Ba chiếc “barie sống” ở Phủ Lý

Ba chiếc “barie sống” ở Phủ Lý
TP - Mặc cho cái lạnh của mùa đông, sự oi bức của mùa hè hay đêm đen. Ngọng, Ngốc và ông Bạn vẫn làm công việc gác chắn tàu tại ngã ba Hồng Phú (thị xã Phủ Lý, Hà Nam).
Ba chiếc “barie sống” ở Phủ Lý ảnh 1
Từ trái qua: Ngọng, ông Bạn, Ngốc

Phải chăng vì lương tâm, vì bản năng tốt đẹp rất con người mà họ - những người không được bình thường vì trí não - đã làm công việc cao cả: Làm “barie sống” đứng gác tàu giúp tránh những tai nạn thảm khốc cho những người bình thường.

“Ừng! Ừng ại ay, àu ến ồi…” (Dừng! Dừng lại ngay, tàu đến rồi) - Người đàn ông có cái đầu trọc lốc hét lên, rồi nhanh như cắt đứng chặn không cho ai cố vượt qua đường tàu. Nửa phút sau, từ trong góc khuất, đầu đoàn tàu ló ra và lao vun vút qua. Cũng may mà có anh chàng Ngọng này đứng ra chặn lại nếu không thì…!

Một chút nấn ná dò hỏi và tiếp xúc với người dân nơi đây, tôi càng khâm phục anh chàng Ngọng này hơn bao giờ hết. Không có một cái tên, không mảnh đất cắm dùi, không người thân… và trí não không bình thường nhưng anh đang làm một việc hết sức ý nghĩa cho cộng đồng.

Ngọng chỉ còn nhớ trước đây mình hành nghề ăn xin trên khắp đường quê, con phố, nhặt sắt vụn để sống tạm bợ qua ngày. Rồi vào một hôm trời nắng, cái nắng dịu của mùa thu, Ngọng vô tình đi qua ngã ba Hồng Phú, thấy dòng người và xe cộ qua đường tấp nập. Nhưng nơi đây không có trạm gác barie, không còi báo động... khi tầu qua.

Thấy rất nguy hiểm, nên từ đó Ngọng quyết định ở lại tình nguyện làm nhân viên gác chắn tàu chẳng đòi chút quyền lợi nào. Lúc đầu bắt tay vào công việc còn thấy mọi thứ đều khó khăn và ngượng ngùng, nhưng rồi cũng quen và làm rất chuyên nghiệp.

Một thời gian sau, khi Ngọng đang áp tai xuống đất nghe tiếng tàu thì bất chợt một người đàn ông tầm tuổi mình mặc trang phục của nhân viên đường sắt nhưng đã rách nát cũng áp tai xuống đất như Ngọng. Họ nhìn nhau rồi cùng cười khì…

Từ ấy Ngọng và người bạn (tự nhận tên là Ngốc) này cùng làm cái công việc đầy vất vả và nguy hiểm. Hơn 3 tháng trước, đang lang thang trên phố thì gặp người đàn ông già cả và rách rưới đang cặm cụi nhặt giấy lộn trong thùng rác ven đường.

Không hiểu sao Ngọng và Ngốc tiến sát lại, chủ động bắt chuyện với người đàn ông lạ mặt. Sau cuộc gặp gỡ tình cờ này ông già- được gọi tên là ông Bạn - được họ dẫn về “giang sơn” của mình cùng chung sống. Từ đó người dân nơi đây lại thấy thêm một “công nhân” gác chắn tàu.

Tôi được mục kích “giang sơn” của 3 chiến “barie” sống - ngôi nhà bao gạch không đầy 4m2, đủ để kê cái giường một và để vài thứ đồ không đáng giá một xu! Trên giường bày lăn lóc vài cái bát loang lổ như không rửa bao giờ.

Ngay từ đầu, người dân đã đi xin ngành đường sắt, cho Ngọng ở ngôi nhà hỏng mà ngành đường sắt bỏ hoang từ lâu. Ngôi nhà được tu sửa lại nhanh chóng và để cho đúng với phong tục của người Việt, họ cũng có bát hương thờ cúng tổ tiên. Hôm tái “khánh thành” ngôi nhà, hương khói bay nghi ngút.

