ sửa chữa, vậy mà năm nay tình trạng này lại tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn…”.

Là giáo viên Toán dạy giỏi (thầy Khoa còn tham gia dạy cả môn Địa lý nữa vì có cả bằng về Địa chất), yêu nghề, rất chân thành và dân chủ với học sinh nên được các em yêu mến và kính trọng. HS của thầy Khoa nhiều em đã đoạt giải Nhất toán toàn tỉnh, có em thi đại học đạt điểm tuyệt đối 30/30, giờ đi du học tại Nga vẫn viết thư về cho thầy thường xuyên.

Thầy kể, HS ở quê, nhiều em nghèo lắm, đến tiền học phí 22.000đ/tháng cũng không đóng nổi. Tôi không như một số GV khác, đến kỳ nộp học phí em nào chưa có họ bắt nghỉ học về nhà lấy tiền, ở lớp tôi chủ nhiệm thường thì mình hay ứng trước cho một số em để nộp nhà trường cho đúng hạn. Có em nhà hoàn cảnh quá, tôi đành bịa ra là mình xin được Hội Chữ thập đỏ nọ kia tiền hỗ trợ rồi, khỏi phải đóng. Nói vậy để em đó khỏi xấu hổ hoặc tủi thân thôi, tôi mà nói là tiền của thầy chắc em không dám nhận.

Tính tôi hay thương người nghèo, hồi còn sinh viên đi thực tập thăm dò khoáng sản cùng đoàn địa chất trên Sơn La, thấy bà con dân tộc bị hỏng máy khâu, tôi sửa hộ dễ đến vài chục chiếc, họ không có gì toàn bê gà đến cảm ơn. Tôi không lấy, biết chuyện về sau mấy anh trong đoàn phải cử hẳn một người ở nhà cùng tôi để thi thoảng nhận con gà cải thiện, họ bảo “không ở nhà giám sát, thằng này nó lại trả người ta thôi”.

Thầy Khoa kể, chuyện xin điểm ở trường tôi chưa bao giờ có, vậy mà vừa rồi có 2 vị phụ huynh lớp 11K mang phong bì tới tận nhà, xin nâng điểm, tôi kiên quyết trả lại và nói các bác đã làm hư các em. Hôm sau tới lớp, tôi cũng đã phải nhắc nhở các học sinh này.

Kể tới đây, thầy Khoa lắc đầu buồn bã nói : “Tôi nghĩ, đã đến lúc xã hội ta cần bỏ thói quen chạy chọt trong học hành đi, cũng là cái bệnh thành tích cả thôi, con cái mà không có thành tích học tập theo ý mình thì chì chiết, rồi chạy vạy cho bằng được…”.

Cả cái trường Vân Tảo, thậm chí mấy vị lãnh đạo cũ của Sở Hà Tây chắc từ lâu chả lạ gì tính khí trung thực, dám đấu tranh vì lẽ phải của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Trường đang xây dựng lại, đi ngang qua thấy thợ trộn bê tông gì mà lạ - một nửa bao xi mà độn tới 5,6 thúng cát và 6,7 thúng đá – liền xông tới tắt ngay máy trộn không cho thợ làm nữa. Rồi những chuyện có thầy giáo nóng tính đánh học sinh, có thầy xâm phạm nữ sinh… tất cả đều bị thầy Khoa lên tiếng mạnh mẽ tới cùng.

Tính người thầy trung thực, khảng khái tới mức, sau đó được Hiệu trưởng phân công làm giám sát xây dựng một ngôi nhà 2 tầng khác, rồi chính anh cũng là người được phân công lập bản chấm thi đua rất chặt chẽ và khoa học cho các GV trong trường, song theo lời thầy Khoa, rất tiếc bao công sức hàng tuần liền với khả năng của 1 cử nhân Toán – Tin lập nên cái hệ thống chấm điểm đó lại bị người ta vứt xó không lý do.

