12 năm tự nguyện làm 'barie sống'

12 năm tự nguyện làm 'barie sống'
TP - 12 năm qua, mặc dù bị bệnh tật hành hạ và phải kiếm sống bằng nghề bán vé số nhưng anh Nguyễn Văn Sỹ không quản mưa nắng, hàng ngày làm người gác chắn tự nguyện ở cung đường ray cầu An Hòa.
12 năm tự nguyện làm 'barie sống' ảnh 1
Anh Nguyễn Văn Sỹ bên đoạn đường ray cầu An Hòa

Đến xã Hương Sơ, khi chúng tôi  hỏi anh Nguyễn Văn Sỹ (thôn An Hòa, Hương Sơ, Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) không chỉ ai cũng biết mà còn  sốt sắng kể về công việc thầm lặng  của anh. Chúng tôi gặp anh khi anh đang ngồi bán vé số ở gần cầu. Xấp vé số  vẫn chưa bán  hết mặc dù trời đã gần tối.

Đang trò chuyện với chúng tôi, chợt có tiếng còi tàu, anh  bất ngờ  đứng dậy chạy nhanh về phía đường ray, một tay giơ ngang  báo hiệu cho người qua đường, tay  kia cầm còi thổi “tuýt tuýt”.

Hàng chục phương tiện và học sinh qua đường đều dừng lại đúng khoảng cách an toàn. Đoàn tàu chạy qua, người và phương tiện an toàn qua đường ray.

Anh Sỹ là con thứ ba trong một gia đình nghèo có 9 anh em. Thuở nhỏ, trong một lần ốm nặng, vì không có tiền đi bệnh viện chữa trị nên anh trở  thành người bị tàn tật. Lớn lên, vì không đủ sức để đảm đương những công việc nặng nhọc, anh chọn nghề bán vé số để phụ giúp gia đình.

Sau một thời gian bán vé số,  gia đình thấy nhiều ngày anh về nhà sau 10 giờ đêm. Lúc đầu gia đình lấy làm lạ, hỏi nhưng anh không nói. Được những người dân kể lại, cả nhà mới  biết  ngoài bán vé số, anh còn  tự nguyện làm người gác chắn tàu ở cầu An Hòa. Lúc đầu cả nhà ngăn cản, vì thấy anh bệnh tật nên không yên tâm. Được anh thuyết phục, dần dần gia đình anh cũng đồng ý cho anh làm.

“Thời gian đầu, thấy tui đeo băng đỏ, miệng thổi còi ngăn người qua đường mỗi khi có tàu qua, nhiều người  nói rằng tui “bị điên”, vì đã bệnh tật lại còn đi làm việc không công. Nhưng thấy đoạn đường ngang này không có gác chắn, người qua lại rất đông, năm mô cũng có nhiều người chết vì bị tàu quệt, nên tui nhất quyết làm. Dần dần , hiểu được việc tui làm nên người ta không cười nữa ”- Anh  Sỹ kể.

Cung cầu An Hòa là  điểm giao cắt giữa đường làng An Hoà với QL 1A, nên đông người qua, nhất là học sinh của hai trường tiểu học gần đó thường xuyên phải qua lại trên đoạn đường này.

Trước đây, đoạn đường này là một điểm đen nhức nhối, thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Cũng có thời gian  người ta làm barie bằng  những cây tre, nhưng vì không ai quản lý nên không có tác dụng. Tai nạn do tàu chạy qua  vẫn xảy ra.

Từ ngày người dân thôn An Hòa thấy hình ảnh người đàn ông đeo túi đựng vé số, tay đeo băng đỏ và cầm cờ, miệng thổi còi mỗi khi có tàu qua thì tai nạn giao thông đường sắt ở đây không còn tiếp diễn.

Bệnh nặng vẫn gác tàu

Bà Trần Thị Tám, mẹ anh Sỹ, kể: “Có lần hắn bị bệnh nặng, phải nằm viện và phẫu thuật vì bị nhiễm trùng máu và dính ruột. Nằm trên giường bệnh nhưng hắn vẫn đòi về gác tàu. Có lần hắn còn đòi mang cho được băng đỏ đến bệnh viện thì mới chịu nằm chữa bệnh.

Ở bệnh viện mà lúc mô cũng hỏi cung đường sắt An Hòa giờ ai gác không”. Bốn năm trở lại đây anh Sỹ còn mắc thêm bệnh thận, chân tay sưng phù, ra vào bệnh viện không biết bao nhiêu lần vẫn  không khỏi. Gia đình ngày càng khó khăn nhưng hàng ngày anh vẫn gắn bó với đoạn đường sắt này.

Cứ đến giờ tàu chạy, dù ngồi bán vé số ở cái bàn gỗ gần đó hay đang  bán dạo ở xa, anh lại về đoạn đường ray chắn tàu. Có lần bệnh phát nặng, gia đình bắt  nằm ở nhà, bụng thấy không yên tâm nên anh ra đường tàu, nhờ thế mà may mắn cứu được một em bé suýt nữa bị tàu quệt.

Mới đây, khi đang mải bán vé số dạo, chợt nhớ ra đến giờ tàu qua, anh cố chạy thật nhanh về đoạn đường sắt. Lúc đó có hai cô gái đang bị mắc xe giữa đường ray, trong khi tàu chỉ còn cách khoảng 10 m. Khi anh vừa  kéo hai cô gái  ra khỏi đường ray, thì tàu ập đến…

12 năm làm barie sống ở cung cầu An Hòa, anh không nhớ nổi mình đã cứu sống bao nhiêu người qua đường khi sắp bị tàu đâm. “Mình tàn phế, không làm được việc lớn, chỉ cố gắng làm một cái chi đó dù nhỏ nhưng có ích là mình thấy vui rồi”- Anh Sỹ tâm sự.

Trần Nghệ
Báo chí K27, Đại học Khoa học Huế

MỚI - NÓNG