"Hung thần" xe buýt - Vì sao?

"Hung thần" xe buýt - Vì sao?
TP - Trong mắt nhiều người dân Thủ đô hiện nay, những tài xế xe buýt được xem như là những “hung thần”, bởi nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra gần đây là do xe buýt. Nhiều tài xế xe buýt cho rằng, họ đang phải chịu sức ép rất lớn về lịch trình chạy xe.
"Hung thần" xe buýt - Vì sao? ảnh 1
Vụ tai nạn nghiêm trọng do xe buýt gây ra mới đây tại đường Minh Khai (Hà Nội). Ảnh : Nguyễn Tú

Nhiều tài xế xe buýt cho rằng, họ đang phải chịu sức ép rất lớn về lịch trình chạy xe dẫn tới phải phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí ngủ gật khi đang lái giữa phố đông người.

Chạy đến “kiệt sức”

“Quy định về thời gian ăn uống, nghỉ ngơi trong một ca đối với lái xe quá ít ỏi và không hợp lý (tính trung bình mỗi lượt các lái xe chỉ được nghỉ không quá 5 phút - PV), vì thế vào giờ làm việc làm sao mà tỉnh táo…”- Anh. T., tài xế tuyến 01 bức xúc. 

Điều này, không chỉ anh T mà những tài xế khi chúng tôi gặp, đều cho rằng họ phải chịu sức ép quá lớn về lịch trình chạy xe cũng như làm việc quá thời gian theo quy định.

Theo Quyết định số  76 của UBND TP Hà Nội định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt áp dụng từ ngày 30/6/2003 (đến nay vẫn chưa thay đổi), thời gian làm việc của một lái xe là 420 phút/ngày. Số ngày làm việc một tháng là 24 ngày, một năm là 288 ngày.

Quy định là vậy nhưng với lý do lái xe buýt là một nghề có đặc thù riêng nên Tổng Cty vận tải Hà Nội lại ra quy định: Để nhận được đủ lương cơ bản thì mỗi lái xe phải chạy 24 công vận chuyển và kèm theo đó là 2 công trực, thậm chí nhiều tài xế phải chạy tới 29-30 ngày/ tháng.

>> Chống ùn tắc và tai nạn giao thông: Vẫn bế tắc

>> Bạn đọc bức xúc và hiến kế giảm thiểu TNGT tại Hà Nội

Với quy định này, chỉ bằng một phép tính đơn giản có thể nhận thấy ngay thời gian làm việc của tài xế xe buýt thuộc Cty xe buýt Hà Nội quá sức. Chẳng hạn, lộ trình tuyến buýt 03 (tuyến Long Biên- Hà Đông), áp dụng từ thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần và thực hiện từ ngày 1/10/2006, mỗi ngày phải thực hiện 194 lượt xe với 22 lái xe/ngày và 9 lượt/ca/1 lái xe.

“Với thời gian chạy mỗi lượt là 55 phút thì tổng thời gian một lái xe phải làm việc theo các lộ trình là 485 phút/ngày. Nếu cộng với thời gian để chuẩn bị xe và đưa xe đến một trong hai đầu bến lấy khách, một ngày của lái xe của tuyến 03 chúng tôi là 535 phút.

Như vậy, so với thời gian quy định của thành phố thì mỗi lái xe phải làm việc vượt là 1 giờ 55 phút/ngày và 46 giờ/tháng” - Một tài xế tuyến 03 phân tích.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, việc tài xế phải chạy vượt số km quy định/ca/ngày là hết sức phổ biến tại nhiều tuyến mà điển hình là tuyến 17 (Long Biên - Nội Bài) và tuyến 15 (Long Biên – Phố Nỉ). Nhiều lái xe tuyến 01 và 03 thừa nhận với vận tốc xe chạy bình quân như quy định là 20 km/h với xe buýt lớn; 22 km/h với xe trung bình và 25 km/h với xe buýt nhỏ thì việc chạy hết tuyến đường dài hơn 13 km là hoàn toàn không khả thi.

“Nếu chạy đúng như quy định thì để đảm bảo lộ trình, các lái xe chỉ còn cách đóng chặt cửa và chạy một mạch không dừng đỗ” - Một tài xế ngán ngẩm nói.

Theo các tài xế, chính áp lực về lịch trình chạy xe, về thời gian là nguyên nhân dẫn đến việc các lái xe phải chạy ẩu, quá tốc độ quy định. “Chuyến đầu tiên trong ngày tôi xuất phát lúc 5h46 phút và phải về bến lúc 6h23 phút. Với vỏn vẹn 37 phút để di chuyển hết chặng đường với 19 đèn xanh, đèn đỏ và 29 điểm dừng đỗ bắt trả khách đấy là chưa kể đến đường đông, tắc đường…

Nếu chạy với tốc độ 20 km/h thì đảm bảo 100% lái xe đều về bến chậm. Dù biết là vi phạm quy định nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Thà chạy nhanh để về bến đúng giờ còn hơn là bị phạt hoặc phải chạy đuổi lịch xuất bến”- Anh P.T.D tài xế tuyến 01 cho biết.

Tai nạn nhiều - Vì sao?

Anh P.Đ.H, tài xế xe tuyến 01 (Long Biên – Hà Đông) cho rằng: “Nếu làm việc đúng theo quy định của Nhà nước là 7 tiếng một ngày thì tôi có thể khẳng định số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt sẽ giảm rất nhiều”.

Áp lực về lịch trình, về thời gian đã làm cho nhiều tài xế xe buýt luôn trong tâm trạng mệt mỏi, kiệt sức sau mỗi ca làm việc. Nhiều tài xế đã thừa nhận, họ luôn lái xe trong trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ và căng thẳng.

Có tài xế cho biết, để giữ được thời gian đúng lịch trình, nhiều lúc dù rất mệt mỏi nhưng vẫn phải cho xe chạy theo “quán tính, vừa chạy vừa ngủ”…

Chúng tôi phải làm việc liên tục không có nhiều thời gian nghỉ giữa giờ. Nhiều lúc mệt mỏi có người còn vừa điều khiển xe vừa ngủ gật. Gần đây nhất có trường hợp lái xe buồn ngủ đến mức xe lao cả lên vỉa hè mới tỉnh ngủ”-Anh X.T tài xế tuyến 01 tâm sự.

Thế nhưng thông thường khi xảy ra tai nạn, tài xế bao giờ cũng bị chỉ trích nặng nề, thậm chí bị xử phạt rất nặng. 

Hiện Hà Nội có 4 đơn vị tham gia phục vụ hành khách bằng xe buýt với gần 900 xe. Trong 8 tháng đầu năm 2006, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 28 vụ TNGT do xe buýt gây ra (trong đó 4 vụ gây chết người).

Theo đánh giá của TS Hoàng Tùng (chuyên gia dự án Hà Nội ECOTRANS) về tình hình tai nạn giao thông tại thủ đô Hà Nội, tai nạn xe buýt đang có xu hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng.

Đặc biệt tỷ lệ tai nạn do xe buýt gây ra so với các loại hình giao thông khác cao hơn 160 lần.

Ý kiến của bạn về vấn đề này

MỚI - NÓNG