Vụ nhận tiền để nâng điểm tốt nghiệp THPT ở Bạc Liêu:

1.835 học sinh từ rớt thành đậu

1.835 học sinh từ rớt thành đậu
TP - Tại Bạc Liêu, khi tiến hành kiểm tra, phát hiện tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT từ 8,9% đã nâng lên 50% và THPT từ 50% đã nâng lên 79,4%. Tổng cộng có 1.835 học sinh rớt thành đậu. 
1.835 học sinh từ rớt thành đậu ảnh 1
Nguyễn Hoàng Huy- chuyên viên vi tính Sở GD-ĐT Bạc Liêu

Trinh sát Công an tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang ông Nguyễn Quốc Nghiêm - Giáo viên Văn trường cấp 2-3 Lê Văn Đẩu (huyện Vĩnh Lợi) nhận 22 triệu đồng của ông Nguyễn Bá Hiền ngụ ở số 5 Trần Phú (TX Bạc Liêu) và một phụ huynh khác để nâng điểm.

Từ đó, hé lộ vụ tiêu cực nghiêm trọng ở ngành GD-ĐT Bạc Liêu.

Ông Nguyễn Bá Hiền chạy điểm tốt nghiệp cho 2 con là Nguyễn Duy Tân và Nguyễn Duy Khánh. Ông Hiền được ông Nghiêm ra giá 16 triệu đồng. Ông Hiền năn nỉ xin bớt không được, tức giận liền báo công an.

Ngay sau đó 6.696 hồ sơ thí sinh (gồm 5.496 hồ sơ THPT và 1.200 hồ sơ bổ túc THPT) của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2005-2006 cùng máy vi tính ở Sở GD-ĐT được niêm phong.

Kiểm tra phát hiện tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT từ 8,9% đã nâng lên 50%  và THPT từ 50% đã nâng lên 79,4%. Tổng cộng có 1.835 học sinh rớt thành đậu.

Ông Nguyễn Văn Tấn -Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu- giải thích: “Tôi thấy tỷ lệ tốt nghiệp quá thấp trong khi các tỉnh lân cận thì cao, nghĩ có nguyên nhân coi thi, chấm thi quá chặt chẽ nên cùng PGĐ Sở là anh Ngô Đoàn Nguyễn thống nhất nâng điểm cho hơn 50 con em của bạn bè”.

Thực tế, việc nâng điểm đã được thực hiện cho hàng loạt học sinh từ khâu xử lý số liệu trên máy vi tính. Nguyên do Sở GD-ĐT Bạc Liêu sử dụng phần mềm xử lý số liệu kỳ thi do ông Nguyễn Hoàng Huy - Chuyên viên vi tính của Sở- lập trình.

Một người bị khởi tố là ông Phạm Minh Cảnh -Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi - đã khai: “Trước kỳ thi có rất nhiều cha mẹ học sinh đến nhờ giúp đỡ. Tôi hỏi Nguyễn Hoàng Huy có làm được không thì Huy trả lời là làm được. Tôi gom tiền của cha mẹ học sinh, ghi họ tên, số báo danh cho Huy”.  

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố bắt giam 6 người là:

Ngô Đoàn Nguyễn - SN 1957, PGĐ Thường trực Sở GD-ĐT
Nguyễn Hoàng Huy - SN 1975, chuyên viên vi tính
Phạm Minh Cảnh - SN 1964
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Lợi
Thái Nhật Trường - SN 1976
PGĐ Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Lợi
Nguyễn Quốc Nghiêm - SN 1952, giáo viên Trường cấp 2-3 Lê Văn Đẩu
Lê Văn Phước - SN 1962, làm nghề mua bán ở phường 1 (TX Bạc Liêu).

Công tác điều tra bước đầu xác định 30 người trong ngành GD-ĐT Bạc Liêu nhận 467 triệu đồng của cha mẹ học sinh.

Hiện những người trong vụ tiêu cực đã nộp cho Cơ quan CSĐT 390 triệu đồng.

Mỗi học sinh học kém mà muốn đậu tốt nghiệp mất 3 - 8 triệu đồng. Cơ quan CSĐT xác định có đến 74 người tham gia đường dây nhận tiền chạy điểm, trong đó 38 người ở ngành GD-ĐT.

Ông Nguyễn Hữu Tâm (chồng một Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu) là Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật-Hướng nghiệp- Dạy nghề Sở GD - ĐT cũng tham gia và nhận của cha mẹ học sinh hàng chục triệu đồng. Ông Lê Đông, cán bộ Sở GD-ĐT, nhận 54 triệu đồng để chạy điểm.

Thượng tá Ngô Thành Thật -Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT công an tỉnh Bạc Liêu- khẳng định: “Đường dây nhận tiền cha mẹ học sinh để nâng điểm thi cho học sinh hình thành từ trước kỳ thi, không chờ kết quả thi. Chúng tôi còn tiếp tục mở rộng điều tra”.

Dư luận ở Bạc Liêu cho rằng đường dây chạy điểm đã hình thành từ nhiều năm qua. Tuy nhiên việc điều tra tiêu cực các năm trước là không thể bởi Đại tá Đoàn Ngọc Khuể - PGĐ Công an Bạc Liêu - cho biết: “Hồ sơ các năm trước đã bị hủy, bởi quy định của Bộ GD-ĐT chỉ lưu giữ một năm”.

Vấn đề nan giải hiện nay là giải quyết thế nào với 1.835 học sinh rớt thành đậu?

Nhiều học sinh trong đó đang học ở các trường đại học. Gia đình các học sinh này đặt vấn đề: Cho con cái họ được tiếp tục học và thi tốt nghiệp lại. Những học sinh đỗ tốt nghiệp theo năng lực lại phàn nàn: Thế thì không công bằng.

Các cán bộ của ngành GD-ĐT Bạc Liêu đã làm cho chất lượng GD-ĐT vốn thấp nay thêm rối rắm.

MỚI - NÓNG