Một Viện quân y làm 61 hồ sơ bệnh binh giả

Một Viện quân y làm 61 hồ sơ bệnh binh giả
TP - Viện quân y K120 (Quân khu 9) đã làm 61 hồ sơ bệnh binh giả để những người này hưởng trợ cấp hàng tháng với số tiền tổng cộng đến nay hàng tỷ đồng. Trong  61 người này có 46 người đào ngũ, bỏ ngũ…
Một Viện quân y làm 61 hồ sơ bệnh binh giả ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Hùng và bà Nguyễn Thị Khuy ở Tiền Giang, những “bệnh binh” do Viện quân y K120 làm hồ sơ giả tạo nên.

PV Tiền phong đến xã Mỹ Thạnh Đông (Cai Lậy, Tiền Giang). Ông Lê Thành Triệu - Cán bộ chính sách của xã - cho biết:

Xã có 12 người không đủ điều kiện công nhận bệnh binh nhưng được nhận chế độ trợ cấp từ năm 1985. Có nhiều người chỉ tham gia cách mạng 1 hoặc 2 năm mà vẫn được công nhận bệnh binh trong khi quy định ít nhất là 5 năm.

Đa phần trong số họ tham gia kháng chiến năm 1972, sau giải phóng tự động bỏ đơn vị về quê không có giấy tờ gì cả. Thế rồi đột nhiên họ có đủ các loại giấy tờ, nằm trong danh sách bệnh binh, được nhận tiền hàng tháng.

Hồ sơ bệnh án của nhiều người ghi tỷ lệ mất sức lao động mấy chục phần trăm do bị sức ép của bom mìn mặc dù thực tế sức khỏe của họ đều ổn định.

Hồ sơ được làm giả toàn bộ

Ông Nguyễn Văn Chẳng (SN 1954), quê ở ấp Mỹ Phú (xã Mỹ Thạnh Đông, Cai Lậy, Tiền Giang) nhập ngũ năm 1972 và hai lần bỏ đơn vị về nhà. Năm 1975, ông quay lại quân ngũ và công tác tại bộ phận xăng-xe thuộc Quân khu 8. Sau này ông vi phạm kỷ luật rồi bỏ hẳn đơn vị về quê.

Năm 1985, ông Chẳng cùng 3 người khác gặp được những người cùng đơn vị trước đây là trung tá Trần Phát Đạt -Viện phó và thượng úy Võ Hữu Trí - Sỹ quan quản lý của Viện quân y K120. Ông Đạt và ông Trí hướng dẫn cho nhóm ông Chẳng viết đơn trình bày quá trình tham gia chiến trường bị sức ép bom, mìn nên mất sức khỏe, sau đó xác nhận cho nhóm ông Chẳng là người cùng đơn vị cũ, có tham gia chiến đấu và đã phục viên.

Tiếp đó, Hội đồng Giám định y khoa của Viện quân y K120 do ông Trần Văn Lư - Viện trưởng làm Chủ tịch với các thành viên là ông Trần Phát Đạt, Đoàn Văn On (Chủ nhiệm khoa Ngoại), Võ Tấn Minh (Chủ nhiệm khoa Nội) chứng nhận ông Chẳng và 3 người kể trên mất sức lao động 65%.

Ông Trần Văn Lư và Trần Phát Đạt còn trực tiếp ký quyết định phục viên giả cho những người này và giao cấp dưới lập sổ trợ cấp phục viên, phiếu cá nhân, tất cả đều giả, để chuyển về địa phương cấp sổ bệnh binh và nhận tiền trợ cấp hàng tháng. Tóm lại hồ sơ của những “bệnh binh” này được làm giả hoàn toàn.

Bằng cách tương tự, Viện quân y K120 đã lập hồ sơ bệnh binh cho tổng cộng 61 người khỏe mạnh được hưởng trợ cấp bệnh binh.

Cai Lậy là huyện có 32 bệnh binh giả, nhiều nhất tỉnh Tiền Giang. Ông Phan Văn Thi  - Cán bộ chính sách Phòng Nội vụ - LĐ - TB&XH Cai Lậy - cho biết: Tổng cộng số tiền đã chi cho những người này là hơn 732 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thảo - Trưởng ban chính sách (Sở LĐ-TB&XH Tiền Giang) thì thống kê cả tỉnh có 56 “bệnh binh” giả hưởng trợ cấp từ năm 1985, người ít nhất hơn 15 triệu đồng, người cao nhất hơn 28 triệu đồng. Tổng cộng số tiền ngân sách trợ cấp cho những “bệnh binh” này là hơn 1,2 tỷ đồng. 

Ngày 13/6/2005, Bộ tư lệnh QK9 đề nghị UBND Tiền Giang thu hồi số tiền trên. Đến ngày 26/7/2006, Phó Chủ tịch UBND Tiền Giang ông Phan Văn Hà ký quyết định thu hồi số tiền trợ cấp quy định đối với từng người cụ thể. Tuy nhiên, đến nay chưa thu được đồng nào.

Gần đây lại phát hiện thêm 5 “bệnh binh” khác cũng do Viện quân y K120 làm giả hồ sơ. Những người này hiện sinh sống ở Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ mà ông Huỳnh Văn Nhẫn kể trên là một trường hợp. Những người này vẫn đang nhận trợ cấp bệnh binh hàng tháng.

Trong số 61 “bệnh binh” do Viện quân y K120 làm hồ sơ giả tạo nên, có 47 người đào ngũ, bỏ ngũ trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến 1979. Trong số những người đào ngũ, bỏ ngũ này, có 35 đào ngũ, bỏ ngũ từ Viện quân y K120, còn 11 người từ các đơn vị khác. Việc làm hồ sơ giả bắt đầu từ năm 1985.

Những người ở Viện quân y K120 trực tiếp làm 61 bộ hồ sơ giả nay đều đã nghỉ hưu hoặc chuyển đơn vị khác. Họ gồm 7 người, trong đó 6 người nay nghỉ hưu ở khu phố 12B (phường 6, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) là:

Ông Trần Văn Lư và ông Trần Phát Đạt đều nguyên Viện trưởng; ông Trương Quang Sơn -  Nguyên Trưởng ban Hành chính; ông Đoàn Văn On - Nguyên Chủ nhiệm khoa Ngoại; ông Nguyễn Thành Lộc - Nguyên sỹ quan tài vụ; ông Võ Hữu Trí - Nguyên sỹ quan quản lý.

Còn ông Lý Dương - Nguyên Trợ lý quân lực, nay đang công tác tại Sư đoàn 8 (Quân khu 9).

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.