Hà Nội Hà Nội, Áo lụa Hà Đông: Cánh diều Vàng 2006

Hà Nội Hà Nội, Áo lụa Hà Đông: Cánh diều Vàng 2006
TP - Cho tới phút chót, tin tức từ Ban Giám khảo là: Hà Nội Hà Nội - Cánh diều Vàng; Áo lụa Hà Đông - Cánh diều Bạc (kém Hà Nội Hà Nội 1 phiếu). Thế rồi, bất ngờ đã diễn ra khi hai phim đồng Cánh diều Vàng.
Hà Nội Hà Nội, Áo lụa Hà Đông: Cánh diều Vàng 2006 ảnh 1

Đại diện của phim Hà Nội Hà Nội và Áo lụa Hà Đông nhận giải Cánh diều Vàng 2006. Ảnh: Hồng Vĩnh

Giải năm nay, BTC đã quán triệt tinh thần là tôn trọng quyết định của Ban Giám khảo nhưng không hiểu sao, phút chót lại có bất ngờ này?

Phim Hà Nội Hà Nội kể câu chuyện: Cô gái Trung Quốc Tô Tô sống với bà, một phụ nữ đẹp lão nhưng u uẩn bởi một nỗi day dứt suốt cuộc đời. Nhiều chục năm trước bà từng sống ở Hà Nội, yêu một người đàn ông tên là Sơn. Ông Sơn có đứa con riêng.

Do hoàn cảnh Việt Nam có chiến tranh, bà về nước, được ông Sơn tin cậy trao con trai nhờ mang về Trung Quốc nuôi. Trong một thời khắc hỗn loạn ở sân ga, bà để lạc mất đứa trẻ, đành một mình hồi cố.

Suốt mấy chục năm họ không liên lạc được với nhau, số phận của mỗi người ra sao không biết. Những lá thư bà gửi đi đều bị trả lại. Nay nguyện vọng cuối đời của bà trước khi nhắm mắt xuôi tay: Tô Tô tìm lại được gia đình ông Sơn - với những kỷ vật trao tay của bà.

Xem 15 phút đầu, cảm giác căng thẳng vì những tình huống đơn giản bị phức tạp hóa, lại thêm diễn xuất căng như dây đàn của một số nhân vật như Dân, người yêu Dân (tay hướng dẫn viên bất đắc dĩ của Tô Tô) bồi thêm.

Phim dễ xem hơn về cuối - nhất là phần kết khá xúc động, nhưng trong mạch truyện khá hấp dẫn là hành trình của Tô Tô từ vùng biên giới về Hà Nội - thỉnh thoảng lại nảy sinh những yếu tố ngẫu nhiên như: Dân - người mà Tô Tô tình cờ gặp từ đầu, và Trọng - người quen của Dân - hóa ra đều có mối liên hệ quan thiết với ông Sơn.

Hà Nội Hà Nội, Áo lụa Hà Đông: Cánh diều Vàng 2006 ảnh 2
Nữ diễn viên Trung Quốc Can Đình Đình và các diễn viên khác của "Hà Nội Hà Nội"

Nếu được biên tập kỹ lưỡng cộng với diễn xuất tiết chế hơn của một số diễn viên thì đây là phim xem được, điểm sáng của điện ảnh hợp tác.

Áo lụa Hà Đông, độ phi lý còn cao hơn nhiều. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn nhận xét: “Đạo diễn không tuân thủ logic nghệ thuật và cuộc sống mà cứ ép chi tiết theo cách mà ông ấy muốn. Một đạo diễn hiểu biết về điện ảnh lại chọn cách làm cũ như thế kể cũng lạ”.

