Công chứng tư nhân và Nhà nước đều bình đẳng

Công chứng tư nhân và Nhà nước đều bình đẳng
TP - Luật Công chứng có hiệu lực từ 1/7/2007, chính thức cho phép thành lập văn phòng công chứng (VPCC) hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (tức tư nhân cũng được lập Văn phòng Công chứng).
Công chứng tư nhân và Nhà nước đều bình đẳng ảnh 1
Cho tư nhân làm dịch vụ công chứng, cảnh xếp hàng chờ công chứng như thế này sẽ chấm dứt (ảnh chụp ở Phòng Công chứng số 1 Hà Nội  Ảnh: Hồng Vĩnh

Tiền phong đã có cuộc trao đổi với TS Trần Thất, Vụ trưởng Vụ Tư pháp - Hành chính (Bộ Tư pháp) xung quanh vấn đề này. TS Thất nói:

Việc xã hội hóa hoạt động công chứng không phải là “tư nhân hoá hoạt động công chứng” và cũng không phải là “chuyển chức năng công chứng từ tay Nhà nước cho bất cứ ai trong xã hội”.

Mục tiêu của xã hội hóa công chứng là phát triển rộng mạng lưới công chứng, xóa bỏ việc kiêm nhiệm chức năng công chứng của các cơ quan hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công.

Vì thế bên cạnh việc tiếp tục duy trì hệ thống phòng công chứng Nhà nước hiện có, luật cho phép thành lập các VPCC do tư nhân đầu tư về mặt kinh phí, cơ sở vật chất và kể cả về con người. Hiện chúng tôi đang xây dựng dự thảo hướng dẫn thi hành, trình Bộ để triển khai thực hiện Luật Công chứng.

Thưa ông, ai sẽ là người được thành lập VPCC và điều kiện thành lập như thế nào?

Trước hết, người xin thành lập VPCC phải là công chứng viên (cử nhân luật, có 5 năm hành nghề về pháp luật, có giấy chứng nhận đào tạo nghề công chứng, đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng, được Bộ trưởng Tư pháp bổ nhiệm –PV).

Tuy nhiên, công chứng viên không nhất thiết cứ phải là công chức Nhà nước mà chỉ cần là người có đủ các điều kiện theo pháp luật qui định thì có thể đứng ra lập VPCC.

Điều kiện tiếp theo, VPCC phải có trụ sở phù hợp với yêu cầu hành nghề công chứng và phải phù hợp với quy hoạch về hệ thống tổ chức hành nghề công chứng của tỉnh, thành phố đó.

Ngoài ra, người xin thành lập VPCC phải có đủ khả năng về tài chính và các cơ sở vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động công chứng.     

Như vậy, hoạt động công chứng dù của VPCC tư nhân vẫn là mô hình dịch vụ công?

Đúng vậy! Công chứng là hoạt động dịch vụ công. Cụ thể VPCC do một hoặc một số công chứng viên thành lập sau khi được UBND cấp tỉnh cho phép.

Các VPCC sau khi được thành lập sẽ có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, được hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ kinh phí đóng góp của công chứng viên, phần để lại từ lệ phí công chứng, phí dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác.

Về mặt tổ chức, VPCC do một số công chứng viên thành lập, thì các thành viên thỏa thuận để cử một công chứng viên làm trưởng văn phòng (trưởng văn phòng là người đại diện về pháp luật của văn phòng), còn trong trường hợp VPCC do một thành viên thành lập thì công chứng viên đó là trưởng văn phòng.

Theo thống kê, cả nước hiện có 128 phòng công chứng với tổng số gần 400 công chứng viên, 173 nhân viên nghiệp vụ và 620 nhân viên khác.

Tính trung bình, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có từ 1 đến 2 phòng công chứng, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện mỗi nơi có 6 phòng công chứng.

Khối lượng công việc của các phòng công chứng hiện tại chủ yếu là chứng thực bản sao (chiếm đến hơn 95%), trong khi bản chất và đối tượng của công chứng là các loại hợp đồng, giao dịch kinh tế, dân sự.

Theo Luật Công chứng, việc chứng thực được trả về cho UBND xã, phường và cơ quan hành chính.

Tên gọi của VPCC do công chứng viên hoặc do các công chứng viên thành viên thỏa thuận lựa chọn.

Vậy, giá trị của các loại văn bản được công chứng của hai loại hình phòng công chứng Nhà nước và VPCC tư nhân có khác nhau? 

Sẽ không có sự phân biệt nào về giá trị công chứng giữa hai loại hình phòng công chứng này. Công chứng viên là công chức Nhà nước hay công chứng viên không phải là công chức Nhà nước đều phải chịu trách nhiệm như nhau đối với sản phẩm công chứng và người dân.

Giá trị pháp lý giữa hai loại hình công chứng là như nhau, văn bản công chứng của hai loại hình phòng công chứng có giá trị ngang nhau.

Các VPCC sau khi thành lập sẽ được quản lý như thế nào?

Vấn đề này liên quan đến trách nhiệm của công chứng viên trong và ngoài biên chế Nhà nước. Cùng với việc quy định rõ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, Luật Công chứng đã quy định hình thức bảo hiểm nghề nghiệp đối với hoạt động công chứng là hình thức bảo hiểm bắt buộc.

Theo đó các tổ chức hành nghề công chứng bắt buộc phải mua bảo hiểm cho công chức viên nhằm hạn chế và chia sẻ rủi ro khi gây thiệt hại.

Xin cảm ơn ông!

  Nguyễn Tú
thực hiện

MỚI - NÓNG