Quảng Bình: Tuyển “lậu” hơn 1.000 cán bộ, giáo viên

Quảng Bình: Tuyển “lậu” hơn 1.000 cán bộ, giáo viên
TP - Khi lục lại hồ sơ của các giáo viên, nhân viên tại Quảng Bình, người ta mới tá hoả, khi có đến 266 giáo viên, nhân viên vào ngành GD... lậu.
Quảng Bình: Tuyển “lậu” hơn 1.000 cán bộ, giáo viên ảnh 1
Bà Hà Thị Thanh Nam, Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh đang chất vấn trước HĐND về số phận của các giáo viên tự tuyển

Vào dịp cuối năm học, chúng tôi liên tục nhận được đơn kiến nghị và kể cả đơn kêu cứu của rất nhiều cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành giáo dục Quảng Bình.

Nội dung chủ yếu là họ chẳng biết sẽ đi về đâu và tương lai của họ sẽ như thế nào. Không biết sau kỳ nghỉ hè, họ có còn được đứng trong ngành giáo dục. Hơn 1.000 cán bộ, giáo viên đang trong tâm trạng như thế. Vì sao có chuyện lạ này?

Tùy tiện hay cố tình vi phạm?

Từ tháng 1/1992-11/1998, theo quy định, Ban Tổ chức chính quyền (TCCQ), nay là Sở Nội vụ, là cơ quan giúp UBND tỉnh quản lý đội ngũ công chức, viên chức thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đây cũng là cơ quan quyết định (QĐ) việc tuyển dụng, bố trí, điều động, xếp lương, nâng lương... cán bộ.

Tuy nhiên, ở Quảng Bình, Sở GD và các trưởng phòng GD cấp huyện lại tự mình ra QĐ tuyển dụng 873 người, trong đó giáo viên 800 người và nhân viên 73 người. Họ bỏ qua các QĐ của UBND tỉnh và đương nhiên bỏ qua luôn vai trò của Ban TCCQ.

Những QĐ tuyển dụng này phần lớn là những QĐ hợp đồng có thời hạn, nhưng lãnh đạo của ngành GD lại chưa hề có bất cứ một QĐ chấm dứt hợp đồng hay gia hạn lao động nào sau mỗi đợt tuyển dụng.

Từ 1992-1995, ông Nguyễn Chất, lúc đó là Giám đốc Sở GD (nay đã nghỉ hưu) đã ký tuyển dụng 167 trường hợp. Kế nhiệm từ năm 1996-1999, ông Lương Ngọc Bính, GĐ Sở, mạnh tay hơn, ký tuyển dụng 206 trường hợp.

Ngoài ra, đến bây giờ, khi lục lại hồ sơ của các giáo viên, nhân viên thời kỳ đó, người ta mới tá hoả, khi có đến 266 giáo viên, nhân viên vào ngành GD... lậu. Nghĩa là họ chẳng có QĐ tuyển dụng cũng như chẳng có hợp đồng lao động.

Và cũng thật lạ lùng và trớ trêu, trong số 873 người được ngành GD tuyển dụng trong thời kỳ này có đến 184 người khi tuyển đã quá tuổi và không đạt chuẩn, nhưng các vị chức sắc vẫn cứ tuyển dụng. Dư luận đặt câu hỏi, phía sau sự tuyển dụng ẩu này là gì? Và chất lượng GD yếu kém có phải khởi phát từ nguyên nhân này?

Từ tháng 12/1998 đến nay, khi nghị định 95/1998 có hiệu lực, mà một trong những nội dung quan trọng của NĐ này là: “Việc tuyển dụng công chức phải thông qua kỳ thi theo quy chế thi tuyển. Người không thông qua thi tuyển công chức không được tuyển dụng vào trong biên chế cơ quan...”.

NĐ quy định là vậy, nhưng trước khi rời ghế Giám đốc Sở GD để đến một cơ quan khác quan trọng hơn, ông Lương Ngọc Bính cũng kịp ký tuyển dụng 22 người và người kế nhiệm ông Bính là bà Nguyễn Thị Nghĩa đã ký 87 trường hợp mà chẳng cần phải qua thi tuyển công chức...

Như một phản ứng đôminô, những QĐ tuyển dụng sai phạm trên đã kéo theo hệ quả khá nghiêm trọng, đó là các cơ quan chức năng của ngành GD làm quy hoạch, tạo nguồn và bổ nhiệm đến 44 hiệu trưởng và hiệu phó của các cấp học, trong khi họ chưa có QĐ tuyển dụng. Đó là điều hiếm gặp xưa nay ở ngành GD Quảng Bình.

Ai chịu trách nhiệm?

Hơn 1.000 cán bộ, giáo viên đang là nạn nhân của những QĐ tự tuyển của ngành GD. Mỗi lần nâng lương, nâng bậc, đề bạt họ lại bị các cơ quan chức năng đưa ra khỏi danh sách bởi không có QĐ tuyển dụng theo đúng các quy định của Nhà nước.

Cả ngàn người thấp thỏm âu lo bởi có thể ngày mai khi ngủ dậy họ phải nhận một QĐ chấm dứt hợp đồng vì chủ yếu họ chỉ được lãnh đạo ngành ký hợp đồng lao động. Những người làm công tác quản lý ở các trường cũng đang đau đầu về hậu quả này.

Để họ lại trong ngành thì vi phạm các quy định Nhà nước. Chấm dứt hợp đồng với họ thì không nỡ, vì người nhiều thì đã 14 năm, người ít thì cũng đã 3 năm cống hiến cho ngành. Họ là các đối tượng nhạy cảm nhất và dễ tổn thương nhất so với các đồng nghiệp có quyết định “chính thống” mỗi khi thuyên chuyển hay điều động.

Hàng trăm lá đơn thỉnh cầu và kêu cứu của họ gửi các cơ quan chức năng cho họ một cơ hội “chính danh” là người Nhà nước, nhưng đến giờ đây vẫn chưa có hồi âm và một cách giải quyết phù hợp. Điều chúng tôi muốn đề cập là, trong 3 thế hệ làm Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Chất giờ đã nghỉ hưu. Bà Nguyễn Thị Nghĩa đương chức.

Ông Lương Ngọc Bính hiện đang giữ trọng trách là Chủ tịch HĐND tỉnh. Bao kỳ họp HĐND, nhiều đại biểu đã “kêu giùm” cho hơn 1.000 cán bộ, giáo viên về nỗi khổ mà họ đang vướng phải.

Ông Chủ tịch HĐND đã hứa sẽ yêu cầu cơ quan chức năng trả lời. Nhưng đến nay vẫn chưa có một câu trả lời thỏa đáng nào.

Dư luận bức xúc rằng, chính ông Lương Ngọc Bính, Chủ tịch HĐND, nguyên là Giám đốc Sở GD-ĐT, người đã đặt bút ký tự tuyển 228 người, là người rõ hơn ai hết về vấn đề này. Khi giữ trọng trách Chủ tịch HĐND tỉnh, hơn ai hết ông Bính có đủ quyền năng chỉ đạo khẩn trương việc sửa sai và khắc phục hậu quả. Đòi hỏi đó của dư luận không phải là không có cơ sở.

MỚI - NÓNG