Bí thư Quận ủy thời @

Bí thư Quận ủy thời @
TP - Tất cả cán bộ của Quận đều sử dụng thành thạo vi tính và Internet. Từ Bí thư, Chủ tịch đến các trưởng phòng, ban... thường xuyên đọc báo qua mạng, trao đổi công việc với nhau bằng e-mail và “chát”...
Bí thư Quận ủy thời @ ảnh 1
Ông Nhật Thành (phải) - Bí thư Quận ủy Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng và nhà thơ Phạm Tiến Duật

Đó là “mơ ước” về cải cách hành chính của một cơ quan quận, huyện trong tương lai? Không! Đây là điều đã và đang thực tế tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.

Tháng 5/2005, khi đang làm Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, ông Nhật Thành (sinh 1957) nhận quyết định về làm Bí thư Quận ủy Sơn Trà. Trước đó, ở đây đã xảy ra chuyện “2 nhiệm kỳ 3 bí thư” nội bộ mất đoàn kết, phong trào đang có nguy cơ “đi xuống”...

“Thực lòng, ngày đó, tôi chẳng biết làm Bí thư là như thế nào. Nhưng giờ thì tôi đã hiểu phải làm những gì rồi” - Ông Nhật Thành cười hóm hỉnh. Trong rất nhiều thành công mà người Bí thư Quận ủy này đã làm được 2 năm qua, có việc khẳng định mình sống và làm việc giữa thế giới @...

Những quyết định chẳng giống ai

- Việc đầu tiên mà tôi làm, sau khi nhận nhiệm vụ tại Sơn Trà khoảng một tuần là... cho thôi việc 6 ông bảo vệ cơ quan. Đó là những sĩ quan quân đội nghỉ hưu, hầu hết đều là CCB, có người là thương binh.

Họ đều rất tốt, nhưng mà cũ, cứng nhắc, công thần và hách dịch quá. Nhiều người dân tới cơ quan quận gặp họ, đã có ấn tượng không tốt. Tôi tới gặp, làm công tác tư tưởng trước: “Các đồng chí đã có nhiều cống hiến, giờ Quân đội và Nhà nước đã cho nghỉ hưu, mong các đồng chí giúp đỡ quận, nhường lại công việc này cho lớp trẻ, con em chúng ta, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về”. Dĩ nhiên là họ ấm ức lắm, nhưng cũng đành chịu, vì tôi không làm sai Luật Lao động.

Sau khi thay bảo vệ, ông Bí thư Quận ủy có quyết định thứ 2: Cho đập bỏ và xây lại một vài công trình kiến trúc “chướng tai, gai mắt” trong cơ quan. Những công trình này đã tồn tại từ lâu, nhưng không ai dám đụng đến vì những “lý do tế nhị”.

- Tôi quyết định “vừa phá vừa xây dựng lại”, để tạo không khí mới mẻ trong cơ quan và để cho mọi người thấy là tôi dám làm tất cả những việc có lợi cho cái chung! - Ông Nhật Thành nói.

Nhưng hai quyết định trên mới chỉ là “khúc dạo đầu” để tiến tới một quyết định gây “sốc” toàn quận sau ba tháng về nhậm chức: “Cắt” toàn bộ báo chí trong cơ quan Quận ủy, Ủy ban và các phường!

- Tôi nhận ra toàn bộ khối cơ quan từ quận đến phường đều được trang bị máy vi tính rất hiện đại. Riêng khối cơ quan Đảng ở quận còn được trang bị toàn bộ màn hình tinh thể lỏng, mỗi cán bộ một máy rất “hoành tráng” - Ông Bí thư giải thích - Nhưng thật đáng tiếc là những thiết bị đắt tiền, được mua bằng nguồn kinh phí rất lớn của Đảng và Nhà nước này đã không phát huy tác dụng. Chỉ một số ít người biết soạn thảo văn bản vọc vạch, còn lại chủ yếu là dùng để... chơi điện tử và trưng bày trên bàn làm việc để “giải quyết khâu oai”.

Để chuẩn bị tâm lý, tư tưởng cán bộ cho việc “cắt” báo, tôi tranh thủ mọi lúc mọi nơi như: trong cuộc họp, ngoài hành lang, hoặc đi các phòng, ban... tới đâu tôi cũng nói về tác dụng của công nghệ thông tin, phô tô cả những bài viết về tiện ích của công nghệ thông tin, cung cấp cho họ rất nhiều địa chỉ báo điện tử và các website nổi tiếng cho cán bộ đọc...