Nhiều khán giả tỏ ra thích thú với việc chiếc áo lụa trắng ngà đã hiện ra như một mô - tip đặc biệt, biểu tượng của nhân phẩm phụ nữ, còn nhân vật Dần cuộc đời sóng gió cũng biểu trưng cho tính cách và sức chịu đựng của phụ nữ Việt Nam! Tuy nhiên đâu phải ai cũng thích xem phim với một cảm giác bị dẫn dắt phủ dụ, mà chi tiết dẫn dắt lại không đắt. Điều khó thuyết phục nhất ở Áo lụa Hà Đông có lẽ là kịch bản. Giải Bạc cho Áo lụa Hà Đông kể như đã là sự động viên!  

Giải thưởng Cánh diều vàng 2006

Phim truyện truyền hình ngắn tập: Nhà có ba chị em (đạo diễn Đỗ Thanh Hải).

Phim truyền hình dài tập: Chạy án (đạo diễn Vũ Hồng Sơn).

Phim tài liệu nhựa: Khoảng cách (đạo diễn Trần Phi).

Phim tài liệu khoa học: Không có giải Vàng. Giải Cánh diều Bạc: Mỹ Sơn - miền di sản (đạo diễn Nguyễn Hướng).

Danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất là kết thúc có hậu của một cuộc tranh cãi trong giám khảo rằng có nên trao giải chính thức cho “người ngoài” hay không. Nhưng không có Đình Đình thì không có ai cả! Ngoài vẻ trẻ trung xinh xắn, cô còn chứng tỏ một đẳng cấp khác hẳn. Quốc Khánh - vai Gù trong Áo lụa Hà Đông là Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

Nữ diễn viên phụ dễ chọn hơn, cuối cùng “bà lão” Thanh Thủy vượt qua các cô bé con của Dần - Áo lụa Hà Đông. Hoàng Hải cũng có một vai phụ vừa tầm trong Hà Nội Hà Nội. Anh diễn ra chất của lái xe Trọng - đời riêng uẩn khúc, cư xử phù hợp với hoàn cảnh.

Đạo diễn Việt kiều Lưu Huỳnh chiến thắng trong giải Đạo diễn, còn giải Kịch bản: Sinh mệnh của Nguyễn Mạnh Tuấn. Sinh mệnh quí giá của con người và sự cần thiết phải giữ gìn trân trọng nó trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt được khai thác khá nhân văn, chiếm cảm tình của giới báo chí nên cuối cùng phim Sinh mệnh đoạt giải của giới này.

Hà Nội Hà Nội, Áo lụa Hà Đông: Cánh diều Vàng 2006 ảnh 3
Cảnh trong phim truyền hình nhiều tập "Chạy án".

Nhà quay phim Trinh Hoan - Nguyễn Tranh đoạt giải xuất sắc nhất nhờ Áo lụa Hà Đông là điều không phải bàn cãi. Phim Áo lụa Hà Đông cũng rinh thêm giải Âm thanh xuất sắc. Họa sĩ: Phạm Quang Vĩnh (Hà Nội Hà Nội).

Sát giờ trao giải, có tin Trương Ngọc Ánh bị sốc khi biết mình hụt danh hiệu Nữ diễn viên chính xuất sắc nên không bay ra dự Lễ trao giải tối 5/5 ở Cung văn hóa Hữu nghị, khiến kịch bản dự kiến cô lên trao một loại giải cho phim đã bị “cháy”.

Còn Nhạc sĩ Phú Quang thì kể có giao hẹn với ban tổ chức sẽ chỉ “nhịn” phát biểu trước thềm, còn sau lễ trao giải, anh có rất nhiều điều để bàn không chỉ về tình trạng nhạc phim, diễn xuất... của điện ảnh nước nhà.

Các giải thưởng được trao tối qua

1. Giải phim truyện nhựa:

- Giải Cánh diều vàng thể loại phim truyện nhựa được trao cho phim Hà Nội, Hà Nội (Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Lý Vĩ) và phim Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh).

- Giải Cánh diều bạc: Không có giải bạc cho thể loại phim truyện nhựa.

