Gặp người trúng tuyển làm lãnh đạo ở Đà Nẵng

Gặp người trúng tuyển làm lãnh đạo ở Đà Nẵng
TP - Cô giáo dạy văn Nguyễn Thu Nga - người vừa trúng tuyển cuộc thi vào chức danh Phó hiệu trưởng trường THPT Phan Chu Trinh  tiếp PV báo Tiền phong trong một tâm trạng mà cô “thú thực” là “rất ... run”.
Gặp người trúng tuyển làm lãnh đạo ở Đà Nẵng ảnh 1
Cô giáo Nguyễn Thu Nga, người vừa trúng tuyển chức danh Phó hiệu trưởng, tại nhà riêng

Ngày 9/1/2007, thành phố Đà Nẵng mở màn cho Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cho một số Sở ban ngành bằng cuộc thi tuyển lãnh đạo chuyên môn cho ngôi trường trung học lớn nhất thành phố với hơn 100 lớp và 4.200 học sinh này.

Và đây có lẽ cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện cải cách hành chính bằng cách thi tuyển lãnh đạo.

Cũng vì quá mới mẻ, với những rào cản tâm lý rất lớn, nên từ hàng chục đơn đăng ký dự thi, cuối cùng chốt lại là 3 thí sinh “dũng cảm” nhất : Cô giáo Lê Thị Thanh Hải - Phó HT trường THPT Phan Thành Tài, thầy Võ Văn Khánh - giáo viên Trung tâm GDTX quận Thanh Khê (Đà Nẵng), và cô Nguyễn Thu Nga - giáo viên môn Văn trường THPT Phan Chu Trinh.

Kết quả : Cô Nguyễn Thu Nga đã đạt điểm số cao nhất, và đang chờ nhận quyết định bổ nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố. Về nội dung cuộc thi, thầy Huỳnh Văn Hoa - GĐ Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng - Chủ tịch HĐGK, cho biết:

HĐGK gồm 7 người gồm lãnh đạo các Sở GD&ĐT, Nội vụ và KH - CN. Các thí sinh thi trong vòng 1 ngày. Buổi sáng thi viết (180 phút) về những vấn đề liên quan đến ngành và chuyên môn sư phạm.

Buổi chiều thi hai phần, gồm trình bày đề án “Tổ chức hoạt động và phát triển trường THPT Phan Chu Trinh giai đoạn 2006 – 2010” (trình bày bằng phương tiện CNTT và không quá 25 phút), sau đó là trả lời từ 3-8 câu hỏi vấn đáp để thí sinh phản biện các chương trình, mục tiêu của mình.

“Cả 3 thí sinh đều là những giáo viên có chuyên môn cao (2 người là thạc sĩ là cô Nga, thầy Khánh), đều là đảng viên, có tín nhiệm trong ngành, nên chất lượng tuyển chọn rất cao” - Thầy Hoa khẳng định. 

“Thực tình khi tham gia thi, tôi rất ngại ngần. Vì tâm lý, vì e ngại trọng trách lớn, mình lại không quen công tác quản lý ... Nhưng được sự giúp đỡ động viên rất lớn của thầy Hiệu trưởng, BGH và đồng nghiệp, nên tôi thấy tự tin hơn - cô Nga tâm sự

"Nếu có thể đúc kết kinh nghiệm được gì cho những cuộc thi mới mẻ và “nhạy cảm” như thế này lần sau, thì theo tôi đó là sự ủng hộ, động viên của lãnh đạo và đồng nghiệp, để vượt qua tâm lý e dè ...”.

Cô giáo Nga sinh năm 1960, tốt nghiệp ĐHSP I (Hà Nội), sau đó học lên Cao học tại đây. Trước khi về công tác tại trường Phan Chu Trinh (năm 1992), cô dạy tại trường CĐSP Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).

Ngót 15 năm gắn bó với mái trường, vừa tham gia bồi dưỡng đội học sinh giỏi văn của trường, vừa tham gia các công tác đoàn thể, cô am hiểu về mái trường thân yêu của mình, và tự tin với những dự định sắp tới.

Đà Nẵng hiện có gần 14.000 công chức nhà nước, trong đó trình độ sau đại học khoảng 550 người; đại học trên 6.500 người; cao đẳng 2.700 người... Thời gian qua, chủ trương thu hút nhân tài, tuyển sinh viên khá giỏi của thành phố với những ưu đãi hấp dẫn đã khiến đội ngũ công chức được nâng cao về chất lượng và trẻ hóa đáng kể.

Tuy nhiên, hình thức bổ nhiệm, cất nhắc, giao việc tại nhiều cơ quan, ban ngành vẫn theo nếp cũ truyền thống, làm nản lòng không ít người trẻ tuổi có nhiều khả năng và nhiệt huyết cống hiến.

Bởi vậy, năm 2006 đã được Đà Nẵng chọn làm “Năm công tác cán bộ và cải cách hành chính”, và ngày 1/9/2006, UBND TP Đà Nẵng ban hành Đề án thí điểm thi tuyển Giám đốc, Phó Giám đốc (tương đương) tại một số đơn vị sự nghiệp của thành phố.