Anh Ngốc chỉ tay vào góc nhà nói với tôi: “Đẹp không? Bố mẹ tôi đấy”. Tôi đưa mắt nhìn lên di ảnh. Không phải, đó là ảnh của các ca sĩ và một số ngôi sao điện ảnh đã bị ố mờ, họ cắt trên báo đem về thờ cúng!

“Tuy trí não chậm phát triển so với người bình thường, nhưng họ sống rất tình người” – Một người dân ở đây nhận xét.

Hàng ngày họ thay phiên nhau làm việc khoảng 30 chuyến tàu trong ngày. Bất chấp trời nắng hay mưa, họ không quản khó khăn.

Trong khi Ngọng, Ngốc và ông Bạn làm chuyện nghĩa như vậy, nhưng vẫn phải sống nhờ vào sự đùm bọc của người dân nơi đây. Thỉnh thoảng có vị khách qua đường hảo tâm cho vài nghìn mua bát phở.

Bác Nguyễn Thiện chứng kiến công việc hàng ngày của họ cho biết: Ba “công nhân” ấy làm việc rất nhiệt tình, từ khi họ đến đây hầu như nơi này không có tai nạn bao giờ. Bà con quý họ như người thân trong nhà, hàng ngày thay nhau cho cơm ăn quần áo mặc…

Bác Thiện còn cho biết thêm: Có lần trời mưa to, mà bọn họ vẫn đứng đấy nhất định không chịu vào, độ 10 phút sau thì thấy tàu chạy qua và khi đó cả ba mới chịu lủi thủi vào nhà, người ướt sũng như chuột vậy!

Hàng ngày Ngọng, Ngốc và ông Bạn vẫn nhiệt tình giúp đỡ rất nhiều người qua đây, tránh cho hàng trăm người không bị tàu đâm và tai nạn do phương tiện gây ra...

Chị Xuân, một người làm nghề hàng xáo kể: “Tháng trước khi đi qua đây xe đạp nổ lốp, ì ạch đẩy mãi mà xe không chịu qua đoạn ray, vừa lúc đó tàu lao vun vút về phía tôi, định bỏ xe mà chạy lấy người bỗng có tiếng hét: “Ẩy đi! Anh ên!” (đẩy đi, nhanh lên). Hoàn hồn nhìn lại thấy Ngọng, Ngốc và ông Bạn đang hì hục nhấc chiếc xe và bao gạo nặng cả tạ khỏi đường ray”.

Đến nay đối với Ngọng đã gần ba cái Tết làm “barie sống”, nhưng chưa một lần được đón Tết như bao gia đình, tự tay gói những chiếc bánh chưng vuông vắn, cười nụ cười thật tươi… Thay vào đó họ đi lang thang trên khắp con phố trong giá rét để được nhìn từ xa cảnh vui Xuân của bao gia đình, để tự an ủi mình.

Năm nay để cho ba chiếc “barie sống” này có một cái Tết vui và ấm áp tình người, ông Chủ tịch phường Trần Hưng Đạo Nguyễn Văn Khoát đã động viên bà con trong phường quan tâm hơn nữa tới họ, đảm bảo cái ăn, cái mặc… và tổ chức cho Ngọng, Ngốc và ông Bạn đón Tết ngay tại “nhà” của mình mà không phải lang thang như mọi năm.

Năm nay có lẽ là năm vui nhất trong cuộc đời của Ngọng, Ngốc và ông Bạn! Tôi cảm nhận được điều ấy qua ánh mắt cả ba người. Ngoài trời tiếng còi tàu vọng xa xa cùng với tiếng bánh sắt nghiến trên đường ray nghe như âm hưởng của câu “tau cực, mi cực!”… xa dần trong màn đêm. Ba chiếc “barie sống” vẫn ngồi vất vưởng, thỉnh thoảng lại áp tai xuống đất nghe tiếng tàu chạy…

MỚI - NÓNG