- Giải đạo diễn được trao cho Lưu Huỳnh (phim Áo lụa Hà Đông)

- Giải nam diễn viên chính được trao cho Quốc Khánh (phim Áo lụa Hà Đông)

- Giải nữ diễn viên chính được trao cho Can Đình Đình (Hà Nội, Hà Nội)

- Giải nam diễn viên phụ được trao cho Hoàng Hải (phim Hà Nội, Hà Nội)

- Giải nữ diễn viên phụ được trao cho Thanh Thuỷ (phim Sinh mệnh)

- Giải biên kịch được trao cho nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn (biên kịch phim Sinh mệnh)

- Giải thiết kế mỹ thuật được trao cho hoạ sĩ Phạm Quang Vĩ (thiết kế mỹ thuật cho phim Hà Nội, Hà Nội)

- Giải quay phim được trao cho tay máy Trinh HoanNguyễn Tranh (phim Áo lụa Hà Đông)

- Giải kỹ thuật âm thanh được trao cho Des O’Neil (phim Áo lụa Hà Đông)

- Giải nhạc phim được trao cho nhạc sĩ  Nguyễn Côn Thân (nhạc sĩ Trung Quốc viết nhạc cho phim Hà Nội, Hà Nội)

2. Giải phim truyện truyền hình nhiều tập:

Cánh diều vàng: Chạy án của đạo diễn Vũ Hồng Sơn.

Cánh diều bạc: Tuyết nhiệt đới cũa đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Giải đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho Bùi Tuấn Dũng (phim Đám cưới ở thiên đường).

3. Giải phim truyện truyền hình ngắn tập:

Cánh diều vàng: Nhà có ba chị em của đạo diễn Đỗ Thanh Hải.

Cánh diều bạc: Cải ơi của đạo diễn Nguyễn Phương Điền.

Giải đạo diễn xuất sắc nhất được trao cho Đỗ Thanh Hải (đạo diễn của phim ẵm giải Cánh diều vàng).

4. Giải phim tài liệu

4.1. Phim tài liệu nhựa:

Cánh diều vàng: Khoảng cách của đạo diễn Trần Phi.

Cánh diều bạc: Câu chuyện thành trì của đạo diễn Lê Phi.

4.2. Phim tài liệu truyền hình:

Hà Nội Hà Nội, Áo lụa Hà Đông: Cánh diều Vàng 2006 ảnh 4
Cảnh phim "Mê Kông ký sự"
Cánh diều vàng: Mê Kông ký sự của Tổng đạo diễn Phạm Khắc

Cánh diều bạc: Không chỉ là thương hiệu của đạo diễn Nguyễn Thước và Khát vọng mùa trăng của đạo diễn Văn Lượng.

Giải đạo diễn xuất sắc nhất của cả phim tài liệu nhựa và phim tài liệu truyền hình được trao cho Trần Phi.

5. Giải phim khoa học:

Cánh diều vàng: Không có giải cánh diều vàng cho thể loại phim khoa học.

Cánh diều vàng: Mỹ Sơn miền di sản của đạo diễn Nguyễn Văn Hướng.

6. Giải cho công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh:

Cánh diều vàng: Không có giải vàng cho công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh.

Cánh diều bạc: Văn học nghệ thuật truyền thống với phim truyện Việt Nam của Phan Bích Hà.

7. Giải phim hoạt hình:

Cánh diều vàng: Chuyến đi xa của tắc kè, đạo diễn Trần Khánh Duyên.

Cánh diều bạc:  Mai An Tiêm, đạo diễn Nguyễn Thái Hùng.

8. Giải cho phim truyện nhựa có khán giả mua vé nhiều nhất của cả hai năm 2004, 2005 được trao cho phim Lọ lem hè phố của đạo diễn Lê Hoàng. (Cánh diều vàng 2006 cho phim có khán giả mua vé nhiều nhất không có và lý do đã được thông báo ngay từ đầu).

9. Giải báo chí phê bình điện ảnh dành cho phim truyện nhựa được trao cho phim Sinh mệnh của đạo diễn Đào Duy Phúc.

Theo VietNamNet

MỚI - NÓNG