Sau những ưu tư đầy trăn trở của anh, tôi hỏi thẳng “Thầy giáo vẫn còn yêu nghề chứ ?”.

Khoa im lặng giây lát rồi bộc bạch “Vẫn yêu cái nghề trồng người cao quí này lắm. Nhưng mà nếu tình trạng tiêu cực không chấm dứt, có lẽ tôi cũng phải dứt áo ra đi… Cũng mừng là xã hội còn nhiều người thầy tâm huyết như thầy Văn Như Cương, trong bàn tròn trực tuyến của TPO, chính ông đã có lời mời tôi về dạy tại trường dân lập Lương Thế Vinh nếu… Song tôi tin là sẽ không có chữ nếu này”.

“Mong ước trong nghề của tôi là xã hội cần có những người thầy cho đúng nghĩa, hãy dạy cho học sinh chúng ta trước hết cái tính trung thực, nói thật. Ngành Giáo dục – Đào tạo phải làm sao cho đúng nghĩa của từ này, dạy người thì phải đi trước người, phải làm gương cho cả xã hội chứ, sao lại chấp nhận tiêu cực, còn gì là Giáo dục nữa…”.

Tôi đấu tranh vì lẽ đó, chứ tuyệt nhiên không vì mục đích nào khác, danh lợi càng không ham. Có người gợi ý tôi vào Đảng, tôi nhìn trước ngó sau rồi trả lời “Hãy cứ để tôi ở ngoài đã, như vậy dễ nói, dễ đấu tranh hơn”.

Trước khi chia tay, thầy giáo Đỗ Việt Khoa thanh minh:

“Có tờ báo giật tít "Giám thị tố cáo giám thị", tôi gọi điện nhờ sửa nhưng họ không sửa. Thực lòng tôi cũng như đa số các thầy cô khác chỉ là nạn nhân, tôi chỉ muốn đấu tranh cho sự trung thực trong cái nghề này mà thôi. Tôi không muốn tố cáo thầy cô nào cả, chỉ muốn chấm dứt kiểu thi cử này.

Các em học sinh mà ngộ nhỡ vì tôi bị đánh trượt mong cũng thông cảm cho, tôi không muốn thế, chỉ muốn các em hãy vào đời bằng chính đôi chân của mình. Tôi đành làm một người nổi tiếng bất đắc dĩ”.

Hà Nội, mùa thi 2006
Nguyễn Việt Hùng

Về một số học sinh có bài thi phải phúc tra ở Hà Tây:

Chưa có phương án xử lý cụ thể

Các học sinh trường THPT Phú Xuyên A (Hà Tây) và  một số trường THPT khác đang  nằm trong diện  chấm phúc tra lại bài thi theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT  đang chịu sức ép rất lớn trước việc chấm lại bài thi này. Dư luận không khỏi quan tâm đến số phận của các thí  sinh này trước kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2006 đang đến rất gần. Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long đã trao đổi nhanh về vấn đề này.

Các em học sinh thuộc diện đang được chấm lại bài có  được thi ĐH, CĐ bình thường hay không?

Cho đến giờ phút  này, tôi cho rằng các em vẫn cứ  tham dự kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ 2006 một cách bình thường như các học sinh khác trên toàn quốc vì mặc dù đến trước ngày 1/7 các sở sẽ phải báo cáo lại kết quả chấm nhưng ngành vẫn chưa xử lý được toàn bộ thông tin như Hội đồng thi đóng vai trò gì,  thực chất vụ việc thế nào, nguyên nhân từ đâu...

Vậy sau khi đã xử lý xong vụ việc, những học sinh “có vấn đề” nếu thi đỗ đại học có bị huỷ bỏ kết quả thi đại học hay không?

Tất cả các phương án giải quyết cho các học sinh sẽ được bàn luận, trình Bộ trưởng quyết định nên chưa thể nói trước điều gì.

MỚI - NÓNG