Nếu bạn còn trẻ, hãy đọc Murakami!

Nếu bạn còn trẻ, hãy đọc Murakami!
TP - Hai nhà văn Nhật đang được bạn đọc nước ngoài tìm đọc nhiều nhất là Haruki Murakami và Banana Yoshimoto vừa trở thành trung tâm của một cuộc hội thảo tại Hà Nội.
Nếu bạn còn trẻ, hãy đọc Murakami! ảnh 1
Tại cuộc hội thảo

Cuộc hội thảo do Trung tâm hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam-Nhật Bản (VJCC), Cty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và Đại sứ quán Nhật Bản phối hợp tổ chức.

Điều lạ lùng là trong 15 bài viết gửi tới hội thảo chỉ có đúng 1 bài về Banana. Dù sao, khi nhắc tới  “hội chứng Murakami” thì trong đó cũng đã có cả Banana. Banana như một đối trọng, một khoảng lặng cần thiết sau khi đã đắm vào thế giới ồn ào của Murakami.

Fan của Đốt

“Tôi thích nhạc jazz. Tôi thích rượu vang. Tôi thích Dostoievski. Nhưng dù vậy đi nữa tôi vẫn là một tiểu thuyết gia Nhật Bản” - Murakami trả lời phỏng vấn qua e-mail của Trần Tiễn Cao Đăng. 

Có vẻ Murakami hâm mộ Đốt một cách tuyệt đối. Tháng 11/1999, ông trả lời tạp chí Kansai Time Out: “Trong Anh em nhà Karamazov có tất cả những gì người ta muốn viết và tất cả những gì người ta muốn đọc. Tôi gọi đó là cuốn tiểu thuyết tuyệt đối. Tôi rất muốn khi nào đó viết được một cuốn như vậy. “Biên niên ký chim vặn dây cót” là một bước đi theo hướng tiểu thuyết tuyệt đối".

Trả lời phỏng vấn báo Yomiuri tháng 11/2006 khi mới dịch lại Gatsby vĩ đại, Murakami khẳng định: “Tác phẩm của Fitzgerald mãi mãi là tiêu chuẩn của tôi, nhưng nếu nói tới mục tiêu thì nói thật là Dostoievsky. Vũ trụ hư cấu tổng hợp và sâu sắc mà Dostoievsky đã tạo ra trong cuối đời văn thì vẫn chưa ai vượt qua”.

Nếu có một lời khuyên cho những nhà văn Việt Nam khát vọng được thừa nhận trên phạm vi thế giới? Cao Đăng hỏi, Murakami trả lời: “Đến năm 29 tuổi, tôi mới bắt đầu viết. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó của riêng mình để viết. Đây không phải là một lời khuyên. Đơn giản chính tôi đã trải qua như thế”.

Theo Jay Rubin, Murakami đã viết văn bằng tiếng Anh trước rồi tự dịch sang tiếng Nhật, sau đó ông mới bắt đầu viết bằng tiếng Nhật.

Murakami từng nói: “Trong những năm trưởng thành, không một lần nào tôi thấy xúc động sâu xa vì một cuốn tiểu thuyết Nhật Bản hết!”. Cho nên “Murakami không hẳn là một nhà văn Nhật mà có khi là một nhà văn phương Tây viết bằng tiếng Nhật” - Kết luận của Will Slocombe (Anh).

Riêng tư và toàn cầu

Ấn tượng đầu tiên về tiểu thuyết (Cuộc săn cừu hoang) của Murakami- với dịch giả Kato Norio- hiện định cư ở Việt Nam - là “nhạt nhẽo, nói chính xác hơn thì hoàn toàn không hiểu được nội dung”.

“Lý do về ấn tượng yếu như thế có lẽ không phải vì nội dung tiểu thuyết này mà vì tại riêng tôi... Nếu gặp tác phẩm của Murakami lúc còn trẻ tuổi, tinh thần vẫn nhạy cảm nhu nhuyễn thì ấn tượng về Murakami chắc hoàn toàn khác”.

Dịch giả trẻ Cao Việt Dũng cũng phát biểu: “Văn chương của Murakami rất hợp với tuổi trẻ. Hiếm ai đọc không có ấn tượng lớn. Độc giả quá tuổi 20 đọc Murakami có ấn tượng khác...”.

Thực tế, độc giả trên thế giới say mê đọc Murakami đại đa số là thanh niên, còn trẻ và lần đầu tiên đọc Murakami. “Do hiện tượng toàn cầu hóa, mất lý tưởng trong sự đa dạng về quan điểm sống, hay nhu cầu an ủi tinh thần tăng vì vật chất sung túc...” nhưng theo Norio, lý do căn bản nhất có lẽ là tác phẩm của Murakami “có cái mà văn học đã thôi không mang lại”. “Cụ thể là đọc Murakami, độc giả có kinh nghiệm như chạm đến đáy lòng của mình!”.

Hơn một người “tưởng bở” Murakami viết cho riêng mình đọc. Jay Rubin, người dịch Murakami ở Mỹ: “Tôi hoàn toàn không hiểu tại sao Murakami lại đột biến lừng lẫy ở phương Tây đến thế.

Lúc đầu, tôi cảm thấy như ông viết riêng cho tôi đọc vậy, và tôi vẫn nghĩ thị hiếu kỳ cục của mình khó mà chia sẻ được với ai. Sẽ không thể tìm thấy một nhà văn nào khác trên khắp thế giới có thể đến với tôi một cách trực tiếp và riêng tư đến vậy”.

Dịch giả Trung Quốc Lâm Thiếu Hoa dẫn lá thư của một nữ độc giả: “Thật tuyệt vời. Ngòi bút tinh tế. Cuộc sống cô độc. Dường như viết cho bản thân tôi”.

“So với văn học phương Tây, tác phẩm của Murakami có sắc thái thần bí mơ hồ khó nhận biết, âm dương đan cài kiểu phương Đông”, họ Lâm lý giải. “So với văn học phương Đông, phong cách hành văn trong tác phẩm Murakami rõ ràng mang nhiều dấu vết văn học phương Tây, và góc nhìn Tây hóa”. Có lẽ vì thế mà cả ông là điểm mà độc giả Đông và Tây gặp nhau.

Trong vòng 4 năm trở lại đây, tác phẩm của Murakami đã có số lượng in tới hơn 2 triệu cuốn ở Trung Quốc, trong đó Rừng Na-Uy đã in 22 lần- hơn 1 triệu bản, cứ 2-3 tháng lại cần in thêm 50.000 cuốn.

Ở Trung Quốc, Murakami và Rừng Na-Uy là hiện tượng văn hóa. Ở Đức, Cuộc săn cừu hoang tiêu thụ hơn 1 triệu bản. Tiểu thuyết dịch chỉ chiếm khoảng 6% đầu sách xuất bản ở Anh nhưng trong 10 năm nay, 10 tác phẩm của Murakami được xuất bản. Chỉ độc giả Pháp là chưa hoàn toàn khuất phục. Murakami chỉ có khoảng 2-3 vạn người đọc ở Pháp.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.