Trong hội nghị, giao ban, tôi kêu gọi cán bộ hãy nên sử dụng máy tính và sử dụng mạng Internet. Tôi đề nghị mọi người nên chấm dứt việc soạn thảo văn bản bằng viết tay. Hầu hết các cán bộ đều hưởng ứng, kể cả một số người chưa biết gì về công nghệ thông tin, nhưng thấy Bí thư nói vậy, họ cũng nói chủ trương đó rất đúng đắn (họ chưa biết tôi làm vậy là để “cắt” báo). Các cán bộ trẻ, anh em hiểu biết công nghệ thông tin thì rất hăng hái.

Tới lúc ấy, ông Thành mới nói: “Như vậy là các đồng chí đã thống nhất cao với tôi về tiện ích của công nghệ thông tin phải không? Bắt đầu từ ngày mai, tôi yêu cầu toàn quận chúng ta cắt báo viết. Những báo đã đặt tiền ở bưu điện rồi, đề nghị văn phòng thu lại, gửi cho một đơn vị bộ đội ở ngoài hải đảo và biên giới đọc. Cán bộ quận, ai muốn đọc báo, lấy thông tin, thì hãy mở máy tính vào mạng Internet mà đọc. Nếu thiếu máy in tài liệu, thì quận sẽ đầu tư mua đủ máy in theo yêu cầu công tác”.

Tất cả cán bộ quận Sơn Trà đều ngớ ra trước quyết định “có một không hai” của ông Bí thư. Một số ý kiến xì xào. Có đồng chí cán bộ lớn tuổi thân thiết đến nói nhỏ: “Anh làm vậy liệu có “cứng” quá không? Ai lại lãnh đạo đi cắt hết thông tin của cán bộ?”.

Tôi bảo: “Trời ơi, tôi đâu có cắt thông tin, mà chỉ cải cách phương tiện hiện đại hơn. Hơn nữa, tôi đã thăm dò ý kiến cả tháng nay rồi, dân chủ bàn bạc, tất cả đều ủng hộ, có ai phản đối đâu. Chính anh hồi sáng nay còn ca ngợi, ủng hộ ý tưởng này đó thôi”.

Lại có người nói: “Tôi thường tranh thủ đọc báo vào ngày nghỉ, giờ nghỉ, mà nhà tôi chưa có máy tính thì sao mà đọc báo điện tử với Internet được?”. Tôi trả lời: “Vậy thì mời anh đến cơ quan. Văn phòng quận sẽ mở cửa cả ngày nghỉ, các anh tha hồ đọc báo và nghiên cứu tài liệu, miễn phí điện nước luôn”.

Khi Bí thư, Chủ tịch... cùng lên mạng để “chát”

- Hồi đó, tất cả cán bộ trong quận Sơn Trà không ai dám công khai có ý kiến gì. Nhưng tôi biết những ngày đầu có rất nhiều người phản đối ngầm, đó là những người có chức vụ, có tuổi, vì nhiều người trong số họ chưa biết gì về Internet - Ông Nhật Thành tâm sự -  Phải mất chừng một tháng, không khí cơ quan quận căng thẳng vì chuyện này. Tới mức đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo phải nói với tôi: “Em rất ủng hộ anh mọi việc, nhưng riêng chuyện “cắt báo mời vào Internet” này thì em sợ anh làm hơi quá. Em lo anh sẽ mất phiếu trong kỳ đại hội sắp tới đó”.

Tôi cười và bảo: “Cứ yên tâm, việc ta làm đúng, có lợi cho Đảng cho dân thì sợ gì, có mất vài phiếu cùng không ngại, phải làm bằng được!”. Đại hội cuối năm đó, tôi vẫn trúng với tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao.

