Nước mắt Lạng Khê

Nước mắt Lạng Khê
TP - Đêm 7/10, bản Chôm Lôm (Lạng Khê, Con Cuông) thức trắng. Tiếng khóc não nề cất lên từ những căn nhà sàn, bóng người bó gối ngồi bên bờ sông ngóng tìm con như hóa đá.
Nước mắt Lạng Khê ảnh 1

Nước mắt cô giáo Trường THCS Lạng Khê. Ảnh: QLong

Nỗi đau càng nhức buốt vì đã hai ngày trôi qua lực lượng cứu hộ mới chỉ tìm được một thi thể, vẫn còn 18 học sinh mất tích.

Bản Chôm Lôm hướng ra dòng sông Lam, nước sông cuồn cuộn bốn mùa. Cách đây chưa lâu, người dân trong bản đã thức trắng nhiều đêm để tìm xác một số nạn nhân bị chìm dưới đáy sông, nhưng đêm rồi mới là đêm đại tang của bản làng.

Không chỉ người thân các em Chôm Lôm mà cả xã Lạng Khê không ai chợp mắt. Người mải miết chèo thuyền mò mẫm dưới sông, người ngóng đợi trên bờ.

Thi thoảng có một chiếc thuyền tấp vào bãi sình lầy, dân bản Chôm Lôm lại ùa nhau đến, hỏi dồn dập: “Đã tìm thấy cháu nào chưa?”, “Có tin gì không?”. Kẻ dưới bến lắc đầu, im lặng; Người trên bờ úp bàn tay vào mặt, oà khóc.

Căn nhà sàn của ông Lô Văn Lai nằm bên bến Chôm Lôm vắng lặng, ông Lai đang xuống xóm dưới thắp hương cho đứa cháu ngoại Lương Mạnh Hùng (học sinh lớp 8a).

Sáng 7/10, hai ông cháu cùng đi trên chuyến đò định mệnh, khi đò chìm ông Lai vật lộn với sóng nước, dìu 5 nạn nhân vào bờ an toàn.

Nhưng trong cơn hoạn nạn, ông đã để thủy thần cướp mất chính đứa cháu ngoại của mình. Giọng ông nghẹn ngào: “Lúc đó, tôi chẳng xác định được là phải cứu cháu tôi hay con cái nhà ai.

Cởi hết quần áo dài cho đỡ vướng víu, tôi lao thẳng vào dòng nước đục ngầu nơi có mấy chục sinh linh đang vùng vẫy tuyệt vọng, đưa tay kéo từng người vào bờ.

Đến lúc kiệt sức, nhìn lại chỗ đắm đò thì con thuyền đã biến mất, đứa cháu cũng mất tích theo dòng nước”.

Tiếng khóc thảm thương chìm vào màn đêm lạnh giá. Dòng Lam đục ngầu vô tình mải miết trôi.

Ông Lô Vĩnh Thương- người có tới 6 đứa cháu cả nội lẫn ngoại bị rơi xuống sông Lam và mất tích. Hết cào cấu bờ cát, ông trườn đến đống dép của 19 thiếu niên tử nạn sóng tấp vào bên bờ, bàn tay ông mân mê từng chiếc dép để tìm hơi ấm của những sinh linh bé bỏng.

Như hóa điên hóa dại, ông quay ra phía bờ sông rồi sụp xuống vái lạy trời đất, gào thét gọi tên từng đứa cháu, đòi sông nước trả về những gì mà dòng sông đã nhẫn tâm mang đi.

Cả đêm qua, ông Lô Vĩnh Thương thức trắng, cơ thể rắn chắc của một nông dân miền sơn cước đã suy sụp sau vụ đắm đò, rã rời sau ngày đại tang. 

Chẳng ai bảo ai, thanh niên xã Lạng Khê đã kết thành từng đoàn người tỏa đi khắp các eo sông, luân phiên nhau túc trực dọc bờ sông Lam đoạn từ Lạng Khê đến Châu Khê, Chi Khê. Đêm thật dài, họ ra đi rồi trở về trong vô vọng.

Người dân bản Chôm Lôm hai hôm rồi quên ăn quên ngủ, nhà không đỏ lửa, bếp không cời than, u buồn trong tiếng khóc não nùng. “Mắc nợ gì, sông ơi! Những đứa trẻ nào có tội tình chi!”, tiếng thì thầm nguyền rủa dòng sông đục.

Sau vụ đắm đò, Trường THCS Lạng Khê đóng cửa, lớp học vắng tanh. Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng kể: “Vừa nghe tin đắm đò, chúng tôi chưa kịp ra bờ sông thì hàng chục phụ huynh lao vào sân trường.

Nước mắt Lạng Khê ảnh 2
Nỗi đau của người mẹ mất con  Ảnh: QLong

Có người mẹ cất tiếng gọi tên con, không một tiếng trả lời, biết con mình tử nạn, họ nằm vật ra sân khóc lóc thảm thương.

Ban giám hiệu đánh trống bãi tiết học giữa chừng, các cô giáo chủ nhiệm điểm danh học sinh trong từng lớp, toàn trường 420 em, thiếu 19 người. Thầy cô giáo vội bỏ lớp, lao ra bến Chôm Lôm. Nhiều cô vừa chạy vừa khóc, vừa gọi tên học sinh”.

Đã nghèo nay lại thêm “đau”

Lạng Khê nghèo lắm. Toàn xã có 7 bản, 3 bản bên kia sông học sinh đi học phải qua đò. Trong khi nhiều xã của Nghệ An “cơ bản thoát nghèo, vươn lên làm giàu” thì ở Lạng Khê vẫn còn hơn 200 hộ ở nhà dột nát, 2 bản làng đang bị đói nghèo đe dọa.

