NMD của Mỹ- vũ khí phòng thủ hay tiến công?

NMD của Mỹ- vũ khí phòng thủ hay tiến công?
TP - Dư luận quốc tế hiện rất quan tâm đến kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD, đặc biệt là việc xây dựng căn cứ mới của NMD ở Ba Lan và Cộng hoà Séc, ngay sát biên giới nước Nga.
NMD của Mỹ- vũ khí phòng thủ hay tiến công? ảnh 1
Toàn cảnh đánh chặn tên lửa của hệ thống NMD

Hệ thống NMD của Mỹ gồm ba tuyến phòng thủ.

Tuyến một (gọi là tuyến trên bộ),  gồm các căn cứ tên lửa đánh chặn bố trí trên mặt đất GBI (Ground-Based Interceptor), trước hết là trên trên lục địa Mỹ, cùng với các trạm ra-đa báo động sớm được xây dựng ở Mỹ, Norway và Greenland.

Tuyến hai (gọi là tuyến trên biển), gồm các chiến hạm mang tên AEGIS được lắp vũ khí đánh chặn tên lửa đường đạn.

Tuyến ba (gọi là tuyến đường không-vũ trụ) bao gồm mạng lưới các vệ tinh phát hiện và vũ khí tiến công bố trí trên máy bay và các vệ tinh bay trên quỹ đạo quanh Trái đất. Trong 10 năm tới, Mỹ sẽ bố trí tên lửa đánh chặn GBI và ra-đa phát hiện ở Đông Âu.

Yêu cầu then chốt đối với hệ thống này là phải có khả năng đánh chặn tên lửa trong mọi giai đoạn của quỹ đạo bay, từ lúc mới rời bệ phóng cho đến khi nhằm vào mục tiêu.

Hiện nay, hệ thống NMD của Mỹ đang được triển khai. Mỹ đã tiến hành thử nghiệm thành công các tên lửa đánh chặn GBI đặt trên mặt đất và tên lửa đánh chặn SM-3 bố trí trên biển. Tên lửa GBI được bố trí tại các căn cứ quân sự Fort Greely ở Aliask và Vandenberg ở California. Còn các tên lửa SM-3 được bố trí trên 3 chiến hạm của hải quân Mỹ và 3 chiến hạm khác sẽ được hiện đại hoá trong những năm 2006-2007.

Ngoài ra, Mỹ đã thử nghiệm thành công vũ khí laser bố trí trên máy bay và trong tương lai sẽ bố trí loại vũ khí này trên vũ trụ đóng vai trò như những cỗ máy “phụt tia chết” nhằm vào các đầu đạn tên lửa của đối phương.

Cùng với thời gian, hệ thống NMD của Mỹ ngày càng tiến xa khỏi mục tiêu ban đầu là bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại “cuộc tiến công hạn chế” đề ra trong Đạo luật năm 1999. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng ý đồ đích thực của Mỹ là xây dựng một hệ thống phòng chống tên lửa có khả năng bảo vệ lãnh thổ Hoa Kỳ chống lại đòn tiến công hạt nhân từ phía Nga.

Sở dĩ Mỹ nuôi hy vọng lớn vào NMD là vì sau khi Nga đã cắt giảm trên quy mô lớn số vũ khí hạt nhân theo các hiệp ước về hạn chế vũ khí tiến công chiến lược và đạt tới ngưỡng thấp nhất về số lượng, vào khoảng 200-300 tên lửa, lúc đó hệ thống NMD của Mỹ đủ khả năng khống chế hoàn toàn.

Để không xảy ra tình huống này, Mỹ và Liên Xô trước đây đã từng ký kết Hiệp ước về hệ thống phòng thủ tên lửa năm 1972, cấm các bên xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia. Nhưng Mỹ đã đơn phương rút khỏi Hiệp ước này. Tuy nhiên, Nga đã không chịu khoanh tay ngồi nhìn.

-------------------------

Kỳ sau: Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn hay là vũ khí của Nga đối phó NMD của Mỹ

MỚI - NÓNG