Ông Nhật Thành cho biết thêm: Riêng khối Đảng ở quận Sơn Trà mỗi năm chi hết 57 triệu tiền báo chí (chưa tính số tiền đặt báo chí cho cán bộ hưu trí). Bên cơ quan Ủy ban quận còn tốn trên 100 triệu. Cả quận Sơn Trà mỗi năm ngân sách Nhà nước chi gần 200 triệu tiền báo chí. Thì cứ tính nhẩm sẽ ra ngay: Riêng Bí thư, Phó Bí thư, các đồng chí trong Thường vụ mỗi người đều 8 tờ báo. Các phòng ban khác đều đặt trên dưới 5 tờ... Số báo đó, tôi biết nhiều người không đọc, mà mang cả xấp về nhà để cho, tặng, hay bán giấy lộn...

Sở dĩ tôi dám khẳng định một số cán bộ Sơn Trà hồi đó không đọc báo, vì nhiều lần hỏi họ những tin tức sốt dẻo, thậm chí cả tin liên quan tới Đà Nẵng, hay trực tiếp quận Sơn Trà, nhưng họ đều không biết.

Tuy nhiên, mục đích cắt báo của ông Bí thư quận không phải để “tiết kiệm tiền” mà là để cán bộ của quận phải... sử dụng Internet!

Vì khi đã quyết định “cắt” báo trong quận, có một số báo, tạp chí chưa lên mạng, cần thiết cho công việc hằng ngày... thì ông Nhật Thành cho đặt mua lại, nhưng là bằng tiền... cá nhân. Hiện mỗi tháng ông Thành đặt mua khoảng gần 100 ngàn báo chí bằng tiền túi. Bí thư gương mẫu như vậy, thì không ai không nghe.

Sau khi đã “cắt” báo thành công, Bí thư Quận ủy mới ra quyết định thứ hai: Yêu cầu tất cả cán bộ trong quận không được gửi văn bản in sẵn, mà phải chuyển qua e-mail, hoặc thẻ nhớ USB.

- Những ai gửi văn bản in, tôi đưa trả lại, không đọc - Ông Thành cho biết - Các loại công văn, báo cáo, tôi chỉ quy định ký vào một bản duy nhất để vào số công văn và lưu hồ sơ theo quy định; nghĩa là, hạn chế tối thiểu việc in ra giấy. Còn lại, văn thư gửi tất cả các đầu mối đều theo đường e-mail. Làm như vậy chẳng những sẽ tiết kiệm được một số kinh phí đáng kể về giấy, mực in, phong bì... mà quan trọng là thời gian gửi rất nhanh. Chỉ cần mở máy tính là đọc được.

Thật thú vị là, nhiều cán bộ đã có bằng vi tính, nhưng do yêu cầu công việc, đã phải tự đi học thêm, bởi sợ mình tiếp thu chậm sẽ bị chê cười. Còn cậu kỹ sư của Trung tâm Tin học quận thì làm không hết việc. Một phong trào học sử dụng vi tính và Internet đã diễn ra âm thầm, quyết liệt trong khối cán bộ quận.

Nhờ các biện pháp ráo riết như trên mà đến nay hầu hết cán bộ của Sơn Trà từ Quận ủy, Ủy ban, tới các phường đều đã thành thạo việc sử dụng vi tính và mạng Internet. Bây giờ, mỗi khi đi công tác xa, ông Bí thư chỉ cần mang theo cái máy tính xách tay, ngồi quán cà phê là có thể check mail và “chát” với bất cứ ai trong Quận ủy và Ủy ban khi có việc. Làm Bí thư Quận ủy thời @ cũng hay thật.

Ông Nhật Thành cho biết: Ông bắt đầu làm quen với Internet từ gần 10 năm trước. Hồi đó việc kết nối Internet còn mới mẻ, phải chung với đường điện thoại. Gia đình ông Thành đăng ký nối mạng với bưu điện chỉ đơn giản với mục đích là hằng ngày được đọc các thông tin mới nhất trên các báo Nhân dân, Tiền phong, Thanh niên, Tuổi trẻ... mà không phải chờ đợi, vì phát hành ở Đà Nẵng chậm sau một ngày (hầu hết các báo này mới được in và phát hành ở Đà Nẵng 2 năm nay).

Cái “giá” của việc nối mạng này là có tháng gia đình ông phải trả một khoản cước phí bưu điện hàng triệu đồng. Nhưng đổi lại, ông nắm các thông tin thời sự rất nhanh; thêm nữa, cả gia đình ông hiện nay đều thành thạo việc sử dụng vi tính và Internet.

MỚI - NÓNG