Hai trong một, không chột cũng què!

Hai trong một, không chột cũng què!
TP - Bộ GD & ĐT đang chuẩn bị đưa ra một phương thức mới thay thế cách thi "ba chung" để tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng (ĐH, CĐ) mà chúng tôi tạm gọi là “hai trong một”. Tiền phong xin giới thiệu bài viết của Giáo sư Văn Như Cương về dự án này.
Hai trong một, không chột cũng què! ảnh 1

Thi đại học năm 2006

Học sinh lớp 12 sẽ tham dự một kì thi chung, điểm số của mỗi thí sinh sẽ được xem xét để làm hai việc đồng thời: Để cấp bằng tốt nghiệp THPT và tuyển vào một trường ĐH hoặc CĐ nào đó.

Nếu đạt được điểm trung bình trở lên, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp. Nếu học sinh tốt nghiệp này muốn được vào ĐH, CĐ, số điểm thi được xét từ trên xuống dưới.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thông báo trước kì họp Quốc hội vừa qua rằng dự án này sẽ được thực hiện từ năm 2009 và nếu như chuẩn bị tốt thì có thể thực hiện vào năm 2008.

Về vấn đề này, tôi xin bày tỏ một số ý kiến sau đây:

1) Kì thi tốt nghiệp và kì thi tuyển sinh là hai kì thi có mục đích hoàn toàn khác nhau. Thi tốt nghiệp của một khóa học nào đó nhằm mục đích kiểm tra xem thí sinh có đạt được các yêu cầu tối thiểu mà khóa học đã đề ra hay không. Ai đạt thì được cấp bằng, không hạn chế tỉ lệ đậu hay trượt.

Còn thi tuyển là nhằm chọn ra những người giỏi hơn những người khác về một mặt nào đó, nhằm một mục đích nào đó. Số người dự thi dù nhiều dù ít, nhưng số người sẽ được chọn thì đã được ấn định.

Hai kì thi thi như vậy hiển nhiên không thể gộp chung làm một.

Hai trong một, không chột cũng què! ảnh 2

Giáo sư Văn Như Cương

2) Việc gian lận ở các kì thi tốt nghiệp THPT tương đối phổ biến, địa phương nào cũng có, và nhiều lúc mang tính tập thể, có tổ chức chu đáo và kín kẽ.

Việc nhập hai kì thi làm một được dự kiến là lồng kì thi tuyển sinh vào trong kì thi tốt nghiệp sẽ làm cho sự gian lận trong việc tuyển sinh vào ĐH-CĐ tăng lên gấp bội.

3) Các trường ĐH-CĐ sẽ tuyển sinh viên vào trường mình dựa trên điểm thi tốt nghiệp mà thí sinh đó đạt được. Tuy nhiên, mỗi trường lại quan tâm đến năng lực của học sinh ở một số môn học nào đó chứ không phải là ở tất cả 6 môn của kì thi tốt nghiệp. Khi đó họ cần có một cuộc kiểm tra lần nữa để sàng lọc…

Vậy là có nguy cơ “một lại biến thành hai”, nhưng nguy hiểm hơn là cái thứ hai mới nảy sinh lại không phải theo kiểu “ba chung” nữa, nghĩa là mọi việc quay trở lại như năm, sáu năm về trước và có phần rắc rối hơn...

4) Cần nói thêm về một khía cạnh bất hợp lí khác của hình thức “hai trong một”. Giả sử em A thi đạt điểm số là 49, thừa sức để lĩnh bằng tốt nghiệp, nhưng vào ĐH thì thiếu mất một điểm. Em A quyết tâm vào ĐH cho bằng được, nhưng năm sau em sẽ xin thi như thế nào? Người ta chỉ tổ chức một kì thi cho học sinh chưa có bằng tốt nghiệp PT, bởi vậy em không thể dự kì thi đó, mà không thi thì cũng không được xét có đủ điểm vào ĐH hay không.

Số thí sinh như em A không phải là hiếm, vì nó chiếm đến 80% số tú tài của năm học trước. Không hiểu các tác giả của dự án “hai trong một” định liệu như thế nào cho số học sinh này?

5) Mục tiêu của đề án “hai trong một” chủ yếu là muốn làm giảm gánh nặng về thi cử đối với học sinh và cha mẹ học sinh, giảm chi phí của toàn xã hội… Tuy nhiên, như những phần trên đã nói, mục tiêu đó không thể đạt được. Còn nếu xét về độ tin cậy của việc tuyển chọn thì đề án này hoàn toàn không đạt được.

Nếu muốn giảm nhẹ việc thi cử thì tốt nhất đừng làm “hai trong một” mà cứ mạnh dạn bỏ đi “một trong hai kì thi”.

Ở các nước mà cổng các trường ĐH rộng mở thì người ta đã bỏ các kì thi tuyển sinh vào các trường ĐH, ai có bằng tú tài thì có quyền ghi danh vào các trường đó (có thể ngoại trừ một vài trường đặc biệt). Như vậy họ chỉ có một kì thi duy nhất: thi lấy bằng tú tài. Ở nước ta hiện nay các trường ĐH và CĐ chỉ có khả năng nhận được 20% số học sinh tốt nghiệp THPT. Bởi vậy kì thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ là không thể bỏ được.

Do đó cần phải nghiên cứu một đề án bỏ kì thi tốt nghiệp THPT, hoặc chuyển sang một hình thức kiểm tra, sát hạch nhẹ nhàng, không mang tính toàn quốc.

MỚI - NÓNG
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
Lý do giá vàng thế giới biến động mạnh
TPO - Dù đang trên đà giảm, giá vàng thế giới có mức tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/4. Khi tình hình chính trị ở Trung Đông chưa có thêm căng thẳng thì dữ liệu kinh tế Mỹ, lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ lại tác động giá vàng.