Cười ra nước mắt từ bộ phim hài ăn khách nhất hiện nay

Cười ra nước mắt từ bộ phim hài ăn khách nhất hiện nay
TPCN - Bộ phim hài của Lorry Charles, Borat: Những bài học văn hóa của Mỹ làm lợi cho dân tộc Kazakhstan vinh quang (tạm dịch từ nguyên văn - Borat: Cultural Learnings of America for Make Benefit Glorious Nation of Kazakhstan), đang là một hiện tượng của điện ảnh toàn cầu.
Cười ra nước mắt từ bộ phim hài ăn khách nhất hiện nay ảnh 1
Một cảnh trong phim. Borat ngồi giữa          

Trình chiếu đồng loạt ở Bắc Mỹ và nhiều quốc gia từ đầu tháng mười một, nó thu về 118 triệu USD (Hoa kỳ và Canada: 74 triệu; nước ngoài: 44 triệu) trong vòng nửa tháng đầu phục vụ.

Doanh thu của nó chắc chắn còn tăng nhiều, bởi lẽ nó đang được bàn tán sôi nổi bậc nhất khắp hành tinh…

Đối với đông đảo người xem bình thường, chuyện vui có thể bỗ bã, thậm chí hơi tục tĩu. Cái khó và được họ chờ đợi là biết hướng tiếng cười  vào đúng mục tiêu. Cái cười phải bột phát, giầu sắc thái và thâm trầm. Những điều này đều có trong Borat.

Công đầu thuộc về diễn viên chính đồng thời là đồng tác giả kịch bản Sacha Baron Cohen, 35 tuổi, công dân Anh. Cha anh là người Pháp, mẹ Israel. Anh từng “mài đũng quần” ở Cambridge, dự định thành giáo sư, chuyên ngành luật dân sự. Có điều virus hài kịch nhiễm vào anh từ lâu.

Cho nên, anh tham gia rất sớm vào các loạt phim truyền hình đặc biệt, và thành danh từ 1995. Năm 1998, đáp lời kêu gọi của hãng Chanel 4, anh thử sáng tác kịch bản và thành công ngay.

Cho đến giờ, anh đã tham gia 11 phim nhựa và truyền hình. Một phim cho 2007 đã đi vào hậu kỳ. Hai phim cho 2008 thì đang quay hay đã chuẩn bị xong để dàn dựng.

Anh nổi tiếng từ nhân vật Ali G (2002). Sau đó là Bruno, ký giả thời luận về mốt, người áo. Và bây giờ là Borat, phóng viên Kazakhstan. Từ 2003, anh đã được các hãng truyền hình và điện ảnh lớn của Hoa kỳ để mắt đến. Borat là phim hợp tác với Hãng 20th Century Fox.

Anh muốn nối nghiệp vua hề Charlo. Song không thể lặp lại. Công chúng có thể hy vọng vào sự định hình nơi anh một gương mặt hài sáng giá của thế kỷ XXI.

Chuyện phim Borat là chuyện đời thường với vô vàn tiểu tiết hài hước. Nhà báo Borat Sagdiyev (do Sacha Baron Cohen thủ vai) là nhân vật lừng danh thứ sáu của đất nước Kazakhstan. Anh nổi đình đám nhất trên màn ảnh nhỏ.

Biết nước mình vẫn là “vô danh” trên trường quốc tế - nhà cầm quyền Kazakhstan bỏ ra 50 triệu euro để quảng bá hình ảnh đất nước trên hành tinh, anh quyết định làm một cuộc khảo sát ở Mỹ, nhằm gợi ý cho lãnh đạo nước mình.

Trước khi đi, anh về tạm biệt người thân ở làng quê Kuczek xa vắng. Tại đây, người dân vẫn sưởi ấm bằng củi, chưa có nước máy, đi lại bằng ngựa. Các phong tục ngàn xưa vẫn được duy trì, ví dụ “nước thánh” của dân làng là nước đái ngựa ủ lâu.

Trong chuyến chu du trên đất Hoa kỳ, anh luôn tự hào về “nước thánh” linh thiêng. Một trong những trận cười khúc khích ở đầu phim là chuyện anh ra sân bay trên một chiếc xe Lada mầu xanh lơ do một con bò kéo đi.

Sang Mỹ, anh gặp gỡ, hỏi chuyện đủ hạng người, ở nhiều địa phương. Một nhà buôn ô tô lì lợm. Vài cô gái điếm. Sinh viên. Một nhóm chiến sỹ đấu tranh cho quyền của phụ nữ. Một cuộc họp lớn của giáo phái Phép mầu.

Một bữa ăn chiều, nơi người ta phổ biến phép ứng xử văn minh... ở tình huống nào cũng vậy, Borat tinh quái đưa người gặp gỡ vào các bẫy “trò ngu ngốc quen thuộc”, rồi khêu gợi những chuyện “tình tứ”, và chất ngộ nghĩnh hay châm biếm phát lộ tự nhiên và thân mật...

Đằng sau những con người hay cảnh tượng đôi khi thô lỗ, tục tằn là sự thông thái của các “phó thường dân”, cho thấy cảm nhận sâu sắc và âu lo của họ về thời thế.

