Phía sau chuyện hàng loạt VĐV đỉnh cao nghỉ thi đấu

Phía sau chuyện hàng loạt VĐV đỉnh cao nghỉ thi đấu
TP - Phía sau vầng hào quang là những câu chuyện dài, có nụ cười và đầy nước mắt. Từ chuyện Duy Bằng chia tay nhảy cao và mới đây nhất là VĐV số 1 VN Lưu Thị Thanh xin nghỉ thi đấu, Tiền phong đã tìm hiểu những chuyện đời thường của các VĐV...

Lập thành tích quốc gia, thậm chí giành chức vô địch châu lục, nhưng mức ăn hàng ngày của các VĐV có khi chỉ tương đương với số tiền đủ mua một... bát phở...

Mức ăn của kỷ lục gia: Hai tô bún một ngày

Chuyện bắt đầu bằng một VĐV đoạt chức vô địch về đi bộ: Phạm Công Hải - người Quảng Ngãi. Thể thao Quảng Ngãi vốn không phải “đất” của huy chương nhưng mấy năm gần đây họ có một lực lượng VĐV điền kinh rất nổi trong môn đi bộ. Đó là những Phạm Công Hải, Lê Minh Vân…

Ở giải điền kinh toàn quốc trong khuôn khổ Đại hội TDTT 2006, Phạm Công Hải đã lập kỷ lục quốc gia về đi bộ với thành tích 1 giờ 45 phút 51 giây 8. Của quý hiếm là như vậy nhưng lãnh đạo thể thao Quảng Ngãi canh cánh nỗi lo “con chim đầu đàn” 22 tuổi này sẽ tìm đến bến đậu mới với một chế độ cao hơn. Ít ai tin rằng, một VĐV như Phạm Công Hải nhưng chỉ được hưởng chế độ ăn 15.000 đồng/ngày, tương đương với hai tô bún ở Quảng Ngãi và chỉ bằng đúng một bát phở vỉa hè ở Hà Nội.

Cũng thuộc dạng “của quý hiếm” còn có Hoàng Anh Tuấn - lực sỹ cử tạ từng giành HCV Châu Á - lẽ ra phải là niềm tự hào của thể thao Bắc Ninh. Nhưng không, Bắc Ninh chỉ là nơi anh sinh ra chứ không phải là chỗ anh cống hiến, đơn giản do chế độ quá… hẻo.

Đã có năm, Hoàng Anh Tuấn phải chuyển sang Nam Định thi đấu cho tỉnh này ở Đại hội TDTT toàn quốc. Bây giờ thì Tuấn đã yên tâm hơn với nghiệp thể thao khi Sở TDTT Đà Nẵng nhận Tuấn về với một mức lương trong mơ: 10 triệu đồng/tháng.

Ông Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở TDTT Đà Nẵng nói: “VĐV giỏi như Tuấn phải được hưởng chế độ như vậy mới được coi là xứng đáng”.

Còn lực sỹ này khi nhớ về một thời “nhịn đói” của mình mà giọng vẫn nghẹn ngào: “Môn thể thao của tôi đòi hỏi phải có chế độ ăn đặc biệt, ấy vậy mà đã có một thời gian dài tôi phải nhịn đói để vác tạ. Thậm chí ngay cả khi tập trung đội tuyển tôi vẫn phải bỏ tiền ra để ăn thêm. Mình cũng chẳng kêu được vì làm gì có quy định nào cho chế độ ăn từng môn”.

Những “chuyên gia” ăn cơm bụi

Cái tin tuyển thủ nữ cầu mây Lưu Thị Thanh đột ngột rời đội tuyển khiến nhiều người yêu môn thể thao này hẫng hụt. Bởi chí ít, trước đó còn nghe VĐV tiêu biểu nhất toàn quốc năm 2006 này bày tỏ muốn thi đấu hết SEA Games 24 - 2007. Lý do Thanh đưa ra là vì gia đình nhưng những khó khăn, gian khổ trong quá trình luyện tập của Thanh và đồng đội cũng là có thật.

Báo Tiền phong số Tết Đinh Hợi vừa qua trong bài “Xóm cầu mây” có một chi tiết đáng nhớ: Các cô gái vàng cầu mây Việt Nam ăn cơm bụi để lấy vàng ASIAD. Họ là khách quen của một quán cơm bụi ở đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) và mỗi người chưa bao giờ dám ăn quá 20 ngàn đồng mỗi ngày.

Nhưng chế độ ở đội tuyển vẫn được coi là một trời một vực với ở địa phương. Khi lên tuyển, nữ cầu thủ Văn Thị Thanh được hưởng tiền công 70.000 đồng ngày theo chế độ nhưng khi về địa phương thì chỉ là 10-15 ngàn đồng/ ngày. Với chế độ ấy, họ phải tự mua thức ăn về nấu lấy.

Còn nhớ, có một dạo thịt gà và trứng gà rẻ như… cho vì dịch cúm gia cầm. Ấy thế mà các cô gái Hà Nam vẫn mua trứng gà về chế biến món ăn, đơn giản vì đó là loại thức ăn bổ và rẻ nhất thời điểm ấy.

Có một chuyện ít ai biết, cách đây vài năm, tại căng tin ở Trung tâm HLTTQG 1, người ta thấy các đô vật ở đội vật chỉ thích ngồi cạnh bàn ăn của mấy cháu đội thể dục. Hỏi ra mới biết lý do: Chế độ ăn thì như nhau nhưng nhu cầu thì khác nhau. Trong khi các anh đội vật ăn như hổ thì các em đội thể dục lại thỏ thẻ như mèo, thành ra bao nhiêu phần dư của đội thể dục đều được đội vật gánh hết.

Sẽ là rất nghịch lý nếu mơ ước của thể thao Việt Nam là vươn mình ra biển lớn thì mơ ước của nhiều, rất nhiều VĐV là làm sao căng được cái dạ dày! 

MỚI - NÓNG