Quan chức dân sự biến thành “quân nhân”

Quan chức dân sự biến thành “quân nhân”
TP - Từ nhiều năm qua, việc thi tốt nghiệp Bổ túc THPT Gia Lai làm nhức nhối dư luận, bởi nhiều người được “phù phép” hồ sơ từ dân sự biến thành quân nhân để thi và đều đỗ 100%, trong đó khá nhiều người là quan chức.

Ngày 23/5/2006, trước kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT 2006 đúng 1 tuần, trường Thiếu sinh quân Dân tộc Quân khu 5 tại Gia Lai đã đình chỉ thi, trả lại hồ sơ, và tiền cho hơn 800 thí sinh sai đối tượng mà trường này cố tình tuyển sinh (Báo Tiền phong đã phản ánh).

Bí thư Huyện ủy cũng thành quân nhân

Ông Lâm Thế Tổng (sinh 1957) Bí thư Huyện ủy Chư Pah - Gia Lai từ năm 2004, trước đó là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chư Pah, mấy chục năm qua ông làm cán bộ công chức Nhà nước.

Việc học vấn của mình ông Tổng cho biết: Khoảng năm 1972-1973,  đang học cấp 2 ở quê Bình Định thì đến tuổi quân dịch nên bỏ trốn vào Sài Gòn, vừa làm vừa học hàm thụ, có giấy chứng nhận “Hàm thụ văn hóa” hết lớp 10.

Sau 1975, ông Tổng lên Gia Lai công tác, thông qua nhiều cương vị khác nhau, ở nhiều cơ quan song không học văn hóa thêm.

Từ năm 2002-2003, trường Thiếu sinh quân Dân tộc (TSQ-DT) Quân khu 5 kết nghĩa với xã Nghĩa Hưng-huyện Chư Pah, biết ông Tổng là Chủ tịch UBND huyện chưa có bằng cấp 3 nên lãnh đạo nhà trường gợi ý “giúp đỡ” để ông Tổng làm thủ tục thi tốt nghiệp tại đây.

Ông Tổng cho rằng chính ông Nguyễn Viết Toại (Hiệu phó), ông Lê Quang Minh (Hiệu trưởng) đã gợi ý  ông thi trường này.

Ông Tổng thừa nhận mình không đến trường đến lớp học bổ túc lớp 12, chỉ tự học và gửi bài kiểm tra để làm hồ sơ!

Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Chư Pah là Đặng Đình Chiến đã “phù phép” giúp Chủ tịch Lâm Thế Tổng “học từ xa” lớp 12, bỏ qua lớp 11, làm hồ sơ học bạ giả là quân nhân để ông Tổng thi tốt nghiệp bổ túc THPT ở trường TSQ-DT Quân khu 5 niên khóa 2003. Năm 2004, ông Tổng  lên chức Bí thư Huyện  ủy Chư Pah cho đến nay.

Hàng trăm người được “phù phép”

Chúng tôi có trong tay danh sách 713 thí sinh đã tốt nghiệp bổ túc THPT năm 2005 tại hội đồng coi thi trường TSQ-DT Quân khu. 

Một số người am tường cho biết hàng trăm thí sinh đã tốt nghiệp có tên trong danh sách này không phải là quân nhân, không đúng đối tượng tuyển sinh của nhà trường mà đủ các thành phần bên ngoài.

Chỉ cần có học bạ THPT do một trường nào đó xác nhận là được đưa vào đây hợp thức hóa thành “quân nhân” và thi tốt nghiệp như: Phan Tuấn Anh ở thị trấn Đắc Đoa, Nguyễn Thanh Cẩm, cán bộ y tế xã Hòa Phú-Chư Pah (hiện đang học đại học tại Huế), Nguyễn Phi Cường -Phó Trưởng Đài PTTH Mang Yang...

Nhiều quan chức như Trần Thanh Chi -Phó Trưởng Đài PTTH Đắc Đoa, Lê Thị Gái ở Phòng Văn hóa -thông tin Đắc Đoa, Nguyễn Sanh-Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị Đức Cơ, Nguyễn Thị Kim Hương, Trưởng Phòng Giáo dục thị xã An Khê (đều là đảng viên)... không rõ bằng cách nào những người này đã biến thành công nhân viên quốc phòng để có bằng tốt nghiệp bổ túc THPT ở trường TSQ-DT Quân khu 5.

Công văn 147 ngày 12/6/2006 Bộ Tư lệnh Quân khu 5 gửi báo Tiền phong khẳng định: “Cơ quan điều tra hình sự Quân khu đã xác minh bước đầu  phát hiện thấy có dấu hiệu ở 8/29 đầu mối đơn vị có thí sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai gửi đến trường được giới thiệu là công nhân viên quốc phòng có trường hợp là dân thường được hợp pháp hóa giấy giới thiệu của đơn vị” (trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THPT 2006).

Tuy nhiên đến nay không rõ việc điều tra đến đâu mà số cán bộ đào tạo và Ban giám hiệu trường TSQ-DT QK5 đều yên vị. Dư luận vẫn chờ đợi sự trả lời của cơ quan điều tra.

Kỳ tuyển sinh năm 2006, danh sách niêm yết của trường có hàng trăm thí sinh của Biên phòng tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Song qua xác minh của chúng tôi, cả hai cơ quan này đều cho rằng không phải người do đơn vị đưa lên. 

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.