4 điều kiện để nhận học bổng của VEF

4 điều kiện để nhận học bổng của VEF
TPO - "Để được nhận học bổng của VEF, nghiên cứu sinh phải giỏi ngoại ngữ, có kinh nghiệm nghiên cứu, khả năng lãnh đạo và những kế hoạch cụ thể ở Việt Nam sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở Hoa Kỳ".
4 điều kiện để nhận học bổng của VEF ảnh 1
Tiến sĩ Lynne McNamara.
Ảnh: XM.

Tiến sĩ Lynne McNamara, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam đã cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong.

Thưa bà, tại sao Quốc hội Hoa Kỳ lại thành lập một quỹ cho giáo dục Việt Nam và đến nay VEF đã cấp học bổng cho bao nhiêu nghiên cứu sinh của Việt Nam?

Tháng 12/2000, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật xây dựng Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) với mục đính hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước.

Trên cơ sở đó, VEF tìm kiếm những nghiên cứu sinh xuất sắc của Việt Nam để cấp học bổng nghiên cứu chương trình thạc sĩ (2 năm), tiến sĩ (5 năm) và mới đây là sau tiến sĩ (chương trình học giả) tại những trường đại học lớn ở Hoa Kỳ. Đến nay, đã có 189 nghiên cứu sinh Việt Nam được nhận học bổng của VEF.

Bà có thể cho biết giá trị của học bổng này và những đối tượng như thế nào có thể được nhận học bổng của VEF?

Giá trị của học bổng gồm toàn bộ học phí, sinh hoạt phí hàng tháng, vé máy bay khứ hồi, phí xin visa, kiểm tra sức khoẻ, và các chi phí liên quan đến phát triển chuyên môn.

VEF cấp học bổng chương trình tiến sĩ và thạc sĩ tại những trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ cho các ngành khoa học và công nghệ như: Toán học và Công nghệ Thông tin, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Nông nghiệp, Y tế công cộng và các ngành kỹ thuật.

Nghiên cứu sinh được nhận học bổng của VEF phải là công dân mang quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam thường trú dài hạn tại một quốc gia khác không được chấp nhận).

Đối với chương trình học giả, điều kiện là công dân Việt Nam, có bằng tiến sĩ trong các ngành khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật hoặc toán học (STEM), thành thạo tiếng Anh.

Ngoài ra, ứng viên phải có thành tích chuyên môn xuất sắc, có đề án phát triển chuyên môn chất lượng; cam kết trở về Việt Nam đóng góp cho sự phát triển giáo dục và khoa học của đất nước…

Viện Hàn lâm Hoa Kỳ sẽ đánh giá về chuyên môn của ứng viên và đề nghị lên hội đồng quản trị VEF để cấp học bổng.

Những thông tin chi tiết về vấn đề này, cũng như mẫu đơn, thời hạn nộp đơn, thủ tục giấy tờ, lịch thi tuyển, phỏng vấn, ứng viên có thể tìm hiểu kỹ trên trang web của VEF tại địa chỉ: www.vef.gov.

Thưa bà, quy trình tuyển chọn của VEF diễn ra như thế nào?

Quá trình tuyển chọn nghiên cứu sinh VEF được chia ra làm 2 quy trình. Theo đó, quy trình A kéo dài trong 2 năm. Vào tháng 8 hằng năm, VEF sẽ công bố mẫu đơn trên trang web trong thời gian 1,5 tháng. Những người có hồ sơ đạt yêu cầu được mời tham dự kỳ thi chuyên ngành đặc biệt (diễn ra tại Việt Nam). Kỳ thi này do Viện giáo dục Quốc tế (IIE) tổ chức và đề thi do Viện giáo khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) ra.

Khi có kết quả, IIE gửi lại cho ETS và khoảng 1 tháng sau, ETS sẽ gửi kết quả cho VEF. Dựa trên kết quả thi, VEF sẽ chọn 50% “phần ngọn”, có điểm cao ở từng chuyên ngành. Những thí sinh này cần có điểm GRE trên 1050 trước khi được VEF mời vào vòng phỏng vấn.

Mọi câu hỏi thắc mắc về chương trình học bổng VEF năm nay, ứng viên có thể liên hệ theo địa chỉ email: vef2007@vef.gov.

