An toàn cáp quang biển: Cấp bách hơn cả chống bão lụt

An toàn cáp quang biển: Cấp bách hơn cả chống bão lụt
TP- Ông Trần Đức Lai – Thứ trưởng Bộ BC&VT đã thốt lên như vậy sau cuộc họp với đại diện tỉnh Sóc Trăng trong chuyến công tác đặc  tại 5 tỉnh ven biển miền Tây.

Cuộc họp đã thống nhất các biện pháp khẩn cấp bảo vệ an toàn cho tuyến cáp quang biển SMW3 duy nhất còn lại sau khi tuyến TVH bị cắt trộm.

Theo ông Lai, trước nguy cơ “huyết mạch” thông tin còn lại cũng bị cắt trộm, các cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ BC&VT, VNPT và 5 tỉnh trên sẽ diễn ra “kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật” để các biện pháp cụ thể bảo vệ an toàn cho tuyến cáp được triển khai “sớm chừng nào tốt chừng ấy”.

Tại các cuộc họp này, UBND tỉnh triệu tập lãnh đạo các cơ quan chức năng, trong đó có Sở Thuỷ sản, Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP)… nhằm quán triệt về tầm quan trọng của tuyến cáp quang, đồng thời yêu cầu triển khai biện pháp trước mắt là nghiêm cấm ngư dân “khai thác” cáp quang biển; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thu mua cáp quang phế liệu. Ngư dân trước khi ra khơi đánh bắt cá phải ký cam kết với BĐBP không “khai thác” phương tiện truyền thông tin liên lạc này.

Bên cạnh đó, Sở Thủy sản thực hiện biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ cáp quang biển đối với ngư dân bằng thiết bị thông tin vô tuyến vốn được sử dụng để nhận các bản tin dự báo thời tiết, hướng dẫn ngư dân tránh bão…

“Có thể nói tình hình hiện nay đã cấp bách hơn cả chống bão. Phải bảo vệ an toàn tuyệt đối tuyến cáp quang còn lại”. – Thứ trưởng BC&VT Trần Đức Lai nói. Cùng thời điểm, một đoàn công tác khác do Thứ trưởng BC&VT Nguyễn Minh Hồng cùng Tổng Giám đốc VNPT Nguyễn Tuấn Hùng cũng đang có chuyến công tác tại 5 tỉnh ven biển miền Trung thảo luận những biện pháp khẩn cấp trên.

Sáng qua (2/6), ông Lâm Quốc Cường – Phó Giám đốc Cty Viễn thông Quốc tế (VTI) cho hay tập đoàn SingTel (Singapore) hồi tháng trước đã gửi e-mail đến VTI xác nhận cáp quang biển APCN (không có điểm cập bờ nước ta) đi qua lãnh hải Việt Nam đã bị cắt trộm.

Qua ảnh chụp của tàu cáp chuyên dụng Asean Explorer, SingTel cho rằng đây là tàu của Việt Nam có số hiệu BV 9307 TS khi đó đang “khai thác” trái phép cáp APCN ở vĩ độ 05o56.100’N và kinh độ 109o10.425’E.

Theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, không chỉ SMW3 mà 6 tuyến cáp quang quốc tế đi qua vùng lãnh hải Việt Nam (không có điểm cập bờ) cũng cần được bảo vệ an toàn.

“Huyết mạch” SMW3

Theo website chính thức của SMW3, sau khi triển khai thành công dự án tuyến cáp quang SMW2, hay còn gọi là SEA-ME-WE 2, nối liền giữa Đông Nam Á- Trung Đông – Tây Âu (South East Asia Middle East Western Europe 2) cuối những năm 80, tập đoàn SingTel (Singapore) và France Telecom (Pháp) bắt tay nghiên cứu việc triển khai thêm một tuyến cáp quang nối liền châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu.

Tháng 1/1997, thỏa thuận xây dựng và bảo dưỡng SMW3 đã được 92 đối tác ký kết. Đến cuối năm 2000, toàn bộ tuyến cáp được xây dựng xong.

SMW3 là hệ thống cáp quang biển dài nhất thế giới với tổng chiều dài lên đến 39.000 km.

Hệ thống SMW3 có 39 điểm cập bờ tại 33 quốc gia và 4 lục địa kéo dài từ Tây Âu (gồm Đức, Anh, Pháp) đến vùng Viễn Đông (Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore) rồi nối đến Australia. Tại Việt Nam, SMW3 có điểm cập bờ ở đài cáp quang Đà Nẵng.

Cty VTI là thành viên và trực tiếp quản lý trạm cập bờ của SMW3 và TVH (đã bị cắt trộm và đang chờ sửa chữa). Hai hệ thống cáp biển trên được xem là “huyết mạch” kết nối mạng viễn thông của Việt Nam ra thế giới, cung cấp các dịch vụ thoại, fax, truyền số liệu và phần lớn dung lượng Internet của Việt Nam. TVH - được đưa vào khai thác tháng 11/1995 kết nối 3 Thái Lan, Việt Nam và Hồng Công, với dung lượng mỗi hướng 560Mb/s - có điểm cập bờ ở Vũng Tàu.

MỚI - NÓNG