Phần nhiều học sinh Chôm Lôm sinh ra trong những gia đình khó khăn, thiếu thốn. Trên chuyến xe về Con Cuông, ông Lê Tiến Hưng - GĐ Sở GD-ĐT Nghệ An kể: “Đêm 7/10 tôi dự một cuộc họp với toàn thể giáo viên Trường THCS Lạng Khê, các cô thiết tha đề xuất: “Đề nghị Sở hỗ trợ áo mưa cho học sinh đi học”.

Có cô sụt sùi: “Thương lắm thầy ạ, học sinh bản Chôm Lôm nhiều hôm đi học không có áo mưa, đến được trường thì đã ướt sũng, lạnh cóng. Mùa đông, các em phải mặc áo ấm của bố, rộng thùng thình. Có em đang học đói quá, ngất lịm trên bàn, chúng em phải pha nước đường với gừng cho học sinh uống mới hồi tỉnh”.

Khó khăn là vậy, nhưng con em bản Chôm Lôm vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp, vượt sông đi học cái chữ”. Cần thay, những tấm lòng sẻ chia giúp đồng bào vùng sơn cước này vượt qua cơn hoạn nạn, vượt qua nỗi đau của “đại tang”.

Trèo qua một con dốc, chúng tôi đứng trước một ngã ba của làng bản Chôm Lôm. Nơi con đường sình lầy có 3 nhánh rẽ ấy, dòng sông đã cướp đi 5 sinh mạng. Trong căn nhà sàn hiu quạnh vọng ra tiếng khóc, tiếng than, tiếng gọi con của những người mẹ, người chị.

Bà Lô Thị Huyền có hai cô con gái La Thị Thúy - lớp 8a và La Thị Ngân - lớp 7a ra đi trong vụ đắm đò kinh hoàng sáng 7/10. Bà Huyền nằm trên giường vật vã, ngất lên ngất xuống, y tá bản phải truyền dịch thâu đêm vì bà đã kiệt sức.

Nỗi đau của người mẹ nhân lên gấp bội phần, khi trong cùng một ngày 2 đứa con tuột khỏi mái ấm gia đình. Bà ngoại của hai cháu Thúy - Ngân năm nay 80 tuổi, sức cùng lực kiệt, giữa lúc tang gia bối rối khiến cụ càng thêm suy sụp.

Bế đứa cháu trai út chưa tròn 1 năm tuổi - em ruột của Thúy - Ngân, khóe mắt già nua đầm đìa, cụ khóc không thành tiếng. Nỗi đau quá lớn, nỗi đau lặn vào tâm can một thân phận đã chịu nhiều khổ cực đường đời. Cụ oán trách: “Sao trời không mang tôi đi, cho tôi chết để 2 cháu nhỏ được sống !?”.

Cạnh nhà chị Huyền, vợ chồng ông Lộc Văn Tuân thẫn thờ bên tấm áo của cô con gái đầu lòng Lộc Thị Hoạch (14 tuổi, lớp 8a, 1 trong 19 học sinh tử nạn).

Em trai Lộc Văn Hiệu kể trong nước mắt: “Khi đò lật, cháu biết chị Hoạch không bơi được nhưng cháu còn nhỏ quá, không cứu được chị. Khi cháu bơi vào đến bờ thì không  thấy chị đâu nữa”.

Gia đình ông Lương Văn Mại có 2 con Lương Thị Loan, Lương Thị Anh thiệt mạng. Người cha ngậm ngùi: “Hai đứa ra đi, đến cả một bức ảnh thờ cũng không có.

Chỉ còn mấy bộ quần áo, đôi dép, mai mốt rồi cũng phải đốt cho con”. Như nhiều hộ khác ở Chôm Lôm, nhà ông Mại chỉ biết trông chờ vào rẫy lúa, nương ngô. Liệu người đàn ông trụ cột của gia đình bất hạnh ấy có vượt qua được nỗi mất mát đau thương? Bao giờ mới lành lại vết thương lòng?

Ông Mại u buồn: “Biết khi nào nỗi nhớ con mới dịu bớt, nguôi ngoai? Tôi cầu trời khấn phật cho hai con tôi trở lại với đất Chôm Lôm, yên nghỉ nơi nó đã sinh ra”.

Lô Đình Hoan (lớp 8a), Lô Đình Hoạt (lớp 6a) là hai anh em ruột. Từ nhỏ, Hoan và Hoạt quen với sông nước, bơi rất giỏi. Khi đò chìm, hai anh em nhảy xuống sông bơi vào bờ, quẳng mấy cây tre ra giữa dòng để các bạn bám lấy, nhờ đó mà nhiều người thoát nạn. Riêng Lô Đình Hoạt còn cứu được chị Lô Thị Tặm, học trên Hoạt 2 lớp.

Rời “ngã ba đau thương” của bản Chôm Lôm, chúng tôi tới một triền đồi, nơi có 3 ngôi nhà sàn kề liền nhau: Hộ gia đình ông Lô Văn Xuân, Lương Văn Ất và bà Lộc Thị Mai.

Sau một ngày tìm con trong âu lo, họ mỏi mệt trở về căn nhà vắng lạnh thức chờ con. Căn nhà nghèo nàn quạnh hiu giờ đây muôn phần hiu quạnh. Khi chưa có tin tức về 18 học sinh đã mất tích, Lạng Khê sẽ còn nhiều đêm dài vật vã, đớn đau.

MỚI - NÓNG