Hoặc liên hệ theo địa chỉ Quỹ Giáo dục Việt Nam VEF: Phòng 502, Tháp Hà Nội, 49 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: 04 9363670.

Vòng phỏng vấn diễn ra bằng tiếng Anh. Những giáo sư từ Viện Hàn lâm Hoa Kỳ sẽ sang Việt Nam phỏng vấn trực tiếp từng ứng viên trong vòng 45 phút.

Mỗi ngành nghiên cứu sẽ có 2 giáo sư Hoa Kỳ và 1 giáo sư Việt Nam tham gia phỏng vấn và các giáo sư Hoa Kỳ sẽ để nghị lên hội đồng quản trị VEF những người đạt yêu cầu.

Những người được đề nghị sẽ được nhận học bổng của VEF nếu như được chấp nhận vào 1 trong 5 trường đại học ở Hoa Kỳ mà các giáo sư này giới thiệu.

Trường hợp đơn của nghiên cứu sinh được chấp nhận ở trường không thuộc 5 đại học trên, VEF sẽ tham khảo ý kiến của các giáo sư trước khi quyết định. Tuy nhiên cho đến nay chưa có trường hợp nào không được các trường đại học của Hoa Kỳ chấp nhận.

Quy trình B kéo dài 2 tháng. Tiêu chí lựa chọn bao gồm trình độ học vấn, năng lực trí tuệ, các kỹ năng tiếng Anh, và khả năng cống hiến khoa học cho sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu của Việt Nam.

Điều kiện quan trọng nhất đối với thí sinh tham gia vào quy trình B là phải được nhận vào một chương trình sau đại học hàng đầu của Hoa Kỳ trong các ngành khoa học và kĩ thuật.

Xin bà cho biết yêu cầu đặt ra đối với những nghiên cứu sinh khi nhận học bổng VEF?

Yêu cầu học tập của nghiên cứu sinh là phải vượt qua được kỳ thi của tất cả các khóa học và đạt điểm B (mức điểm tối thiểu). Những nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ phải trải qua kỳ thi về ngành học nghiên cứu (qualifying exam).

Sau khi qua được kỳ thi này, họ được làm nghiên cứu và các nghiên cứu này phải hoàn toàn mới. Sau khi nghiên cứu trong 2 năm, họ sẽ phải viết luận án tiến sĩ. Luận án tiến sĩ phải được đánh giá tốt, nghiên cứu sinh mới được cấp bằng.

Tôi muốn nhấn mạnh là đề án nghiên cứu phải hoàn toàn mới, không được trùng lặp với sản phẩm của người khác. Với luận án thạc sĩ có thể ngắn hơn và không đòi hỏi cao như luận án tiến sĩ nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối yêu cầu mới, chưa có ai thực hiện.

Với tư cách là Phó Giám đốc điều hành VEF, bà đánh giá thế nào về điểm mạnh và điểm yếu của nghiên cứu sinh Việt Nam? Theo bà, nghiên cứu sinh Việt Nam phải chuẩn bị những gì để được nhận học bổng giá trị này?

Cá nhân tôi thấy nghiên cứu sinh Việt Nam rất thông minh, có trí và quyết tâm trong học tập, nghiên cứu. Họ luôn suy nghĩ tích cực và làm việc hết mình để hướng tới tương lai.

Thực tế là đến nay chưa có ai không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu. Điều đó cho thấy, những người được nhận học bổng VEF không chỉ xuất sắc trong chuyên môn mà còn giỏi ngoại ngữ và có khả năng làm việc nhóm cao.

Nói chung, tôi không thấy nhiều điểm yếu ở những nghiên cứu sinh Việt Nam mà chúng tôi cấp học bổng, có thể do khâu tuyển chọn của chúng tôi quá tốt chăng? (cười).

Trong quá trình xét duyệt và cấp học bổng, VEF rất chú ý đến những tiêu chí chung, như giỏi ngoại ngữ, có kinh nghiệm nghiên cứu trong các trường đại học, học viện…, khả năng lãnh đạo và kế hoạch cụ thể khi trở về Việt Nam.

Xin cảm ơn bà!

Xuân Mai thực hiện

MỚI - NÓNG