Vụ điện kế điện tử: 11/13 mẫu thử nghiệm không đạt chất lượng

Vụ điện kế điện tử: 11/13 mẫu thử nghiệm không đạt chất lượng
Theo đoàn đánh giá chất lượng điện kế điện tử, các mẫu đưa đi thử nghiệm trong và ngoài nước đều đạt chất lượng, trừ 11 mẫu thử nghiệm tại TT Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (TT 3).
Vụ điện kế điện tử: 11/13 mẫu thử nghiệm không đạt chất lượng ảnh 1
Nhân viên Điện lực Sài Gòn chốt chỉ số tính tiền bồi hoàn cho khách hàng tại quận 1 sau vụ Điện kế điện tử.

Vào khoảng 5-2006, đoàn đánh giá chất lượng đã đưa hàng loạt mẫu ĐKĐT đi thử nghiệm ở Trung Quốc, Indonesia và VN. Riêng ở VN, đoàn đánh giá chất lượng ĐKĐT đưa 36 mẫu đến 3 đơn vị trong nước để thử nghiệm là Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Công ty Thiết bị đo điện (EMIC) và Trung tâm 3. Trong đó, riêng chỉ tiêu tương thích điện từ (EMC), chỉ có Trung tâm 3 có khả năng thực hiện thử nghiệm.

Điều bất ngờ là trong đợt thử nghiệm đầu tiên vào 5-2006, trong 12 mẫu ĐKĐT được thử nghiệm tại Trung tâm 3 có đến 10 mẫu không đạt chất lượng. Trong 12 mẫu này, có 1 mẫu không đạt chất lượng chỉ tiêu độ chính xác nên không thử nghiệm tiếp các chỉ tiêu còn lại, 11 mẫu còn lại thì có đến 9 mẫu không đạt chất lượng về tương thích điện từ.

Tháng 8-2006, đoàn đánh giá chất lượng ĐKĐT, có sự tham gia của các chuyên viên kỹ thuật về EMC của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Học viện Kỹ thuật Quân sự, đã yêu cầu Công ty Điện lực TPHCM gửi thêm 3 mẫu ĐKĐT và cùng chứng kiến việc thử nghiệm EMC tại Trung tâm 3.

Kết quả thử lại mẫu đầu tiên trong 3 mẫu gửi cho thấy ở 4 tần số thử nghiệm khác nhau, mẫu ĐKĐT có sai số biến đổi từ 80% đến 95% so với sai số quy định (<2%).

Đoàn đánh giá chất lượng ĐKĐT đã không yêu cầu Trung tâm 3 thử nghiệm tiếp 2 mẫu còn lại và đã lập báo cáo nội dung và kết quả thử nghiệm nói trên trình Bộ Công nghiệp để báo cáo Chính phủ. Qua đây cho thấy kết quả thử nghiệm ĐKĐT ở Trung tâm 3 là đáng tin cậy.

Sẽ không chính xác nếu không chống nhiễu được

Theo nguồn tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay cả nước chỉ có Trung tâm 3 có phòng thử nghiệm tương thích điện từ khá hoàn chỉnh với các thiết bị hiện đại nhập từ Nhật, Mỹ, Đức và mới đưa vào sử dụng sau khi vụ ĐKĐT xảy ra. Hệ thống thử nghiệm EMC này đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế mới nhất và được đầu tư làm 2 giai đoạn.

Chỉ riêng giai đoạn đầu, giá trị đầu tư đã lên đến 21 tỉ đồng, có khả năng thử nghiệm khoảng 75% nhóm chỉ tiêu tương thích điện từ; giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư tiếp để có thể thử nghiệm đầy đủ nhóm chỉ tiêu tương thích điện từ với mục tiêu phục vụ việc sản xuất tiêu dùng và xuất khẩu sản phẩm điện - điện tử của nước ta.

Theo các chuyên gia đầu ngành về điện và điện tử, tương thích điện từ là chỉ tiêu hết sức quan trọng không những đối với chất lượng ĐKĐT mà còn đối với tất cả các thiết bị điện tử khác.

Do môi trường sống của chúng ta có rất nhiều sóng điện từ tạo ra từ các thiết bị điện thoại di động, khoan điện, động cơ điện, máy sấy tóc, đồ chơi trẻ em có thiết bị điều khiển từ xa... vì vậy, sẽ có một số sóng điện từ ảnh hưởng đến độ chính xác của ĐKĐT về phương diện đo lường. Vì vậy, ĐKĐT phải có khả năng chống nhiễu phù hợp.

Theo Dũng Tuấn
NLĐ

MỚI - NÓNG