Cảm nhận này thường được Borat thốt lên như vô tình. Không bỗng dưng tờ L.A. Times nhìn thấy trong bộ phim việc xác nhận thắng lợi của đảng dân chủ ở quốc hội Hoa kỳ. “Đây là một bộ phim giá trị cao hơn các cuộc chiến tranh văn hoá ở Mỹ.

Ai cũng tưởng mình chế diễu ông hàng xóm: nước Mỹ đỏ (cộng hòa) bị biến thành trò cười. Còn nước Mỹ lơ (dân chủ) băn khoăn không kém về sự bao dung”. Bí mật của cường quốc số một thế giới mà Borat khao khát khám phá thì ra cũng là bí mật của đất nước anh: các vấn đề luôn nảy sinh từ đủ loại mâu thuẫn.

Quyết sách giải quyết các mâu thuẫn đó nằm ở sự đúng đắn của các đường lối đối nội và đối ngoại vì lợi ích và bình yên chung. Mọi vờ vĩnh, thiếu trung thực hay khôn lỏi đều lố bịch!... Tiếng cười vì vậy không sao nén được từ Kazakhstan qua Roumanie cho đến Mỹ.

Tiếng cười ấy kéo theo những tiếng cười khác, ngoài dự kiến của đoàn làm phim. Bộ phim vừa được trình chiếu, không ít người tham gia đã kêu ca và đệ đơn kiện.

Một nữ nhà báo hình ở Mississippi phàn nàn rằng chị bị “mua chuộc” bởi một tuỳ viên báo chí để mời Borat đến chương trình thời sự buổi sáng của chị và Borat đã cười cợt quá nhiều, làm hỏng chương trình vốn được yêu thích.

Một người làm nghề chuyển nhượng ô tô hối hận về sự xuất hiện trong phim của ông: hình như phim để cho khán giả ngầm hiểu rằng ông đã bán cho Borat một xe tải nhỏ đã hỏng.

Một thầy dạy thể dục ở một trường thì bực tức nói với phóng viên ABC News rằng khi anh sắp sửa ký phiếu “không đòi bản quyền”, một nhà sản xuất phim đã đưa cho anh một bó tiền mặt, như để anh sao nhãng văn bản sắp ký mà chữ in quá nhỏ.

Hai sinh viên Mỹ được mời đóng cảnh cắm trại. Trong cảnh này, hai chàng trai vẻ say xỉn tuôn ra những lời phân biệt giới tính và chủng tộc quái gở. Hai chàng hiện kiện hãng Fox và các nhà sản xuất phim đã “bôi nhọ thanh danh của chúng tôi”, khẳng định rằng đạo diễn và các nhà sản xuất đã mời họ uống thật nhiều rồi mới ký hợp đồng làm phim.

Nhiều văn phòng luật sư ở các nước cũng “vạ lây” với Borat. Ví dụ, ở Đức, một tổ chức bảo vệ người di gan đã tìm cách “phong toả” việc phát hành bộ phim bị coi là động chạm đến người di gan.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, trang Webstar Mahir Cagri quả quyết rằng Sacha Baron Cohen đã “đạo” ý tưởng và nhân vật của Mahir Cagri. Trang này đang hợp tác với đoàn luật sư London để làm rõ trắng đen...

Chuyện quê hương Kuczek nghèo nàn lạc hậu của Borat được quay ở làng Glod, Ru-ma-ni. Khi làm phim, đạo diễn thuyết phục dân làng rằng đây là một phim tài liệu về khổ nạn đói nghèo.

Hiện tại, họ đang kiện Fox và đoàn làm phim lên toà án Manhattan về tội lừa đảo và bóc lột họ, đòi bồi thường 30 triệu USD. Đáng suy nghĩ nhất là phản ứng của chính quyền và người dân Kazakhstan.

Lúc đầu, nhà chức trách, nhất là tổng thống Noursoultan Nazarbayev, cho là bộ phim “bôi đen Kazakhstan” và yêu cầu Anh quốc truy tố đạo diễn và Sacha Baron Cohen.

Về sau, nhờ nhìn nhận công bằng của nhiều nhân vật hàng đầu, trong đó có nhà văn lớn Sapabek Asip-uly, mọi người hoan nghênh bộ phim, ít nhất nó cũng khiến cho toàn cầu biết đến đất nước Kazakhstan đang muốn vượt lên như mọi quốc gia.

Borat đã được suy tôn là bộ phim Kazakhstan hay nhất năm. Chính phủ Kazakhstan cũng trù tính  trao cho Cohen nhiều giải thưởng, trong đó có giải Tarlan, được xem như Nobel của nước này.

Trong một cuộc họp báo gần đây với sự hiện diện của Thủ tướng Anh Tony Blair, Tổng thống Kazakhstan hỏi cử tọa rằng: “Có Borat Sagdiyev (nhân vật chính của phim), bạn thân của Sacha Baron Cohen ở đây không?”.Thật ngộ!...

Khuất Lệ Lan
(Theo EVENE, DVDrama, Showbizz, OBS và nhiều tài liệu khác)

MỚI - NÓNG