Trả lời PV Tiền phong, ông Đặng Công Ngữ - GĐ Sở Nội Vụ TP. Đà Nẵng, cho biết :

"Sắp tới, thành phố sẽ thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường THPT Thái Phiên (dự kiến vào tháng 3/2007). Sau khi đúc rút kinh nghiệm từ ngành giáo dục, sẽ tiếp tục thi tuyển lãnh đạo là giám đốc một số Sở, ngành khác. "

Giám đốc Sở Nội Vụ, ông Đặng Công Ngữ, cho biết : “Đối tượng tham gia thi tuyển các chức danh lãnh đạo là cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế hoặc hợp đồng lao động, kể cả những đối tượng thuộc chính sách thu hút nhân tài của thành phố, hiện đang công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài thành phố Đà Nẵng.

Người dự thi thông qua thi tuyển dưới hình thức thi viết và bảo vệ đề án tổ chức hoạt động và phát triển đơn vị, cùng với những tiêu chí khác để phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng yêu cầu của đơn vị ... do Hội đồng thi tuyển đề ra”.  

Được biết, trước kỳ thi tuyển đầu tiên đối với trường Phan Chu Trinh, thời gian qua tại Sở Giao thông – Công chính thành phố cũng đã thí điểm thi tuyển một số chức danh nhỏ như Đội trưởng Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, và dự định triển khai tiếp tại một số đơn vị trực thuộc khác.   

Ý kiến bạn đọc

Bạn đọc : Quốc Minh

Hoan hô Đà Nẵng !

Vấn đề bức xúc nhất bấy lâu nay đã được thành phố đi đầu giải quyết,công tác cán bộ là khâu quyết định đến sự thành bại của công việc, từ những chủ trương chính sách lớn của Đảng -Nhà nước đến những công việc nhỏ thường ngày của cơ quan .....

Lâu nay nạn chạy chức chạy quyền vẫn âm ỉ diễn ra làm cho không ít người có tâm huyết( tôi chưa nói đến những người tài) nản lòng, buông xuôi làm cho công việc của guồng máy cứ trì trệ kéo dài và hậu quả là người dân và đất nước phải gánh chịu .

Việc làm của Đà Nẵng là lời cảnh tỉnh cho những ngưòi chỉ biết ngồi không biết làm ,không có lòng tự trọng ,đồng thời thúc đẩy người khác luôn biết vận động để tự hoàn thiện mình cả về đạo đức lẫn chuyên môn nghiệp vụ để vươn lên.

Mong rằng việc thi tuyển sớm được nhân rộng để mọi người đều có cơ hội thi thố tài năng, xã hội sẽ tìm được những người có năng lực thực sự giúp cho guồng máy của chúng ta chạy đều, chạy tốt.

Tên: một bạn đọc

Đà Nẵng mấy năm nay được nhiều người biết đến vì đã có nhiều cách làm hay trong qui hoạch phát triển đô thị. Đầu năm 2007 Đà Nẵng lại đột phá trong công tác cán bộ.

Tên: Nguyễn Chung Văn

Nên bắt đầu từ khâu quản lý

Nhìn vào bức tranh ảm đạm của ngành giáo dục trong suốt mấy thập niên qua thì việc làm của Đà Nẵng đúng là một "phát pháo lệnh". Bởi vì việc này xưa nay vẫn được tiến hành theo chu kỳ "đến hẹn lại lên", trong khi đôi khi tuổi tác lại không đồng nghĩa với điều gì. "Con người ta không còn cái gì để khoe nữa thì... mới khoe tuổi"!

Việc làm của Đà Nẵng đúng là một khâu đột phá trong quản lý giáo dục, nếu không xuất phát và cải tổ từ khâu này thì chưa biết đến bao giờ ngành GD mới rũ bỏ được cái áo lạc hậu. Thành công của Đà Nẵng là một dấu hiệu đáng mừng nhưng từ những kết quả đó mà "nhân giống" cho nhiều tỉnh, thành khác thì thật là tuyệt vời.

Tên: Minh Đức

Việc TP Đà Nẵng tổ chức việc thi tuyển chức danh lãnh đạo một trường PTTH tôi cho là cần thiết và rất mới mẻ. Và tiến tới là thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp Sở.

Tuy nhiên quan điểm của tôi: Điều quan trọng nhất là hiệu quả công việc, có tính sáng tạo. Mọi thí sinh khi tham dự phải đưa ra được chương trình hành động của mình và phải cam kết rằng chương trình hành động đó phải thực hiện được, nếu không thì phải tự nguyện rút lui để nhường chỗ cho người khác.

Tên: Lê Thị Tần

Thi làm lãnh đạo

Tôi rất hoan nghênh việc thi làm lãnh đạo tại Đà Nẵng. Tôi mong rằng các cơ quan chính phủ sớm có chủ trương chung cho tất cả các ngành để tránh 1 số các trường hợp chạy chức chạy quyền, chạy từ phó phòng, trưởng phòng cho đến giám đốc mà thực ra họ chẳng có năng lực và bằng cấp cũng chỉ là vay mượn.....

Tên: Tran Trung Dung

Toi rat tam dac voi nhung doi moi nay. Viec tuyen chon lanh dao thong qua thi tuyen no khong phai la moi me, khong phai la mot y tuong sang tao. Tu lau toi da biet cac doanh nghiep lien doanh, cac doanh nghiep co von 100% cua nuoc ngoai da tuyen dung cac vi tri lanh dao thong qua thi tuyen (phong van).

Du vay, toi rat hoan nghenh cach lam cua Da Nang, toi tin no se la cai moc, buoc ngoat de cac co quan hanh chinh, don vi su nghiep cua Nha nuoc tu TW den dia ph­uong lam theo. Voi cach lam nay, chung ta se chon duoc cac nhan tai trong linh vuc quan ly neu khong co chuyen tieu cuc trong thi cu.

MỚI - NÓNG