Mang họa vì chăm nuôi thú rừng

Mang họa vì chăm nuôi thú rừng
TP - Trong khi Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích việc chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ động vật hoang dã nhưng ông Trần Nhị, phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, lại bị xử phạt.
Mang họa vì chăm nuôi thú rừng ảnh 1
Ông Nhị chăm con khỉ đuôi lợn trước khi tai họa xảy ra

Nhiều người ở phường Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) biết ông Trần Nhị rất yêu thú rừng. Ông cùng bà cụ thân sinh từng chăm nuôi thú trong lồng trước nhà, cưng chiều như chăm con.

Con công Ấn Độ khoe sắc bằng điệu múa lộng lẫy, con chồn mực tỏa xạ hương thơm nức, con khỉ đuôi lợn âu yếm bắt chấy cho chủ... Bây giờ chỉ còn lại dãy chuồng trống không và nỗi oan nhức nhối.

Thời trai trẻ ở huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An, ông Trần Nhị thường săn bẫy động vật hoang dã. Lần nọ cùng phường săn dồn đuổi một con nai, nó phóng khá xa rồi bỗng đâm sầm trở lại, bị những mũi lao đâm chết. Cùng lúc đó phía rừng lũ chó săn bị hổ vồ. Ông Nhị bỗng hiểu ra con vật hiền lành sợ hổ hơn sợ người kia đã mất mạng mà vẫn hy vọng được cứu vớt. Ông ân hận giải nghệ.

Sau nhiều năm phục vụ trong quân đội, kỹ sư giao thông Trần Nhị trở thành Giám đốc Công ty Xây dựng Cầu đường 507. Năm 1996-1997 khi thi công cầu đường băng qua những cánh rừng phía Tây Nam tỉnh Đăk Lăk, chứng kiến cảnh thú mất rừng bị bắn giết đưa lên bàn nhậu mỗi ngày, ông dặn công nhân nếu nhặt được thú lạc đàn còn sống thì bán lại cho ông đem về nuôi. Riêng con công Ấn Độ thế hệ 2 ông mua từ TPHCM. Với ông Nhị, việc cứu vớt, thương yêu thú còn là cách chuộc lỗi sát thú ngày xưa.

Một ngày cuối tháng 10/2004, ông đang công tác xa thì có đoàn cán bộ liên ngành đến bắt đi mấy con mang, công, chồn. Sau đó họ lại đến bắn thuốc mê, gom nốt vượn và khỉ với lý do: Chứa chấp một số động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp. Cứ ngỡ có sự nhầm lẫn, không ngờ ông Nhị càng khiếu nại đòi lại mấy con thú cưng thì sự việc càng “nóng”.

Sau khi thả thú vào Vườn quốc gia Yok Đôn, Hạt Kiểm lâm Buôn Ma Thuột chuyển hồ sơ vụ việc sang Công an TP Buôn Ma Thuột đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Công an đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, cấm ông Nhị đi khỏi nơi cư trú, rồi lại hủy các quyết định và lệnh này, chuyển trả hồ sơ về Hạt Kiểm lâm.

Sau đó, Hạt kiểm lâm tham mưu cho UBND TP Buôn Ma Thuột ra Quyết định xử phạt hành chính số 4337, buộc ông Nhị phải nộp vào kho bạc Nhà nước tổng cộng 19,080 triệu đồng vì đã vi phạm Nghị định 139 của Chính phủ.

Éo le sao, đọc kỹ Nghị định 139 và các văn bản pháp quy liên quan khác, thấy việc UBND TP Buôn Ma Thuột phạt ông Nhị là... trật! Buồn phiền, tuổi cao sức yếu, mẹ ông đã lâm bệnh quy tiên. Ức quá, ông Nhị liền kiện Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột ra toà.

Dân kiện Chủ tịch, chuyện chưa từng thấy ở xứ này! TAND TP Buôn Ma Thuột xử sơ thẩm bác toàn bộ các yêu cầu của ông Nhị, giữ nguyên Quyết định 4337. Một số cơ quan báo đài đã đăng phát bài về phiên xử này với quan điểm không đồng tình với lập luận cáo buộc mơ hồ của Hội đồng xét xử. Nhưng rồi Tòa cấp tỉnh xử phúc thẩm vẫn y án sơ thẩm.

Cán bộ chuyên trách Chi cục Kiểm lâm Đăk Lăk cho biết số thú rừng các loại đang nuôi trong dân trên khắp địa bàn tỉnh khá nhiều, Chi cục chỉ tuyên truyền hướng dẫn người dân cách kê khai đăng ký chứ không chủ trương xử phạt.

Một cựu Bí thư tỉnh ủy nghe vụ này thì ngạc nhiên nói với phóng viên: “Ủa, mấy năm nay tôi mua 3 con khỉ nuôi trước sân nhà, mấy ông cán bộ thành phố đó tới chơi hoài mà có nói gì đâu ?!”.

Thật nực cười, trong khi Nhà nước đã có chủ trương khuyến khích việc chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ động vật hoang dã nhưng ông Nhị lại bị xử phạt. Hiện ông và nhiều người quan tâm đến vụ việc đang chờ kết luận sắp tới của TAND Tối cao.

MỚI - NÓNG